Skip to content
Top banner

WCD 38th 2004 Các Phương tiện Truyền Thông & Gia Ðình: Mối Nguy Cơ & Sự Phong Phú

THTT-01
2022-01-31 04:42 UTC+7 231

SỨ ĐIỆP TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI NĂM 2004

“Các Phương tiện Truyền Thông & Gia Ðình: Mối Nguy Cơ & Sự Phong Phú”

Anh chị em thân mến,

1. Sự phát triển ngoại thường những phương tiện kỹ thuật truyền thông xã hội và việc càng ngày càng có sẵn những phương tiện nầy cho nhiều người hơn, cả hai đã mang đến những cơ may đặc biệt, để làm phong phú cuộc sống không những của những cá nhân, nhưng còn của những gia đình nữa. Ðồng thời, những gia đình ngày nay đang đối diện với những thách thức mới phát sinh từ những sứ điệp khác nhau và thường thì mâu thuẫn, do những phương tiện truyền thông trình bày. Chủ đề đã được chọn cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội năm 2004 - “Các Phương tiện Truyền Thông và Gia Ðình: Mối Nguy Cơ và Sự Phong Phú” - là chủ đề đúng lúc, bởi vì sứ điệp mời gọi mọi người hãy suy nghĩ cách nghiêm chỉnh về việc sử dụng mà các gia đình có đối với các phương tiện truyền thông xã hội, và rồi suy nghĩ về cách thức bởi đó các gia đình và những quan tâm của gia đình được bàn đến bởi các phương tiện truyền thông xã hội. Chủ đề của Sứ Ðiệp năm nay còn nhắc lại cho mỗi người, - những nhà truyền thông và những kẻ thừa hưởng nội dung truyền thông, - rằng tất cả mọi sự thông truyền đều có chiều kích luân lý. Như Chúa đã nói, chính từ sự phong phú có trong tâm hồn mà miệng lưỡi chúng ta nói ra (x. Mt 12,34-35). Con người phát triển thêm hay bị giảm xuống trong phẩm chất luân lý, do bởi những lời mà họ nói ra và những sứ điệp mà họ chọn lắng nghe. Vì thế, sự khôn ngoan và phân biệt trong việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội là điều đặc biệt cần thiết, từ Phía những nhà chuyên môn về truyền thông, những bậc làm cha mẹ và những nhà giáo dục, bởi vì những quyết định của họ có ảnh hưởng to lớn trên các trẻ em cũng như trên những người trẻ mà họ có trách nhiệm chăm sóc cho và là những người trẻ xét cho cùng là tương lai của xã hội.

2. Nhờ vào sự phổ biến rộng rãi chưa từng có của thị trường các phương tiện truyền thông xã hội trong những thập niên vừa qua, nhiều gia đình trên thế giới, cả những gia đình có phương tiện tài chánh khiêm tốn, giờ đây, từ nơi nhà riêng của họ, được tiếp cận với những nguồn tin bao la và đa dạng nhờ các phương tiện truyền thông nầy. Kết quả là họ được hưởng hầu như vô tận các cơ hội về thông tin, giáo dục, phổ biến văn hóa và cả phát triển đời sống thiêng liêng nữa; đây là những cơ may vượt xa các điều mà những gia đình thời trước có thể có.

Nhưng chính những phương tiện nầy có khả năng gây thiệt hại trầm trọng cho các gia đình, qua việc trình bày một quan niệm không tương xứng và ngay cả méo mó về sự sống, về gia đình, về tôn giáo và về luân lý. Khả năng của các phương tiện truyền thông xã hội hoặc để củng cố hoặc để xóa bỏ những giá trị truyền thống như tôn giáo, văn hóa và gia đình, (khả năng đó) đã được Công Ðồng Vatican II nhìn thấy rõ ràng và đã dạy rằng: “nếu muốn cho những phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng đúng đắn, thì điều thiết yếu là tất cả những ai sử dụng chúng, phải biết rõ những nguyên tắc luân lý và trung thành áp dụng những nguyên tắc nầy” (trích “Inter Mirifica,” số 4). Truyền Thông trong bất cứ hình thức nào luôn phải được hướng dẫn bởi tiêu chuẩn luân lý của việc tôn trọng sự thật và tôn trọng phẩm giá con người.

3. Những nhận định trên áp dụng đặc biệt cho việc đối xử gia đình trong các phương tiện truyền thông xã hội. Một đàng, hôn nhân và đời sống gia đình thường được mô tả một cách tế nhị, sát thực tế nhưng cũng dễ cảm, đề cao những nhân đức như tình thương yêu, lòng trung thành, sự tha thứ và sự quảng đại hy sinh chính mình cho kẻ khác. Các phương tiện truyền thông xã hội tuy có trình bày những đổ vỡ và những thất vọng không thể nào tránh khỏi của các đôi bạn và gia đình - những căng thẳng, những xung đột, những thụt lùi, những chọn lựa điều xấu và những hành động xúc phạm - nhưng đồng thời cũng biết cố gắng phân biệt điều gì đúng điều gì sai, phân biệt tình thương chân chính với những gì giả tạo, và biết nêu ra tầm quan trọng không thể thay thế của gia đình, như là tế bào nền tảng của xã hội.

Ðàng khác, gia đình và đời sống gia đình lại quá thường bị mô tả một cách méo mó trong các phương tiện truyền thông xã hội. Sự bất trung, hoạt động tính dục ngoài vòng hôn nhân, và sự thiếu vắng một quan điểm luân lý và thiêng liêng về giao ước hôn nhân, tất cả những điều tiêu cực nầy được mô tả cách bừa bãi; thêm vào đó, sự ly dị, ngừa thai, phá thai và đồng tính luyến ái, đôi khi được ủng hộ tích cực. Những lập trường nầy, cổ võ những yếu tố đối nghịch với hôn nhân và gia đình, gây thiệt hại cho công ích của xã hội.

4. Một suy tư có ý thức về chiều kích luân lý của các phương tiện truyền thông xã hội nên dẫn đến những sáng kiến cụ thể nhắm loại trừ những nguy cơ mà các phương tiện truyền thông có thể gây ra chống lại điều phúc lợi của gia đình, vừa bảo đảm sao cho những phương tiện có tác động mạnh mẽ nầy được luôn là những nguồn mạch đích thực làm cho gia đình được phong phú. Những nhà truyền thông, những kẻ nắm giữ công quyền và những bậc làm cha mẹ, tất cả đều có trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực nầy.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã lưu ý rằng những nhà truyền thông chuyên nghiệp nên “biết và tôn trọng những nhu cầu của gia đình, và điều nầy đôi khi đòi buộc các nhà truyền thông phải có lòng can đảm đích thật, và luôn luôn phải có ý thức trách nhiệm cao độ” (trích Sứ Ðiệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông 1969). Thật không dễ để chống lại những áp lực thương mại hoặc chống lại những yêu cầu chiều theo những ý thức hệ trần tục; nhưng đó lại là điều mà những nhà truyền thông có trách nhiệm cần phải làm. Trách nhiệm thật là cao cả, bởi vì mỗi tấn công vào giá trị căn bản của gia đình là tấn công vào điều thiện hảo đích thực của nhân loại.

Những kẻ nắm giữ công quyền có một bổn phận nghiêm trọng phải ủng hộ hôn nhân và gia đình để mưu cầu điều tốt đẹp cho xã hội. Nhưng thay vì làm như thế, thì nhiều người ngày nay lại chấp nhận và hành động dựa trên những lý lẽ phóng khoáng không nền tảng của những nhóm người cổ võ những đường lối thực hành góp phần vào hiện tượng đáng quan ngại của sự khủng hoảng gia đình và làm yếu đi quan niệm đúng về gia đình. Không cần phải dùng đến phương thế kiểm duyệt, nhưng những kẻ nắm giữ công quyền cần phải đặt ra những quy định và những thể thức hướng dẫn, để bảo đảm sao cho những phương tiện truyền thông xã hội không chống lại những giá trị tốt của gia đình. Những đại diện cho các gia đình nên tham dự vào việc soạn ra những quy định và thể thức nầy.”

Những kẻ có trách nhiệm đề ra chính sách trong lãnh vực các phương tiện truyền thông xã hội cũng như trong lãnh vực công cộng cũng phải có trách nhiệm thực hiện một sự phân phối công bằng những phương tiện truyền thông xã hội trên bình diện quốc gia và quốc tế, vừa vẫn tôn trọng sự toàn vẹn của những nền văn hóa truyền thống. Các phương tiện truyền thông không nên thể hiện một đường lối nghịch lại với những giá trị vững chắc của gia đình có mặt trong các nền văn hóa truyền thống, cũng không nên nhắm đến mục tiêu thay thế những giá trị tốt nầy bằng những giá trị trần tục của một xã hội tiêu thụ, dựa theo diễn tiến của hiện tượng toàn cầu hóa.

5. Như là những nhà giáo dục chính yếu và quan trọng nhất đối với con cái, các bậc làm cha làm mẹ cũng là những người đầu tiên dạy dỗ chúng về truyền thông. Các bậc phụ huynh được kêu gọi để huấn luyện con cái về “việc sử dụng truyền thông một cách điều độ, có phán đoán, theo dõi và thận trọng” tại nhà (Tông thư Familiaris Consortio, 76). Khi cha mẹ thực hiện điều này một cách cương quyết và tốt đẹp, đời sống gia đình sẽ được phong phú rất nhiều. Ngay cả trẻ em còn rất nhỏ có thể được dạy dỗ về những bài học quan trọng về truyền thông. Ðó là truyền thông được sản xuất bởi những người tha Thiết muốn thông chuyển các sứ điệp; đó là truyền thông thường là những sứ điệp khiến phải làm điều gì - mua một sản phẩm, có hành vi mập mờ - không đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em hoặc phù hợp với sự thật luân lý; đó là trẻ em không nên chấp nhận thiếu sự phán đoán hay bắt chước điều chúng thấy trên các phương tiện truyền thông.

Những bậc làm cha mẹ cũng cần qui định việc sử dụng những phương tiện truyền thông trong gia đình. Ðiều nầy có nghĩa là xếp đặt và đề ra chương trình khi nào nên dùng các phương tiện nầy, là giới hạn chặt chẽ thời gian bao lâu các con cái được sử dụng các phương tiện nầy, là làm cho việc giải trí nhờ qua các phương tiện truyền thông trở thành một sinh hoạt chung của gia đình, là đặt vài phương tiện truyền thông ra ngoài phạm vi sử dụng của con cái, và theo định kỳ đặt ra thời hạn hoàn toàn không sử dụng các phương tiện truyền thông để có thời gian cho những sinh hoạt khác của gia đình. Trên hết mọi sự, những bậc làm cha mẹ nên nêu gương tốt cho con cái qua việc chính họ cũng thận trọng và biết phân biệt chọn lựa trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều khi những bậc làm cha mẹ sẽ thấy hữu ích việc tham dự với các gia đình khác để học hỏi và thảo luận về những vấn đề cũng như những dịp tốt trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Các gia đình nên nói lên rõ ràng cho các nhà sản xuất, những kẻ quảng cáo và những người nắm giữ công quyền biết rõ điều gì họ thích, điều gì họ không thích.

6. Truyền thông xã hội có một tiềm năng tích cực khổng lồ trong việc cổ võ các giá trị nhân bản và gia đình đúng đắn và như thế góp phần vào việc canh tân xã hội. Xét theo sức mạnh to lớn của truyền thông trong việc uốn nắn ý tưởng và ảnh hưởng hành vi, những người làm truyền thông chuyên nghiệp nên nhận ra họ có một trách nhiệm luân lý không chỉ đem lại cho các gia đình mọi sự khuyến khích, giúp đỡ và ủng hộ có thể, nhưng cũng còn thực hành sự khôn ngoan, óc phán đoán tốt và không thiên vị trong việc trình bày các vấn đề liên quan đến tính dục, hôn nhân và đời sống gia đình.

Vatican, 24 Tháng Giêng 2004,

GIOAN PHAOLÔ II


Đọc bản văn tiếng anh tại đây

Chia sẻ