WCD 37th 2003 Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng Phục Vụ Hòa Bình Chân Chính Theo Ý Nghĩa Của Thông Điệp ‘Hòa Bình
SỨ ÐIỆP NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI LẦN THỨ 37
NĂM 2003
“Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng Phục Vụ Hòa Bình Chân Chính Theo Ý Nghĩa Của Thông Điệp ‘Hòa Bình Dưới Thế’”
Anh Chị Em thân mến,
1. Trong những ngày tăm tối của một Cuộc Chiến Tranh Lạnh, Bức Thông Điệp “Hòa Bình Dưới Thế” của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã xuất hiện như một hải đăng hy vọng cho những con người nam nữ thiện tâm. Khi tuyên bố là nền hòa bình chân chính cần phải “cẩn thận tuân giữ trật tự được Thiên Chúa thiết lập” (Pacem in Terris, 1), Đức Thánh Cha này đã vạch ra cho thấy những rường cột của một xã hội thái hòa là sự thật, công lý, bác ái và tự do (Ibid, 37).
Việc nổi lên quyền lực của những phương tiện truyền thông xã hội tân tiến đã làm nên một phần quan trọng cho bức phông của Bức Thông Điệp này. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đặc biệt nghĩ đến vấn đề truyền thông đại chúng trong đầu khi Ngài kêu gọi “công bằng và vô tư” trong việc sử dụng “những phương tiện cổ võ và truyền bá việc hiểu biết giữa các quốc gia” do khoa học và kỹ thuật cung cấp; Ngài đã than “những cách thức tuyên truyền tín liệu vi phạm đến nguyên tắc sự thật và công lý, và làm tổn thương đến tiếng tăm của dân tộc khác” (Ibid, 90).
2. Hôm nay, như chúng ta kỷ niệm 40 năm bức Thông Điệp “Hòa Bình Dưới Thế”, thì việc chia rẽ các dân tộc thành hai khối hầu như đã trở thành một ký ức đau thương, thế nhưng hòa bình, công lý và tình trạng bền vững của xã hội vẫn còn đang bị hụt hẫng ở nhiều phần đất trên thế giới. Vấn đề khủng bố, tình trạng xung đột ở Trung Đông và ở những miền khác, những mối đe dọa và chống đe dọa, tình trạng bất công, khai thác, những cuộc tấn công phẩm giá và sự thánh hảo của sự sống con người cả trước và sau khi sinh, đều là những thực tại buồn nản của thời đại chúng ta.
Trong khi đó, quyền lực của vấn đề truyền thông đại chúng trong việc hình thành những mối liên hệ nhân bản cũng như trong việc chi phối sinh hoạt chính trị cùng xã hội, cả tốt lẫn xấu, đã tăng triển rất nhiều. Bởi thế đề tài hợp thời được chọn cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Năm Thứ 37 là: “Những Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng Phục Vụ Hòa Bình Chân Chính Theo Ý Nghĩa Của Thông Điệp ‘Hòa Bình Dưới Thế’”. Thế giới và phương tiện truyền thông đại chúng vẫn còn nhiều điều phải học nơi sứ điệp của Vị Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII này.
3. Vấn đề truyền thông đại chúng và Sự Thật. Vấn đề đòi hỏi căn bản về luân lý đối với tất cả mọi thứ truyền đạt đó là việc tôn trọng sự thật và phục vụ sự thật. Quyền tự do tìm kiếm và nói những gì chân thực là những gì thiết yếu cho việc truyền đạt của con người, chẳng những liên quan đến dữ kiện và tín liệu, mà nhất là còn liên quan đến bản tính và định mệnh của con người, đến xã hội và công ích, đến mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa nữa. Về khía cạnh này, vấn đề truyền thông đại chúng có một trách nhiệm bất khả tránh, vì nó tạo nên một vận trường tân tiến tạo cơ hội cho việc chia sẻ tư tưởng, cũng như cho dân chúng hiểu biết và liên kết với nhau hơn. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã bênh vực quyền “tự do điều tra sự thật và, trong giới hạn của lãnh vực luân lý và công ích, tự do phát biểu và phát hành” như những điều kiện cần thiết cho hòa bình xã hội (Pacem in Terris, 12).
Thật vậy, vấn đề truyền thông đại chúng thường can trường cống hiến cho việc phụng sự chân lý; thế nhưng đôi khi chúng hành sử như những tác nhân của việc tuyên truyền cũng như của việc tung tin thất thiệt để phục vụ những lợi lộc hẹp hòi, góp phần gây ra những xúc phạm liên quan đến các quốc gia, đến thành phần thiểu số, đến chủng tộc và tôn giáo, phục vụ lòng tham làm vật chất, cũng như phục vụ cho các thứ ý hệ sai lầm khác nhau. Những áp lực thúc đẩy các phương tiện truyền thông đại chúng tác hành một cách sai lầm như vậy, trước hết cần phải được chính tất cả mọi con người nam nữ đi làm truyền thông chống lại, và cả Giáo Hội cùng các nhóm quan tâm khác nữa.
4. Vấn đề truyền thông đại chúng và Công lý. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói chí lý trong “Thông Điệp “Hòa Bình Dưới Thế” về sự thiện nhân bản phổ quát, đó là “sự thiện của toàn thể gia đình nhân loại” (số 132), mà hết mọi cá nhân và tất cả mọi dân tộc được quyền chia sẻ.
Về khía cạnh này thì việc truyền thông đại chúng vươn mình ra khắp thế giới mang một trách nhiệm đặc biệt. Phải công nhận là các phương tiện truyền thông đại chúng thường thuộc về những nhóm có xu hướng riêng, công cũng như tư, nhưng chính bản chất của việc chúng ảnh hưởng đến đời sống buộc chúng không được nhúng tay vào việc làm cho nhóm này kình chống nhóm kia, chẳng hạn, nhân danh việc xung khắc giai cấp gây quá khích tinh thần quốc gia dân tộc, quá khích chủ Trương đệ nhất giống nòi, quá khích việc thanh toán chủng tộc, và những điều giống như vậy. Nhân danh tôn giáo làm cho người này chống lại người kia là một thua bại hết sức nặng nề trước sự thật và công lý, vì nó là một thứ đối xử kỳ thị về các niềm tin tôn giáo, bởi những niềm tin này thuộc về một lãnh giới sâu xa nhất của phẩm giá và tự do của con người.
Bởi việc tường trình chính xác các biến cố, cắt nghĩa một cách đúng đắn các vấn đề và trình bày khách quan những quan điểm khác nhau, mà các phương tiện truyền thông đại chúng có một nhiệm vụ nghiêm ngặt trong việc bồi dưỡng công lý và tình đoàn kết nơi các mối liên hệ nhân bản ở tất cả mọi lãnh vực trong xã hội. Điều này không có nghĩa là giải thích về những mối bất bình và chia rẽ song đào sâu vào những căn nguyên của chúng để hiểu chúng và chữa lành.
5. Vấn đề truyền thông đại chúng và Tự Do. Tự do là một điều kiện tiên quyết cho hòa bình thực sự cũng là một trong những hoa trái cao cả nhất của nó. Các phương tiện truyền thông đại chúng phục vụ tự do bằng việc phục vụ sự thật, ở chỗ, chúng cản trở tự do ở chỗ chúng xa lìa những gì là chân thật khi loan truyền những điều sai lạc hay tạo nên một bầu khí gây phản ứng sôi nổi thiếu lành mạnh trước những biến cố xẩy ra. Chỉ khi nào con người ta dễ dàng biết được những tín liệu đúng đắn và đầy đủ họ mới có thể theo đuổi công ích và giữ được vai trò chính quyền cho có uy tín.
Nếu các phương tiện truyền thông đại chúng muốn phục vụ tự do thì tự chúng phải được tự do và sử dụng chính xác cái tự do này. Vị trị đặc biệt của chúng buộc chúng phải vượt trên những tìm kiếm thuần thương mại và phục vụ những thiện ích và nhu cầu thực sự của xã hội. Mặc dù có một số điều lệ công khai về các phương tiện truyền thông đại chúng xứng hợp chú trọng tới công ích thì việc chính quyền kiểm soát lại không xứng hợp. Các ký giả và bình luận gia đặc biệt có nhiệm vụ nặng nề trong việc làm theo những gì lương tâm luân lý họ đòi hỏi và chống lại những áp lực bắt họ phải “thích ứng” sự thật để làm thỏa mãn những đòi hỏi của thành phần giầu có hay của quyền bính chính trị.
Vấn đề thực tế là cần phải tìm cách để làm sao chẳng những cống hiến cho những khối phần tử yếu kém hơn trong xã hội có được những tín liệu họ cần cho việc phát triển cá nhân cũng như xã hội của họ, mà còn phải làm sao bảo đảm được rằng họ không bị tẩy chay không cho góp phần một cách hiệu lực và hữu trách trong việc quyết định về nội dung của các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trong việc ấn định những cấu trúc và qui chế cho các phương tiện truyền thông xã hội.
6. Vấn đề truyền thông đại chúng và Yêu Thương. “Cơn giận dữ của con người không tỏ ra sự công chính của Thiên Chúa” (Gc 1:20). Ở vào cao điểm của Cuộc Chiến Tranh Lạnh, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã bày tỏ tư tưởng đơn sơ song sâu xa này về những gì đường lối hòa bình cần phải theo, đó là: “Việc bảo trì hòa bình cần phải tùy thuộc vào một nguyên tắc hoàn toàn khác với nguyên tắc đang được thi hành hiện nay. Hòa bình thực sự giữa các quốc gia không được tùy thuộc vào việc làm sao để có được một số lượng khí giới ngang nhau, mà hoàn toàn ở lòng tin tưởng lẫn nhau mà thôi” (Pacem in Terris, 113).
Các phương tiện truyền thông đại chúng là những diễn viên chính yếu trên thế giới hôm nay, và chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng niềm tin tưởng nhau này. Chúng có một quyền năng đến nỗi chỉ trong vòng mấy ngày ngắn ngủi chúng có thể tạo nên một phản ứng công cộng tích cực hay tiêu cực theo ý đồ của chúng trước những biến cố xẩy ra. Những con người hiểu biết nhận thấy rằng cái quyền năng mãnh liệt này cần phải căn cứ vào những tiêu chuẩn cao nhất trong việc dấn thân phục vụ sự thật và sự thiện. Theo chiều hướng này, những con người nam nữ đi làm truyền thông đặc biệt buộc phải góp phần xây dựng hòa bình ở tất cả mọi phần đất trên thế giới, bằng việc phá đổ những chướng ngại ngờ vực nhau, nuôi dưỡng việc chú trọng tới quan điểm của người khác, và luôn cố gắng mang các dân tộc và quốc gia xích lại gần nhau bằng việc hiểu biết và tôn trọng nhau, thậm chí vượt trên cả việc hiểu biết và tôn trọng nhau nữa, tức tới cả chỗ hòa giải và xót thương! “Nơi nào hận thù và nung nấu trả thù chủ trị, nơi nào chiến tranh mang lại khổ đau và chết chóc cho thành phần vô tội, thì nơi ấy cần đến ân sủng của tình thương để ổn định tâm trí con người cũng như để mang lại hòa bình” (Homily at the Shrine of Divine Mercy at Kraków-Lagiewniki, 17 August 2002, No. 5).
Nêu lên tất cả những thứ thách đố này không có nghĩa là yêu cầu quá nhiều nơi những con người nam nữ đi làm truyền thông đại chúng. Vì, theo ơn gọi cũng như nghề nghiệp của mình, họ được kêu gọi để trở thành những tác nhân của sự thật, công lý, tự do và yêu thương, bằng việc đóng góp hoạt động quan trọng của họ cho một trật tự xã hội “được thiết lập trên sự thật, được xây dựng trên công lý, được bảo dưỡng và sinh động bởi bác ái, và được hiệu nghiệm bởi việc bảo hộ của tự do” (Pacem in Terris, 167). Bởi vậy, lời cầu nguyện của Tôi trong Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay là những con người nam nữ đi làm truyền thông hơn bao giờ hết sống trọn cuộc đời trước những thách đố của ơn gọi của mình, ở chỗ phục vụ cho công ích đại đồng. Việc hoàn thành bản thân của họ cũng như hòa bình và hạnh phúc của thế giới tùy thuộc rất nhiều ở điều này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho họ bằng ơn soi sáng và can đảm.
Tại Vatican ngày 24/1/2003
Gioan Phaolô II.
Đọc bản văn tiếng anh tại đây