Skip to content
Top banner

WCD 35th 2001 “Hãy rao giảng từ mái nhà” Tin Mừng trong Thời đại Truyền Thông Toàn cầu

THTT-01
2022-01-31 02:52 UTC+7 1201
Chủ đề tôi chọn cho Ngày Truyền Thông Thế Giới năm 2001 vang vọng lời của chính Chúa Giêsu. Không thể khác hơn được vì chính Ðức Kitô mà thôi là Ðấng chúng ta rao giảng. Chúng ta nhớ lại lời của Ngài với các môn đồ tiên khởi: “Ðiều Thầy nói với anh em...

SỨ ÐIỆP NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI 25/05/2001

Chủ đề: “Hãy rao giảng từ mái nhà” Tin Mừng trong Thời đại Truyền Thông Toàn cầu.

1. Chủ đề tôi chọn cho Ngày Truyền Thông Thế Giới năm 2001 vang vọng lời của chính Chúa Giêsu. Không thể khác hơn được vì chính Ðức Kitô mà thôi là Ðấng chúng ta rao giảng. Chúng ta nhớ lại lời của Ngài với các môn đồ tiên khởi: “Ðiều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm hãy nói ra giữa ban ngày; điều anh em nghe rỉ tai, hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10:27). Trong sự bí ẩn của tâm hồn, chúng ta đã lắng nghe sự thật của Ðức Giêsu; giờ chúng ta phải công bố sự thật đó từ mái nhà. Trong thế giới ngày nay, mái nhà hầu như luôn được đánh dấu bởi một rừng đài phát tuyến và ănten gửi đi và nhận về những sứ điệp thuộc mọi thứ và từ bốn phương thiên hạ. Ðiều rất quan trọng là làm sao bảo đảm cho được trong nhiều sứ điệp này lời của Thiên Chúa được nghe đến. Công bố đức tin từ mái nhà ngày nay có nghĩa là nói lời của Chúa Giêsu trong và qua thế giới năng động của ngành truyền thông.

2. Trong mọi nền văn hóa và ở mọi thời đại - chắc chắn là giữa những biến đổi toàn cầu ngày nay - người ta thắc mắc cùng những thứ câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi đi về đâu? Tại sao có sự dữ? Sau cuộc sống này còn gì nữa? (Cf. Fides et Ratio, 1). Và ở mỗi thời, Giáo Hội đưa lại một câu trả lời thỏa mãn tối hậu cho những thắc mắc sâu xa nhất trong tâm hồn con người - đó chính là Ðức Giêsu, “Ðấng đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (Gaudium et Spes, 22). Do đó, người Kitô hữu không thể im lặng, vì Chúa đã phó thác cho chúng ta lời cứu rỗi mà mọi tâm hồn đều mong mỏi nhận được. Phúc âm đem lại viên ngọc đắt giá mà mọi người đều kiếm tìm (cf. Mt 13:45-46).

Cho nên Giáo Hội không thể không dấn thân vào thế giới truyền thông đang nở rộ. Mạng lưới truyền thông toàn cầu đang trải rộng, ngày càng phức tạp, và truyền thông đang có một ảnh hưởng càng thấy rõ đối với nền văn hóa và việc truyền đạt nó. Có một thời truyền thông tường thuật những biến cố, giờ thì các biến cố thường được uốn nắn để đáp ứng nhu cầu của truyền thông. Do đó, mối tương quan giữa thực tế và truyền thông càng lúc càng phức tạp và đây là một hiện tượng mang tính chất mâu thuẫn sâu đậm. Một mặt, mối tương quan này có thể làm mờ đi sự phân biệt giữa sự thật và ảo tưởng; nhưng mặt khác, nó có thể mở ra những cơ hội chưa từng có khiến sự thật được nhiều người biết đến dễ dàng hơn. Nhiệm vụ của Giáo Hội là bảo đảm cho điều sau thực sự xảy ra.

3. Thế giới truyền thông đôi khi có thể thờ ơ và ngay cả thù địch với đức tin và luân lý Kitô giáo. Một phần là do văn hóa truyền thông bị thấm nhiễm nặng ý thức hậu hiện đại cho rằng sự thật tuyệt đối duy nhất là không có sự thật tuyệt đối nào cả hoặc nếu có sự thật tuyệt đối đi chăng nữa thì lý trí con người không thể biết được và như thế chẳng ăn nhập gì cả. Theo quan điểm này, điều chủ yếu không phải là sự thật nhưng là “câu chuyện”; nếu có gì đáng làm thành tin hoặc mang tính cách giải trí, cơn cám dỗ hầu như không thể chống trả nổi đó là gác qua một bên những mối bận tâm về sự thật. Hậu quả là thế giới thông tin đôi khi có thể xem ra là một môi trường không mấy thiện cảm đối với công cuộc phúc âm hóa y như thế giới ngoại giáo thời các Tông đồ. Nhưng như các chứng tá Phúc Âm tiên khởi không lùi bước khi gặp chống đối, những người môn đệ của Ðức Kitô ngày nay cũng phải như thế. Tiếng kêu của Thánh Phaolô vẫn còn vang vọng trong chúng ta: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cor 9:16).

Tuy thế, như khi thế giới truyền thông nhiều lúc có thể đối nghịch với sứ điệp Kitô giáo, nó cũng đem lại những cơ hội độc đáo cho việc loan báo sự thật cứu độ của Ðức Kitô cho cả gia đình nhân loại. Chẳng hạn, hãy xem các cuộc phát hình qua vệ tinh những lễ nghi tôn giáo thường truyền đi đến cả thế giới, hay là khả năng tích cực của mạng lưới điện toán toàn cầu Internet khi đưa những thông tin và lời giảng dạy tôn giáo vượt ra ngoài mọi cản trở và biên giới. Một con số lớn khán thính giả như thế quả là vượt quá sức tưởng tượng mãnh liệt nhất của những người rao giảng Tin Mừng đi trước chúng ta. Vì thế điều cần thiết trong thời đại chúng ta là Giáo Hội phải làm một cuộc dấn thân tích cực và sáng tạo vào ngành truyền thông. Người Công giáo không nên sợ hãi khi mở rộng cánh cửa truyền thông xã hội ra cho Ðức Kitô để Tin Mừng của ngài có thể nghe được từ những mái nhà trên thế giới!

4. Ðiều cũng quan trọng, đó là bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba chúng ta nên nhớ đến sứ mạng rao giảng cho muôn dân mà Ðức Kitô đã phó thác cho Hội Thánh. Ước chừng có đến 2/3 trong số 6 tỉ người trên thế giới không biết đến Ðức Giêsu Kitô, và nhiều người sống trong những quốc gia có cội nguồn Kitô giáo xa xưa, nơi đó những nhóm tín hữu hoàn toàn đánh mất ý thức sống động về đức tin, không còn xem mình là thành phần của Giáo Hội, sống xa Chúa và Phúc âm của Ngài (cf. Redemptoris missio, 33). Chắc chắn, một câu trả lời có hiệu quả cho tình hình này có liên quan nhiều hơn là chỉ có vấn đề truyền thông; nhưng trong nỗ lực đáp ứng thách đố này người Kitô hữu không thể bỏ qua thế giới truyền thông xã hội. Thực vậy, mọi thứ truyền thông có thể đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc phúc âm hóa trực tiếp và đem lại cho người ta những sự thật và giá trị nhằm nâng đỡ và đề cao phẩm giá con người. Thực vậy, sự hiện diện của Giáo Hội trong ngành truyền thông là một khía cạnh quan trọng của việc hội nhập văn hóa Tin Mừng. Ðây là điều công cuộc Tân Phúc âm hóa đòi hỏi và Chúa Thánh Thần kêu gọi Giáo Hội thực hiện khắp thế giới.

Khi toàn thể Giáo Hội cố lắng nghe tiếng gọi của Chúa Thánh Thần, những Kitô hữu hoạt động truyền thông có “một nhiệm vụ ngôn sứ, một ơn gọi: lên tiếng chống lại những vị thần giả dối và các ngẫu tượng - chủ nghĩa duy vật chất, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi.” (Ðạo đức trong Ngành Truyền thông, 31). Trên hết, họ có nhiệm vụ và đặc quyền công bố sự thật - sự thật vinh quang về sự sống và vận mạng con người được Ngôi Lời nhập thể mạc khải. Ước gì những người Công giáo có liên quan đến thế giới truyền thông xã hội rao giảng sự thật của Chúa Giêsu can đảm hơn và tươi vui hơn từ những mái nhà, để mọi người có thể nghe được về tình yêu thương là cốt lõi của việc Thiên Chúa tự thông truyền chính mình nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng vẫn là một hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời (cf Dt 13:8).

Làm tại Ðiện Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2001

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II


Đọc bản văn tiêng anh tại đây

Chia sẻ