Skip to content
Top banner

WCD 34th 2000 Công bố Ðức Kitô qua Truyền thông vào buổi Bình minh của Thiên niên kỷ mới

THTT-01
2022-01-31 02:38 UTC+7 255
Chủ đề Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 34, “Công bố Ðức Kitô qua Truyền thông vào buổi Bình minh của Thiên niên kỷ mới”, là một lời mời gọi nhìn về phía trước những thách đố mà chúng ta sẽ đương đầu, và cũng là một lời mời gọi nhìn lui lại buổi bình...

SỨ ÐIỆP CỦA ÐỨC THÁNH CHA Năm 2000

NHÂN NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI LẦN XXXIV

Chủ đề: “Công bố Ðức Kitô qua Truyền thông vào buổi Bình minh của Thiên niên kỷ mới”

Anh chị em thân mến,

Chủ đề Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 34, “Công bố Ðức Kitô qua Truyền thông vào buổi Bình minh của Thiên niên kỷ mới”, là một lời mời gọi nhìn về phía trước những thách đố mà chúng ta sẽ đương đầu, và cũng là một lời mời gọi nhìn lui lại buổi bình minh của Kitô giáo, để nhận được ánh sáng và sự can đảm cần thiết. Bản chất của sứ điệp mà chúng ta luôn loan báo chính là Ðức Giêsu: “Cả lịch sử nhân loại đều qui chiếu về Ngài: thời đại của chúng ta và tương lai của thế giới được tỏa sáng nhờ sự hiện diện của Ngài” (Tông sắc Mầu nhiệm Nhập Thể, 1).

Những chương đầu tiên trong Tông đồ Công vụ kể lại việc loan báo Ðức Kitô của các tông đồ - một sự loan báo bộc phát, tràn đầy niềm tin, mang tính thuyết phục, và được thực hiện nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Trước hết và quan trọng hơn hết, đó là các môn đệ rao truyền Ðức Kitô để đáp ứng lời truyền dạy Ngài giao cho họ. Trước khi về trời, Ngài đã nói với các Tông đồ: “Các con sẽ là nhân chứng của của Ta tại Giêrusalem, và trong toàn cõi Giuđêa và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Và cho dù họ là “những người vô học thức, và thuộc lê dân” (Cv 4:13), họ đã đáp ứng lời dạy của Ðức Kitô một cách mau chóng và độ lượng.

Cầu nguyện với Ðức Maria và những môn đệ khác của Chúa Giêsu, các Tông đồ dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, bắt đầu công cuộc loan truyền vào ngày Lễ Hiện Xuống (Cv 2). Khi đọc những biến cố kỳ diệu này, chúng ta được nhắc nhở về lịch sử của truyền thông như là một cuộc hành trình, đi từ dự án xây Tháp Babel do lòng kiêu ngạo thúc đẩy dẫn đến sự sụp đổ thành hỗn loạn và không hiểu biết lẫn nhau (Gen 11:1-9), cho đến Lễ Hiện Xuống và ơn nói tiếng lạ: một cuộc phục hồi truyền thông được đặt trọng tâm vào Ðức Giêsu, qua hành động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, loan báo Ðức Kitô dẫn đến sự gặp gỡ giữa những người có đức tin và đức ái ở mức độ sâu xa nhất trong bản chất nhân loại; chính Ðức Kitô Phục Sinh trở thành môi trường truyền thông thực sự giữa những anh chị em trong Chúa Thánh Thần.

Lễ Hiện Xuống chỉ là khởi đầu. Ngay cả khi bị đe dọa trả thù, các Tông đồ không thối chí trong việc loan báo Chúa Giêsu: “Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi không thể không nói!” Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã nói như thế với Hội đồng Cộng tọa (Cv 4:20). Thực vậy, chính những cuộc xét xử trở nên cách thế truyền giáo. Khi một cơn bách hại dữ dội cho Hội Thánh ở Giêrusalem theo sau cuộc tử đạo của Thánh Têphanô, buộc các môn đệ của Ðức Kitô phải dời đi, “Còn các người bị phân tán, thì đi qua đâu, họ đã giảng Lời Tin Mừng ở đó” (Cv 10:39-43).

Trọng tâm sống động của sứ điệp các Tông đồ rao giảng là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu - sự sống chiến thắng khải hoàn tội lỗi và cái chết. Thánh Phêrô kể cho viên bách quản cơ binh Cornêliô và người nhà: “Họ đã treo Ngài trên súc gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa đã làm cho sống lại ngày thứ ba, và đã cho hiện tỏ. Và Ngài đã truyền dạy chúng tôi rao giảng cho dân và đoan chứng rằng chính Ngài là Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm thẩm phán trên người sống và kẻ chết. Chính về Ngài, hết thảy các tiên tri đã chứng thực rằng ai tin vào Ngài thì được lãnh ơn tha tội nhờ Danh Ngài” (Cv 10:39-43).

Không cần phải nói, qua hai ngàn năm, hoàn cảnh đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu rao truyền Ðức Kitô vẫn thế. Nhiệm vụ làm chứng tá cho sự chết và sống lại của Ðức Kitô và sự hiện diện cứu độ của Ngài trong cuộc đời chúng ta vẫn còn tính cách thực tế và thúc bách như là nhiệm vụ của các môn đệ tiên khởi. Chúng ta phải loan truyền Tin Mừng cho tất cả mọi người sẵn lòng lắng nghe. Công bố trực tiếp và đích thân - một người chia sẻ niềm tin vào Ðức Kitô Phục Sinh với một người khác - là điều căn bản; những hình thức truyền thống khác trong việc loan truyền Tin Mừng cũng vậy. Nhưng, cùng với các hình thức này, công bố Tin Mừng ngày nay cũng phải thực hiện bằng phương tiện truyền thông. “Giáo Hội cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa nếu không sử dụng những phương thế mạnh mẽ này” (ÐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 45).

Tác động của truyền thông trong thế giới ngày nay khó có thể mà cường điệu hơn được nữa. Xã hội thông tin là một cuộc cách mạng văn hóa thật sự, biến truyền thông thành “một thứ hội đồng tối cao của thời nay” (Redemptoris Missio, 37), nơi mà những dữ kiện, ý tưởng và giá trị được trao đổi thường xuyên. Qua truyền thông, con người bắt liên lạc với người khác và những biến cố, và hình thành quan điểm về cuộc thế giới họ đang sống trong đó - tức là, hình thành sự hiểu biết về ý nghĩa cuộc sống. Ðối với nhiều người, kinh nghiệm sống là kinh nghiệm truyền thông ở một mức độ cao nhất (Hội đồng Giáo hoàng Truyền thông Xã hội, Aetatis Novae, 2). Việc công bố Ðức Kitô phải là một phần trong kinh nghiệm này.

Ðương nhiên, trong việc công bố Ðức Kitô, Giáo Hội phải sử dụng năng động và khéo léo các phương tiện truyền thông của mình- sách báo, truyền thanh, truyền hình, và các phương thế khác. Và những người làm truyền thông Công Giáo phải táo bạo và sáng tạo trong việc phát triển ngành truyền thông và các phương tiện thông truyền mới. Nhưng, Giáo Hội cũng phải sử dụng các cơ hội có được trong ngành truyền thông ngoài đời càng nhiều càng tốt.

Ngành truyền thông đã góp phần làm phong phú hóa đời sống thiêng liêng bằng nhiều cách - chẳng hạn, nhiều chương trình đặc biệt được đưa đến mọi người khắp thế giới qua vệ tinh viễn thông trong Ðại Năm Thánh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, ngành truyền thông phô bày sự lãnh đạm, ngay cả sự thù địch, với Ðức Kitô và sứ điệp của Ngài, hiện tồn tại ở một phần nào đó của nền văn hóa thế tục. Vì thế cần phải có một thứ “kiểm điểm lương tâm” về phía ngành truyền thông hầu dẫn đến việc ý thức hơn về thành kiến hay thiếu sự kính trọng đối với niềm xác tín về tôn giáo hay luân lý.

Các trình bày của ngành truyền thông kêu gọi sự chú ý đến nhu cầu thật sự của con người, đặc biệt là của những người yếu đuối, người dễ bị và sống bên lề xã hội, có thể là một sự công bố ngấm ngầm về Ðức Kitô. Nhưng ngoài việc loan báo ngấm ngầm, những người làm truyền thông Kitô giáo cũng nên tìm cách nói thẳng về Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh, về cuộc vinh thắng khải hoàn của Ngài đối với tội lỗi và sự chết, bằng một cách thế phù hợp với ngành truyền thông và khả năng của người tiếp nhận.

Ðể hoàn thành tốt đẹp điều này đòi hỏi phải có huấn luyện và kỹ năng chuyên môn. Nhưng còn hơn thế nữa. Hầu làm chứng tá cho Ðức Kitô, điều cần thiết là phải gặp gỡ chính Ngài và nuôi dưỡng quan hệ với Ngài qua cầu nguyện, qua Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải, đọc và suy niệm Lời Chúa, học hỏi về đạo, và phục vụ kẻ khác. Và luôn luôn điều này, đó là nếu công tác truyền thông mang tính chân thật, nó sẽ phải là công việc của Chúa Thánh Thần hơn là công việc của chúng ta.

Loan truyền Ðức Kitô không chỉ là một nhiệm vụ nhưng là một đặc ân. “Các tín hữu tiến về thiên niên kỷ thứ ba không phải với thái độ mệt mỏi vì gánh nặng chồng chất của 2000 năm lịch sử. Nhưng đúng hơn, các Kitô hữu phải cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến việc mình đem lại cho thế giới ánh sáng đích thực là Chúa Kitô. Khi loan báo Ðức Giêsu Nazarét là Thiên Chúa thật và là Con Người thật, Hội Thánh mở ra cho mỗi con người viễn cảnh được ‘thần hóa’ và nhờ vậy được trở nên người hơn” (Incarnationis Mysterium, 2).

Ðại Năm Thánh kỷ niệm lần thứ 2000 Chúa Giêsu sinh ra tại Nazarét phải là một cơ hội và là một thách đố đối với các môn đệ của Ngài trong việc làm chứng tá cho Tin Mừng cứu rỗi bằng ngành truyền thông. Trong “năm hồng ân” này, ước gì ngành truyền thông lên tiếng về chính Chúa Giêsu một cách rõ ràng và hân hoan, trong đức tin, đức cậy và đức mến. Loan báo Ðức Kitô bằng truyền thông vào buổi bình mình của thiên niên kỷ mới không chỉ là một phần cần thiết trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Sứ điệp truyền thông cũng được phong phú hóa một cách thiết yếu, tạo phấn khởi và tràn trề hy vọng. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn lành dồi dào cho tất cả những ai vinh danh và công bố Người Con của Ngài, Ðức Giêsu Kitô, trong thế giới bao la của các phương tiện truyền thông xã hội.

Ðiện Vatican, ngày 24.01.2000

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II


Đọc bản văn tiếng anh tại đây

Chia sẻ