Skip to content
Top banner

FABC 1997: Một cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á―Các hệ quả truyền thông

THTT-01
2022-02-25 09:20 UTC+7 214
Dựa trên Các Phát Biểu Chính Thức và các kinh nghiệm của Hội Nghị Giám Mục ’96 của FABC-OSC từ ngày 8―12 tháng 7, 1996 tại Thành phố Tagaytay (Philíppin), Hội Nghị lần thứ hai của các Giám mục và các vị Đặc trách truyền thông xã hội của các HĐGM

FABC-OSC (Văn Phòng Truyền thông Xã hội của LHĐGMAC)

"Một cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á―Các hệ quả truyền thông "

HỘI NGHỊ CÁC GIÁM MỤC Á CHÂU LẦN THỨ 2

Tại Samphran, Thái Lan, 24-28 tháng 11, 1997

CÁC PHÁT BIỂU CHÍNH THỨC

Dựa trên Các Phát Biểu Chính Thức và các kinh nghiệm của Hội Nghị Giám Mục ’96 của FABC-OSC từ ngày 8―12 tháng 7, 1996 tại Thành phố Tagaytay (Philíppin), Hội Nghị lần thứ hai của các Giám mục và các vị Đặc trách truyền thông xã hội của các HĐGM đã thảo luận một cách đặc biệt về các thách thức truyền thông của Một Cách Hiện Diện Mới của Hội Thánh tại Châu Á (Đại hội toàn thể lần thứ 5 của FABC, Bandung, 1990). 35 thành viên tham dự Hội Nghị nhóm họp tại Samphran (Thái Lan) từ 24 đến 28 tháng 11, 1997, đã đem ra thảo luận các phát biểu của FABC về Một Cách Hiện Diện Mới của Hội Thánh tại Châu Á. Một Hội Thánh như thế là:

·        Một sự hiệp thông các cộng đoàn

·        Một Hội Thánh chia sẻ thực sự

·        Một Hội Thánh làm chứng và đối thoại

·        Một Hội Thánh tiên tri

Là những nhà truyền thông chịu trách nhiệm trước các HĐGM, chúng tôi tự hỏi mình: Chúng tôi đang đi đâu và đang làm gì trong tinh thần của một cách hiện diện mới của Hội Thánh?

1.     Đại hội toàn thể của FABC tại Bandung đã mô tả Hội Thánh như là “một sự hiệp thông (koinonia) ở mức độ sâu nhất, ăn rễ sâu trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và vì thế tự bản chất là một bí tích của việc Thiên Chúa tự truyền thông với đầy tình yêu thương.” Nếu chúng ta là sự hiệp thông các cộng đoàn, việc truyền thông của chúng ta phải nhắm tới việc xây dựng cộng đoàn. Chúng ta cần tạo ra một kiểu lãnh đạo mới có khả năng giúp phát triển và tạo thuận lợi, là những lãnh đạo thực sự chứ không phải chỉ là những người đi theo. Tiếng nói của giáo dân phải được nghe thấy to hơn và rõ hơn. Những người bị loại trừ và nghèo khổ cũng phải có tiếng nói được nhìn nhận trong Hội Thánh.

2.     Nếu chúng ta là một Hội Thánh chia sẻ thực sự, “biết nhìn nhận và kích thích các ân huệ mà Thần Khí ban cho mọi người” (FABC, Bandung), thì phải có một sự truyền thông có khả năng khích lệ tinh thần đồng trách nhiệm ở mọi cấp theo hàng dọc cũng như hàng ngang. Chúng ta phải tìm và tạo ra một ‘cơ chế hoạt động’ để thể hiện việc truyền thông này một cách hiệu quả. Chúng ta có thực sự được nhìn nhận như là Dân Thiên Chúa, dân cầu nguyện, đầy Thần Khí, năng động, rao giảng Tin Mừng và luôn hướng tới sứ mạng không? Chúng ta có chia sẻ tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa với những người mà chúng ta làm việc với không?

3.     Nếu chúng ta là một Hội Thánh làm chứng và đối thoại, việc truyền thông của chúng ta phải liên quan tới Thế Giới, nơi có những con người sống trong những niềm vui và hi vọng, sợ hãi và lo âu, bằng cách “vươn ra tới những người thuộc các tín ngưỡng và niềm tin khác trong một cuộc đối thoại đời sống hướng tới sự giải phóng toàn diện của mọi người” (FABC, Bandung). Vì vậy việc truyền thông của chúng ta

― Phải phản ánh sự lựa chọn ưu tiên cho những người nghèo và bị áp bức;

― Phải xây dựng trên những thời điểm và những sự kiện lịch sử, ví dụ, cái chết của Mẹ Têrêsa, các cuộc cử hành và các lễ kỷ niệm của các cộng đồng và các dân tộc;

― Phải có một tác động đúng lúc: chúng ta có dấn thân vào các vấn đề thời sự, ví dụ các vấn đề của quốc gia hay không?

― Phải có tính đối thoại.

·        Trong Hội Thánh, phải có các cố gắng cụ thể để loại bỏ các hố ngăn cách truyền thông và “thiết lập các quan hệ hiệu quả... bằng một sự truyền thông trong sáng, đối thoại và nổi bật về sự thành thật” (BISCOM I, Định hướng 4). Phải phát triển sự bình đẳng, đồng trách nhiệm cũng như các mối giao tiếp cá nhân.

·        Trong hoạt động truyền thông với các tôn giáo khác và với những người thiện chí bằng sự tin cậy lẫn nhau, cởi mở và trong sáng, Hội Thánh cần nhìn xa hơn các ranh giới của tổ chức để đi vào thế giới xa lạ được Thánh Thần dẫn dắt từ bên trong. Phải cổ vũ sự liên kết và hợp tác với các tôn giáo khác. Phải triển khai các kế hoạch cụ thể trong bối cảnh các vấn đề chung ảnh hưởng tới mọi người. Việc này “đòi hỏi sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa người Công Giáo, các Kitô hữu khác, và các tín đồ của các tôn giáo khác, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và nhắm tới hành động chung với nhau về Truyền thông” (Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Tiêu Chuẩn Hợp Tác Đại Kết và Liên Tôn, 1989, Số 19). “Đối thoại giữa các niềm tin dẫn tới sự hiểu biết và hợp tác phải là một khía cạnh của mọi chương trình và hoạt động truyền thông của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ phải cho các anh chị em chúng ta thuộc các tín ngưỡng khác thấy rõ rằng chúng ta hoàn toàn không đứng về phía những lực lượng phá hoại trong nền ‘văn hoá mới.’ Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ càng đẩy họ xa chúng ta. Tại hầu hết các nước Châu Á, Kitô giáo chỉ chiếm một thiểu số, tại đây chúng ta cần làm cho các tôn giáo khác cảm thấy rằng chúng ta tôn trọng họ và họ có thể tin tưởng chúng ta. Chúng ta cùng mừng các lễ hội quốc gia và tôn giáo chung với mọi người. Thiên Chúa yêu thương mọi người.

4.      Nếu chúng ta là Hội Thánh tiên tri, chúng ta phải là “men tạo biến đổi trong thế giới này và làm một dấu hiệu tiên tri chỉ về bên kia của thế giới này” (FABC, Bandung). Vì vậy việc truyền thông của Hội Thánh phải thách thức, loan báo và tố giác... Bằng cách nào chúng ta la to lên giống như các ngôn sứ với niềm xác tín và có sức thuyết phục người ta? “Cái có giá trị truyền thông trước tiên là chứng tá đời sống (Hội Nghị Giám Mục ’96), vậy chứng ta này của chúng ta ở đâu? Chúng ta có được nhìn nhận như là đứng về phía những người đang kêu gào công lý, hoà hợp, bình đẳng, sinh thái? Chúng ta không những phải kêu gào về những vấn đề không thể giải quyết tại đất nước chúng ta, nhưng cũng phải cho thấy rõ thực tế châu lục của chúng ta rất giàu các nền văn hoá, các truyền thống, các giá trị và các tôn giáo. Có được sự phong phú như thế, Hội Thánh phải nghĩ về mình như là một cộng đồng cho đi chứ không chỉ tiếp nhận. Hội Thánh phải coi đây là một tiếng gọi mới để tích hợp các giá trị Tin Mừng vào với “nền văn hoá mới do các phương tiện truyền thông tạo ra” (Hội Nghị Giám Mục ’96). Đây cũng là lúc để nghĩ về việc giúp đỡ lẫn nhau ngay trong lục địa Châu Á thay vì cứ trông chờ vào ngoại viện.

Việc nhiều người trẻ đang tìm kiếm hoà bình và tìm kiếm những điều siêu việt trong các tôn giáo khác phải là một thách thức để chúng ta thấy được nhiều dấu chỉ thời đại hơn và cố gắng lấp đầy khoảng trống trong lòng họ, bằng sự cộng tác với mọi người thiện chí khác.

5. Các thách thức của “Một cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á” phải thúc đẩy chúng ta có những bước hành động cụ thể, gồm các điểm chính sau đây:

a.      Chia sẻ các hệ quả truyền thông của cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á với các giám mục và các lãnh đạo Hội Thánh của chúng ta, với các chủng sinh trong thời kỳ đào luyện và các giáo sư của họ, với giáo dân, đặc biệt những người dấn thân hoạt động tông đồ. Mọi việc lập kế hoạch mục vụ phải bao gồm điểm này (Hội Nghị Giám Mục ’96, số 1). Một sự hợp tác chặt chẽ và thiết thực giữa HĐGM và các giáo phận sẽ là một ví dụ tốt và cụ thể về sự hiệp thông các cộng đồng.

b.     Ý thức rằng các phương tiện truyền thông thế tục tại nước chúng ta không luôn luôn hướng tới con người, không luôn luôn có giá trị giải phóng và góp phần vào một sự phát triển lành mạnh. Sự kiện này đòi Hội Thánh phải có một bước nghiêm túc tiến tới một chọn lựa khác, một thứ truyền thông dựa trên văn hoá bản xứ và hướng tới con người. Cần phải dành ưu tiên cho việc truyền thông giữa con người với nhau và truyền thông nhóm, đặc biệt trong giáo dục và đào luyện. Thay vì than vãn về sự xâm nhập của văn hoá và não trạng thực dân, Hội Thánh phải đi bước đầu để khuyến khích sự truyền thông văn hoá trong chính các tổ chức của mình.

c.      Có các sáng kiến trong việc nêu bật các gương thành công của những con người tầm thường nhưng thực hiện được những công việc phi thường trong và ngoài Giáo Hội.

d.     Đặt việc Giáo dục Phương tiện truyền thông lên vị trí quan trọng hàng đầu bằng cách xác định lại nó như là một hình thức mới của việc rao giảng Tin Mừng trong tình hình các phương tiện truyền thông đang xuất hiện tại châu lục chúng ta. Tại nhiều nơi, vẫn còn phải coi việc Giáo dục phương tiện truyền thông như là một môn “bắt buộc ở mọi cấp, đặc biệt trong các chủng viện” và phải tiếp tục việc ‘đào tạo các đào tạo viên truyền thông’ (Hội Nghị Giám Mục ’96, số 5).

e.      Coi việc cử hành chung Ngày Thế Giới Truyền Thông như một cách quan trọng để góp phần tạo nên một cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á (Hội Nghị Giám Mục ’96, số 8).

f.       Thúc đẩy các việc học tập và nghiên cứu sâu hơn vào các nhu cầu và các hệ quả truyền thông nhằm đạt tới một cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á.

g.     Chia sẻ thông tin về các sự kiện và các phát triển truyền thông của Hội Thánh tại các nước khác nhau, kể cả với việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như E-mail.

h.     Chúng ta phải “coi các Quan hệ Công cộng như một mối quan tâm quan trọng và có hành động thích hợp” (Hội Nghị Giám Mục ’96, số 4; BISCOM I).

i.       Cung cấp các sản phẩm có ích để thúc đẩy “một cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á”, kể cả các sản phẩm của các phương tiện truyền thông thế tục và của các giáo phái Kitô khác (Hội Nghị Giám Mục ’96, số 3).

Cung cấp thông tin và chia sẻ bao có thể các phương tiện và nhân sự đào tạo giữa các HĐGM khác nhau.


Link tham chiếu bài viết FABC

Chia sẻ