Skip to content
Top banner

FABC 2008: Các Thách đố về Truyền thông đối với Hội đồng Giám mục

THTT-01
2022-02-25 10:57 UTC+7 254
Chúng tôi, 33 tham dự viên gồm giám mục Chủ tịch và thư ký của Ủy ban Truyền thông Xã hội của các HĐGM đến từ 14 quốc gia, cùng với Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội, tập trung tham dự Cuộc họp Giám

FABC-OSC / HỘI NGHỊ CÁC GIÁM MỤC LẦN THỨ 13

Tại Nhà Tĩnh Tâm Dòng Salesian, Hua Hin, Thái Lan

17/11 – 22/11/2008

“Các Thách đố về Truyền thông đối với Hội đồng Giám mục”

TUYÊN BỐ CHUNG

Chúng tôi, 33 tham dự viên gồm giám mục Chủ tịch và thư ký của Ủy ban Truyền thông Xã hội của các HĐGM đến từ 14 quốc gia, cùng với Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội, tập trung tham dự Cuộc họp Giám mục hàng năm lần thứ 13 năm 2008, tại Hua Hin, Thái Lan, 17-22/11/2008 để thảo luận Chủ đề: "Các Thách đố về Truyền thông đối với Hội đồng Giám mục."

Hội nghị đã ghi nhận sự tăng trưởng đột ngột của truyền thông khắp Á châu, biểu hiện trong việc mở rộng nhanh chóng và phổ biến của công nghệ, phát triển nhanh phương tiện truyền thông kỹ thuật số, truy cập điện thoại di động, internet và các phương tiện truyền thông khác. Hiện tượng này đã tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội. Chúng tôi cũng lưu ý quan tâm đến sự gia tăng của trào lưu tôn giáo quá khích, việc đàn áp tự do tôn giáo, chủ nghĩa tương đối về đạo đức và mối lo lắng ngày càng tăng do khủng hoảng tài chính, mà mỗi đó đều có tác dụng đến việc truyền thông tự do và lành mạnh. Chính trong bối cảnh trên các tham dự viên cùng suy tư về chủ đề này.

Quan điểm chỉ đạo (Guiding Vision)

Các tham dự viên kiểm tra các tài liệu trong quá khứ và các ưu tiên về Truyền thông của Văn phòng Truyền thông xã hội dưới ánh sáng quan điểm của FABC. Trọng tâm nhắm đến của các giám mục Á châu là nuôi dưỡng “một cách hiện diện mới của Giáo Hội", cụ thể là xây dựng sự hiệp thông và tính ngôn sứ của các cộng đoàn tín hữu trong việc đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo của Châu Á gần gũi hơn với người nghèo. Chúng ta được gọi để trở nên một Giáo Hội lắng nghe, mở ra cho một bản giao hưởng của nhiều cung giọng. Chúng ta làm chứng cho niềm hy vọng bằng cách vượt qua mọi ranh giới và dấn thân vào những cách thức mới với lòng dũng cảm và sáng tạo.

Điểm mạnh

Chúng tôi nhìn nhận và hài lòng với những thành tựu của FABC-OSC trong 12 năm qua, việc gặp gỡ hàng năm để lập kế hoạch, chia sẻ và xây dựng sứ vụ truyền thông trong Giáo Hội tại Châu Á. Các cuộc họp thường xuyên báo cáo, nghiên cứu và suy tư về các chủ đề quan trọng và hợp thời đã cung cấp một lộ trình rõ ràng cho các sứ vụ truyền thông bằng cách truyền cảm hứng, định hướng và đề nghị. Các văn bản đó là những hoa quả của các cuộc họp này, cung cấp một nguồn tài nguyên thông tin phong phú cho các sứ vụ như giới trẻ, đối thoại liên tôn, đào tạo linh mục, gia đình, quan hệ công chúng, đối mặt với những thách đố của các công nghệ truyền thông mới và quản trị truyền thông trong và cho các Hội Đồng Giám mục các nước.

Những thách thức

Mặc dù có những thành tựu đáng khen ngợi, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước để làm cho quan điểm và các ưu tiên này được thực hiện trong các giáo phận. Cũng cần xem xét đến sự kiện phụ nữ ở châu Á đang nổi bật lên như là các thành phần quan trọng trong lãnh vực truyền thông, cần phải đảm bảo một sự hiện diện tích cực hơn và sự tham gia của phụ nữ trong các sứ vụ của Giáo Hội.

Trong bối cảnh văn hóa kỹ thuật số đang phát triển, đặc trưng bởi thương mại hóa, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ, tầm quan trọng của một việc huấn luyện tập trung hơn đến đạo đức truyền thông cần phải được nhấn mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng về mặt tâm linh của nhà truyền thông, cũng cần có một chương trình huấn luyện hiệu quả hơn về linh đạo truyền thông cho các cha sở và các vị mục tử trong Giáo Hội. "Truyền thông phải là một phần cốt yếu cho mọi kế hoạch mục vụ, vì nó có phần đóng góp mạnh mẽ cho mọi hoạt động tông đồ, mọi tác vụ và mọi chương trình khác”. (Aetatis Novae 17)

Nối mạng và các quan hệ công chúng giữa các sứ vụ truyền thông khác nhau trong các Hội đồng Giám mục, các cơ cấu cấp vùng, giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn tu sĩ và các tổ chức khác là một thách thức quan trọng.

Nhu cầu nghiên cứu sâu hơn và lượng giá trong thế giới thay đổi nhanh chóng của các phương tiện truyền thông ngày càng mạnh mẽ. Cần nỗ lực nhiều hơn trong các hoạt động truyền thông để cổ võ cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa, trao đổi liên văn hóa và nối mạng xã hội.

Có một nhu cầu phát triển một hình thức lãnh đạo mới, chú trọng nhiều hơn đến tiếng nói của giáo dân, đặc biệt là của phụ nữ và giới trẻ. Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển đổi trọng tâm từ giáo xứ đến với cộng đồng rộng lớn hơn, và các phương tiện truyền thông cho phép các nhà truyền thông Công giáo khám phá những cách thức mới để tiếp cận những mạng lưới rộng lớn hơn của thế giới truyền thông. Các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet và các phương tiện truyền thông khác cần được sử dụng với hiệu quả lớn hơn. Đối thoại giữa đức tin và văn hóa không thể được đo lường chỉ bằng cách sử dụng âm nhạc phụng vụ và các vũ điệu châu Á, mà còn bởi các phương tiện in ấn, phim ảnh, văn học, kịch nghệ, nghệ thuật quần chúng và âm nhạc, giúp thể hiện các giá trị Kitô giáo đến với những xã hội dân sự.

Các đề nghị:

1. Chúng ta cần phát triển cách lãnh đạo phục vụ, trong đó chú ý hơn đến tiếng nói của giáo dân, đặc biệt là của các chuyên gia và phụ nữ trong các hoạt động truyền thông.

2. Chúng ta cần tạo nhiều cơ hội hơn cho giới trẻ và phụ nữ làm việc trong công tác truyền thông của các giáo xứ, trên các cấp giáo phận, khu vực và quốc gia trong tinh thần hợp tác.

3. Chúng ta cần cổ võ một kế hoạch mục vụ cho truyền thông xã hội, liên quan chặt chẽ đến các hoạt động khác để có được loại Truyền thông Công Giáo mang tính đối thoại, tương tác, đáng tin cậy và dễ nhìn thấy.

4. Chúng ta cần thực hiện việc nghiên cứu nghiêm túc hơn và các lượng giá để thấy rõ các nguồn lực, các thế mạnh, các điểm yếu, các cơ hội và hướng đi cho việc truyền thông của chúng ta.

5. Để làm chứng tá cho một cộng đồng rộng lớn hơn (thế tục), các phương tiện truyền thông của chúng ta có thể giúp cho các nhà truyền thông Công giáo khám phá những cách thức mới để đến với thế giới của truyền thông. Báo chí, phát thanh, truyền hình, Internet và truyền thông đa phương tiện phải được sử dụng với hiệu quả lớn hơn trong việc phục vụ cho hoạt động truyền giáo.

6. Chúng ta cần Phúc Âm Hóa nền văn hóa qua các phương tiện truyền thông bao gồm cả kịch nghệ, âm nhạc và các hình thức nghệ thuật quần chúng để thể hiện các giá trị Kitô giáo khi tiếp cận với xã hội dân sự.

7. Chúng ta cần thúc đẩy những nỗ lực lớn hơn để cổ võ việc trao đổi liên văn hóa và liên mạng xã hội thông qua sự tham gia cộng đồng của các phương tiện truyền thông địa phương, và chứng tá ngôn sứ bất cứ nơi nào có thể có thể nối kết liên tôn và với tín hữu của các tôn giáo khác.

8. Chúng ta nên tham gia nhiều hơn trong các thời kỳ xung đột và khủng hoảng, để mang lại chân lý theo quan điểm Công giáo cho các nạn nhân của các phương tiện truyền thông đại chúng.

9. Chúng ta cần phát triển chiến lược tài chính hiệu quả để thực hiện các kế hoạch mục vụ về truyền thông xã hội.

Link tham chiếu bài viết FABC

Chia sẻ