Skip to content
Top banner

FABC 2001: NOVO MILLENNIO INEUNTE: Các Mối Quan Tâm, Các Thách Thức Truyền Thông

THTT-01
2022-02-25 10:25 UTC+7 211
Chúng tôi, 33 giám mục chủ tịch và thư ký của các Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội của 12 quốc gia Châu Á và một số lãnh đạo của các tổ chức truyền thông Công Giáo đã họp lại với nhau cho Hội Nghị Giám Mục của FABC-OSC lần thứ 6 tại Hong Kong từ ngày 22 đến 27

FABC- OSC: HỘI NGHỊ CÁC GIÁM MỤC LẦN THỨ 6

Tại Stanley, Hong Kong, 22―27 tháng 10, 2001

“NOVO MILLENNIO INEUNTE: Các Mối Quan Tâm của FABC – Các Thách Thức Truyền Thông - Các Văn phòng FABC giới thiệu tầm nhìn và quan tâm của mình”

CÁC PHÁT BIỂU CHÍNH THỨC

Chúng tôi, 33 giám mục chủ tịch và thư ký của các Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội của 12 quốc gia Châu Á và một số lãnh đạo của các tổ chức truyền thông Công Giáo đã họp lại với nhau cho Hội Nghị Giám Mục của FABC-OSC lần thứ 6 tại Hong Kong từ ngày 22 đến 27 tháng 10, 2001.

Sau khi được lắng nghe các mối quan tâm của các Văn Phòng FABC về Rao giảng Tin Mừng, Giáo Dân và Phát triển Con Người cũng như được nghe các đại biểu của Hội Đồng Kitô giáo Châu Á, và học hỏi Tông thư “Novo Millennio Ineunte”(“Trước Thềm Thiên Niên Kỷ Mới”) của Đức Thánh Cha, chúng tôi cống hiến các suy tư sau đây về việc tông đồ truyền thông của chúng ta trong thiên niên kỷ mới này.

Tinh thần của Trước Thềm Thiên Niên Kỷ Mới (Novo Millennio Ineunte―NMI) được diễn tả trong câu Tin Mừng duc in altum! (“Hãy ra chỗ sâu mà thả lưới”). Tông thư này là một lời kêu gọi canh tân đời sống, các thái độ, cơ cấu, phương pháp, chương trình và hoạt động để mở đường cho nhiệt tình mới, phương pháp mới và cách diễn tả mới hầu đạt hiệu quả cao hơn trong việc rao giảng Tin Mừng. Đây là một lời kêu gọi tới sự thánh thiện, một linh đạo sâu hơn, khắc phục các mối chia rẽ và các rào cản, đồng thời đối diện với các thách thức của các loại văn hoá đối kháng để đạt tới một linh đạo của tình hiệp thông.

Linh đạo này phát sinh từ một cách hiểu đúng đắn về Mầu Nhiệm Vượt Qua và mối quan hệ của Thiên Chúa Ba Ngôi được ban cho chúng ta một cách cụ thể nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, nghĩa là mầu nhiệm Thiên Chúa trở thành người trong con người Đức Giêsu Kitô. Nó thúc đầy chúng ta thi hành sứ mạng truyền giáo mà Đức Giêsu Kitô đã ủy thác cho chúng ta.

Ngoài nhiều điều khác, Tông thư NMI bao gồm việc phải đi xa hơn, lao mình vào hành động, có can đảm, sáng tạo, mạo hiểm, lắng nghe cũng như tìm ra các đường lối mới trong hoạt động tông đồ của chúng ta. Đây là một cuộc ra đi đặt nền trên đức tin và đức cậy. Nó đòi hỏi chúng ta thay đổi cách sống của mình bởi vì “không có Đức Kitô, chúng ta không thể làm được gì”―Ga 15:5 (NMI số 38).

Chúng ta được kêu gọi sống cuộc sống này trong bối cảnh đời sống hiện tại của mình, với sự hiểu biết đúng, thái độ đúng và các khả năng cần thiết cho việc truyền thông.

Các Thách thức Truyền thông

Trong bối cảnh Châu Á, thách thức truyền thông chủ yếu nằm ở chính con người của nhà truyền thông. Họ chấp nhận thập giá và tính dễ tổn thương của Thiên Chúa-làm người, và tránh mọi sự phô trương, đắc thắng và mơ hồ. Nhà truyền thông Kitô giáo phải trở thành một sứ giả đáng tin và thích hợp của Tin Mừng.

Chúng tôi nhận ra rằng trong lãnh vực rao giảng Tin Mừng, lãnh vực giáo dân và lãnh vực phát triển con người mà chúng tôi đã được nghe trình bày các mối quan tâm, các nhà truyền thông và các chuyên gia về các phương tiện truyền thông phải có một sự hiểu biết rõ ràng về các mối quan tâm và công việc của các văn phòng này của FABC, và phải xem xét các hệ luỵ đối với hoạt động của họ. Chúng tôi đặc biệt nhận ra các thách thức sau đây:

1.     Các nhà truyền thông phải phát triển một linh đạo truyền thông sâu xa, ăn rễ sâu trong kinh nguyện, và biết noi gương Đức Giêsu Kitô, nhà truyền thông hoàn hảo (Hội Nghị Giám Mục ’98, số 1; Hội Nghị Giám Mục ’00, số 1). Để bắt được cá ở chỗ sâu, cần phải sống với Chúa.

2.     Các nhà truyền thông trong Hội Thánh cần phải có một sự hiểu biết sâu xa hơn và những năng khiếu thích hợp trong việc phân tích các vấn đề về xã hội, chính trị, văn hoá, tôn giáo và đạo đức.

3.     Các nhà truyền thông phải cổ vũ sự hiệp thông các cộng đồng (Xem “Một Cách Thức Hiện Diện Mới của Hội Thánh tại Châu Á,” Hội Nghị Giám Mục ’97; “Truyền thông Tình Yêu và Phục Vụ,” Hội Nghị Giám Mục ’00; NMI, 43t.)

4.     Các nhà truyền thông cần phải trở thành tiếng nói của những người nghèo, những người bị bóc lột và bị loại trừ, hơn là tiếng nói của những người giàu, quyền thế và có ảnh hưởng (Hội Nghị Giám Mục ’97; Hội Nghị Giám Mục ’00).

5.     Các nhà truyền thông phải cổ vũ phẩm giá và các quyền của con người, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em; họ phải giải đáp các vấn đề về đạo đức, tôn giáo và đời sống thiêng liêng.

6.     Các nhà truyền thông phải nhấn mạnh khía cạnh tốt hơn là khía cạnh xấu của các tin tức được cung cấp, và không được sợ hãi tố giác điều xấu (Hội Nghị Giám Mục ’97; Hội Nghị Giám Mục ’99).

7.     Các nhà truyền thông phải cổ vũ việc giáo dục truyền thông, giúp đỡ dân chúng, đặc biệt giới trẻ, để họ biết sử dụng đúng đắn Internet, truyền hình, truyền thanh, in ấn và phim ảnh (xem Hội Nghị Giám Mục ’96, 5.4; Hội Nghị Giám Mục ’97, 5d).

8.     Các nhà truyền thông phải cổ vũ các giá trị giúp kiện cường các mối quan hệ gia đình và sử dụng chúng như thứ thuốc giải độc chống lại bạo lực gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ, các gia đình đổ vỡ, việc lạm dụng trẻ em (Hội Nghị Giám Mục ’99).

9.     Các nhà truyền thông phải cổ vũ một sự tham dự ngày càng nhiều hơn của giáo dân trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh (Hội Nghị Giám Mục ’00).

10. Các nhà truyền thông phải khuyến khích mọi người trong Hội Thánh đề cao Đài Chân Lý Á Châu và các phương tiện quan trọng của hoạt động truyền giáo (Hội Nghị Giám Mục ’96).

11. Là một kế hoạch của FABC, Đài Chân Lý Á Châu phải thiết kế và thực hiện một phương pháp mới cho các chương trình và việc nghiên cứu thính giả. Nghiên cứu tính khả thi của việc đưa lại lên mạng Internet các chương trình phát sóng bằng tiếng Anh là việc rất đáng làm. Tiếng Anh đang mau chóng trở thành ngôn ngữ thống nhất tại Châu Á.

12. Các giáo huấn của Hội Thánh phải được quảng bá qua các phương tiện truyền thông, ví dụ, sử dụng các website, với một ngôn ngữ dễ hiểu đối với quần chúng (xem Hội Nghị Giám Mục ’96, số 5.2). Các nhà truyền thông Kitô giáo phải mời gọi giới trẻ giúp đỡ trong lãnh vực này.

13. Đào luyện truyền thông và đào tạo đặc biệt về các phương tiện mới cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân (xem BISCOM II; BISCOM III).

14. Các nhà truyền thông phải nối kết mạng với nhau và trao đổi thông tin đặc biệt trong các hoàn cảnh nguy kịch (xem Hội Nghị Giám Mục ’97).

Kết luận, chúng tôi khuyến nghị:

·       Giáo Hội phải đầu tư thêm nhân sự và tài chánh để đạt trình độ chuyên môn trong hoạt động truyền thông.

·       Tại Hội Nghị Giám Mục lần thứ 7 của FABC-OSC vào năm 2002, các phát biểu chính thức này phải được dùng làm cơ sở cho việc đánh giá và tường trình ở cấp quốc gia.

Link tham chiếu bài viết FABC

Chia sẻ