Skip to content
Top banner

FABC 1996: Các Thách Thức Truyền Thông tại Châu Á

THTT-01
2022-02-25 01:02 UTC+7 180
Trong tinh thần của một “cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á” (Đại hội toàn thể FABC tại Bandung, 1990) và trong tinh thần Môn đệ của Đức Kitô phục vụ Đời Sống (Phiên họp toàn thể FABC tại Manila, 1995), các giám mục và thư ký HĐGM của 16 nước

FABC-OSC (Văn Phòng Truyền thông Xã hội của LHĐGMAC)

“Các Thách Thức Truyền Thông tại Châu Á”

HỘI NGHỊ CÁC GIÁM MỤC Á CHÂU LẦN THỨ I

Tại Tagaytay, Philíppin 8―12 tháng 7, 1996

CÁC PHÁT BIỂU CHÍNH THỨC

Trong tinh thần của một “cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á” (Đại hội toàn thể FABC tại Bandung, 1990) và trong tinh thần Môn đệ của Đức Kitô phục vụ Đời Sống (Phiên họp toàn thể FABC tại Manila, 1995), các giám mục và thư ký HĐGM của 16 nước Châu Á đã tập họp tại Đại Chủng Viện Dòng Ngôi Lời ở Thành phố Tagaytay, Philippines, từ 8 đến 12 tháng 7, 1996 và thảo luận về “Các Thách Thức Truyền Thông tại Châu Á.”

Đại hội toàn thể của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC) tại Manila, tháng 1, 1995, trong lời phát biểu cuối cùng đã nói rằng các giám mục Châu Á “không bỏ lỡ giá trị mà các phương tiện đại chúng cống hiến trong việc phát huy các giá trị và ủng hộ các phong trào và quyền lợi của các dân tộc.” Cùng dịp này, ĐTC Gioan Phaolô II nhắc nhở các giám mục rằng họ “có trách nhiệm cổ vũ một cách khôn ngoan và trung thành các phương tiện để truyền thông Tin Mừng cho các nền văn hoá khác nhau của Châu Á.” Trong lá thư của Quốc Vụ Khanh gửi cho Hội Nghị Giám Mục ’96, ĐTC nói rằng “Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2000 của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đang đến rất gần. Đây vừa là một cơ hội đặc biệt vừa là một nghĩa vụ đặc biệt đối với việc loan báo Tin Mừng cứu độ qua các phương tiện truyền thông. Tại Châu Á, cơ hội đặc biệt này còn được tạo thuận lợi nhờ việc du nhập mau chóng và rộng rãi các khả năng truyền thông trong mọi loại phương tiện, cũng như sự hiện diện ngày càng gia tăng của Hội Thánh trong lãnh vực quan trọng này...” (Thư của Hồng Y Angelo Sodano đề ngày 27 tháng 6, 1996 gửi TGM Oscar Cruz). Các thành viên tham dự Hội Nghị Giám Mục ’96 đã triển khai các thách thức này với các suy tư và nghị quyết sau đây:

Hội Thánh tự bản chất là truyền thông, bắt nguồn từ sự truyền thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hội Thánh được thiết lập để tiếp nối công việc truyền thông của Đức Giêsu Kitô bằng lời nói và việc làm. Vì vậy truyền thông phải đánh dấu đời sống của Hội Thánh tại Châu Á. Do đó truyền thông phải là một chiều kích thiết yếu của mọi thừa tác vụ của Hội Thánh. Là quê hương của các tôn giáo lớn, Châu Á và việc rao giảng Tin Mừng cho Châu Á đòi hỏi đối thoại như là một lối sống.

Đáng tiếc là lời yêu cầu của Hội Thánh đối với các Văn Phòng Truyền Thông Xã Hội ở cấp quốc gia và giáo phận chưa được thi hành ở mọi vùng của Châu Á. Phải thiết lập cả ở cấp quốc gia và giáo phận một Kế Hoạch Mục Vụ về Truyền Thông để thể hiện nhiệm vụ loan báo tiên tri của Hội Thánh trong một xã hội rất ý thức về lãnh vực truyền thông này.

Tuy nhiên chúng ta không được quên sự thật này, đó là không phải kỹ thuật mà là con người mới chính là phương tiện truyền thông tốt nhất, đặc biệt trong các nền văn hoá của Châu Á. Cái có giá trị truyền thông trước tiên chính là chứng tá “về một đời sống Kitô hữu chân chính, được dâng lên cho Thiên Chúa trong một sự hiệp thông không thể bị tiêu diệt, và đồng thời được dâng hiến cho tha nhân với một nhiệt tình vô hạn” (Evangelii Nuntiandi 41). Đối với Châu Á là châu lục của tôn giáo, chính lòng đạo của chúng ta và tình yêu đối với loài người là phương tiện truyền thông tốt nhất.

“Văn hoá Mới được tạo ra bởi truyền thông hiện đại” (Redemptoris Missio 37) đang đem lại tiến bộ kinh tế trong các nước Châu Á, nhưng đồng thời cũng thường hủy hoại các giá trị và truyền thống Á Châu và Kitô giáo, đặc biệt giữa giới trẻ. Hội Thánh tại Châu Á nhận ra đây là một tiếng gọi mới để tích hợp các giá trị Tin Mừng vào ‘Văn Hoá Mới’ này.

Tiếng gọi này của văn hoá truyền thông cống hiến một cơ hội cho sự hợp tác liên tôn trong các hoạt động truyền thông, vì nó tác động tới mọi cộng đồng tôn giáo tại Châu Á. Vì vậy, đối thoại liên tôn để hiểu biết và hợp tác phải là một khía cạnh của mọi chương trình và hoạt động truyền thông của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ phải cho các anh chị em chúng ta thuộc các tín ngưỡng khác thấy rõ rằng chúng ta hoàn toàn không đứng về phía những lực lượng phá hoại trong nền văn hoá mới. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ càng đẩy họ xa rời chúng ta. Vì tại nhiều nước Châu Á, Kitô giáo vẫn còn bị coi là một tôn giáo ngoại lai của phương Tây, của những đế quốc thực dân.

Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận tránh dán cái nhãn sa đoạ hay xấu xa cho tất cả những gì thuộc về nền văn hoá truyền thông mới này. Chúng ta cũng không nên hốt hoảng và thất vọng giơ tay đầu hàng khi nghĩ rằng mình không thể làm được gì cả. Là tín hữu, chúng ta phải tin tưởng rằng mình có thể đối diện những thách thức này―chúng ta có thể giáo dục cho dân chúng để họ biết tự nuôi dưỡng mình bằng những điều tích cực trong nền văn hoá truyền thông này, nhưng cũng cương quyết loại bỏ tất cả những gì không phù hợp với đức tin chân chính của Kitô giáo và các giá trị truyền thống của Châu Á.

Giáo dục Truyền thông không chỉ có nghĩa là việc đào tạo kỹ thuật nhưng là giáo dục ý thức và hiểu biết về các cách biểu thị thực tại được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông trong một xã hội được định hình bởi truyền thông. Hiểu như thế, Giáo dục Truyền thông là giáo dục cho mọi thành phần: giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, lãnh đạo giáo dân, cha mẹ, giáo viên, thanh niên, thiếu nhi, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và dân thường. Vì vậy Giáo dục Truyền thông phải là một phần cốt yếu và cơ bản của mọi Kế hoạch Mục vụ. Việc đào tạo phải được cung cấp các hình thức và phương pháp từ đơn sơ tới phức tạp. Vì vậy, các cơ cấu và chương trình đào tạo phải được triển khai bởi các êkíp chuyên môn ở cấp châu lục, và phải cung cấp các mẫu đào tạo.

Dựa trên các suy tư này, các thành viên đã nhất trí thông qua các biện pháp cụ thể sau đây:

1.     Mỗi HĐGM phải có một Kế hoạch Mục vụ về Truyền thông, trong đó cũng bao gồm khía cạnh truyền thông cho mọi ngành phục vụ của HĐGM. Kế hoạch Mục vụ này phải đưa sứ mạng loan báo tiên tri của Hội Thánh hội nhập vào trong xã hội được định hình bởi truyền thông và rất ý thức về truyền thông này. Kế hoạch này sẽ bao gồm các yếu tố cấu tạo sau đây:

a. phân tích về tình trạng HĐGM;

b. các nguổn lực truyền thông có sẵn, gồm cả các phương tiện truyền thống và địa phương như tuồng hát rong, v.v... ;

c. một chiến lược cho việc sử dụng mọi nguồn lực hiện có này;

d. các mục tiêu thể hiện được hỗ trợ bởi các kế hoạch hành động;

e. các cơ chế để theo dõi việc thể hiện các mục tiêu.

2.     Truyền thông ở mọi cấp phải tập trung đặc biệt vào các mối quan tâm của FABC như được diễn tả trong các suy tư của các phiên họp toàn thể và các hoạt động của các văn phòng khác nhau của FABC. Chúng bao gồm các mối quan tâm như phụ nữ và trẻ gái, gia đình, những người di dân, môi trường sinh thái, và tuổi trẻ Châu Á.

3.     Bao nhiêu có thể, phải khuyến khích việc liên kết thông tin với các Kitô hữu của mọi Giáo Hội và hệ phái và với những người thuộc các tín ngưỡng khác trong các lãnh vực sản xuất, đào tạo và chia sẻ các nguồn lực.

4.     Hội Đồng Giám Mục phải:

4.1 Coi các Quan hệ Công cộng là một quan tâm trọng yếu và có hành động phù hợp. Phải soạn ra các hướng dẫn để có sự ý thức và sử dụng tốt hơn.

4.2 Cố gắng nối kết bằng E-mail với nhau và với các giám mục khác ở Châu Á.

4.3 Các festival Truyền Thông Quốc Gia (vd., các festival video) hay các cơ sở đào tạo truyền thông, chẳng hạn như cơ sở ở Ấn Độ, cũng phải được mở rộng cho những người tham dự từ các nước khác ở Châu Á.

5.     Mỗi nước cần có một Ủy Ban Giám Mục/Văn Phòng Quốc Gia về Truyền Thông Xã Hội. Các hoạt động của các cơ quan này phải được đưa xuống từng giáo phận với các nhiệm vụ được xác định rõ ràng.

5.1    Các Văn Phòng Truyền Thông Quốc Gia của các HĐGM phải khuyến khích việc tìm kiếm các tài năng trẻ, đặc biệt giữa giáo dân, để hoạt động trong lãnh vực truyền thông. Các tài năng này phải được chia sẻ ở cấp châu lục với sự hỗ trợ của Văn Phòng Truyền Thông Xã Hội của FABC.

5.2    Mọi văn kiện quan trọng gửi cho các giám mục phải có một bản tóm tắt chính thức được soạn một cách đơn sơ dễ đọc bởi Văn Phòng Quốc Gia của mỗi nước.

5.3    Giám mục chủ tịch Văn Phòng Quốc Gia của mỗi nước phải gửi cho các giám mục đồng sự và những người khác quan tâm tới truyền thông một trang thông tin mô tả rõ những trách nhiệm chính của cuộc họp của FABC-OSC này.

5.4    Về lãnh vực Giáo dục Truyền thông, các giám mục chủ tịch của các Văn Phòng Quốc Gia tại mỗi nước phải có một cố gắng chính thức để

·       Làm cho Giáo dục Phương tiện Truyền thông và Giáo dục Ý thức Truyền thông trở thành một hoạt động bó buộc ở mọi cấp, đặc biệt trong các chủng viện;

·       Tổ chức một Hiệp Hội Quốc Gia về Giáo dục Phương tiện Truyền thông;

·       Sắp đặt các chương trình đào tạo các đào tạo viên truyền thông để cung cấp đủ nhân sự cho Giáo dục Phương tiện Truyền thông ở cấp quốc gia và châu lục.

6.     Văn Phòng Truyền Thông Xã Hội của FABC phải tổ chức:

6.1 Các Hội Nghị Giám Mục của FABC-OSC hằng năm giống như hội nghị này, ít là cho ba năm tới, để duy trì nhiệt huyết và tạo cơ hội theo dõ các phát triển một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

6.2 Các Khoá Đào Tạo Giám Mục về Truyền Thông Xã Hội (BISCOM). Các Văn Phòng Quốc Gia về Truyền thông Xã hội của các HĐGM phải đem các kết quả của các “Viện” này xuống tới các cấp địa phương.

7.     Phải thực hiện các cố gắng để có sự hợp tác lớn hơn giữa Unda/OCIC và UCIP ở mọi cấp tại Châu Á.

7.1    Các Giám mục chủ tịch của các Ủy Ban Giám Mục Truyền Thông cấp Quốc Gia và các đại diện của FABC-OSC phải tham dự các Đại Hội của Unda/OCIC, UCIP và các ngày học tập cấp châu lục hằng năm.

7.2    Thông tin về các chương trình đào tạo, các sản phẩm, xuất bản của các Tổ Chức Truyền Thông Công Giáo tại Châu Á phải được chia sẻ, có thể là qua một tờ thông tin chung.

8.     Phải đánh giá lại về cách thức và việc chọn ngày cho Ngày Thế Giới Truyền Thông.

8.1    Phải có một loạt chương trình nhằm phát triển ý thức về truyền thông;

8.2    Những người hoạt động trong các phương tiện truyền thông khác nhau, kể cả trong lãnh vực thế tục, phải được khích lệ, đặc biệt bởi các giám mục.

8.3    Chúng ta bao có thể phải nhắm tới một ngày cử hành chung để gia tăng ý thức cho dân chúng ở cấp châu lục.

9.     Các Giám mục phải ý thức về tầm quan trọng và các khả năng của:

9.1    Radio Veritas Asia (RVA) để tường thuật và chia sẻ các giáo huấn của Hội Thánh và các sự kiện của Hội Thánh. Phải khuyến khích dân chúng nghe đài RVA và cung cấp các phản hồi về các chương trình.

9.2    Sáng kiến về một Chương Trình Truyền Hình Vệ Tinh Công Giáo qua đường truyền cáp Thai Sky Cable phải được sự hỗ trợ của mọi người.

10. Hội Thánh tại Châu Á có nhu cầu cấp bách về Nghiên Cứu Truyền Thông, tư duy hệ thống và có phê bình về truyền thông. Phải cổ vũ việc liên kết qua mạng và tập trung mọi nguồn lực sẵn có. ‘Giải Nghiên Cứu Truyền Thông’ (‘Communication Research Award’) của FABC-OSC phải được coi là một bước trong hướng này và được đặc biệt khuyến khích.


Xem thêm các bài viết khác của FABC (tại đây)

Chia sẻ