Skip to content
Top banner

FABC 1998: Các Viễn tượng và Thách thức của Truyền thông Xã hội

THTT-01
2022-02-25 09:39 UTC+7 228
“Thượng Hội Đồng Giám Mục―Hội Nghị Đặc Biệt cho Châu Á” họp tại Roma từ 19 tháng 4 đến 14 tháng 5, 1998, là một ‘giờ phút ân sủng’ đặc biệt cho Hội Thánh tại Châu Á. Nó làm chúng ta một lần nữa ý thức về các mối quan tâm và các nghĩa vụ như đối thoại liên

FABC-OSC (Văn Phòng Truyền thông Xã hội của LHĐGMAC)

"Thượng Hội Đồng Giám Mục―Hội Nghị Đặc Biệt cho Châu Á: Các Viễn tượng và Thách thức của Truyền thông Xã hội"

HỘI NGHỊ CÁC GIÁM MỤC Á CHÂU LẦN THỨ 3

Tại Taoyuan, Đài Loan 23―28 tháng 11, 1998

CÁC PHÁT BIỂU CHÍNH THỨC

“Thượng Hội Đồng Giám Mục―Hội Nghị Đặc Biệt cho Châu Á” họp tại Roma từ 19 tháng 4 đến 14 tháng 5, 1998, là một ‘giờ phút ân sủng’ đặc biệt cho Hội Thánh tại Châu Á. Nó làm chúng ta một lần nữa ý thức về các mối quan tâm và các nghĩa vụ như đối thoại liên tôn, hiệp thông giữa các cộng đoàn, hội nhập văn hoá, đời sống thiêng liêng, một cách hiện diện mới của Hội Thánh, thăng tiến con người...

Trong thông điệp cuối cùng của Thượng Hội Đồng (THĐ), các Nghị Phụ nói rằng “các Phương tiện truyền thông xứng đáng được gọi là Areopagus, “Nghị Trường” của thời đại hôm nay; chính ở đây cũng như trong các lãnh vực khác, Hội Thánh có thể đóng một vai trò tiên tri và khi cần có thể trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói.”

Điều này phản ánh các mối quan tâm của Đức Gioan Phaolô II trong Redemptoris Missio: “Tuy nhiên, dấn mình vào các hoạt động truyền thông đại chúng không chỉ có nghĩa là củng cố việc rao giảng Tin Mừng. Ở đây còn có một thực tại sâu hơn: bởi vì chính việc rao giảng Tin Mừng cho nền văn hoá hiện đại lệ thuộc một phần lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nên chỉ sử dụng các phương tiện này để truyền bá thông điệp Kitô giáo và các giáo huấn của Hội Thánh mà thôi thì không đủ. Cũng cần phải tích hợp thông điệp ấy vào trong ‘nền văn hoá mới’ được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông hiện đại” (RM 37c).

Trong tinh thần này và dựa trên các Phát Biểu Chính Thức của các Hội Nghị Giám Mục ’96 và ’97 của FABC-OSC, chúng tôi, những thành viên tham dự hội nghị này, đưa ra những khuyến nghị sau đây:

1. Linh đạo Truyền thông

Với nhiều thách thức phải đối diện hôm nay, chúng tôi cảm thấy phải nhấn mạnh lại về linh đạo của những người hoạt động truyền thông. Linh đạo này “bắt nguồn từ sự truyền thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” (Hội Nghị Giám Mục ’96).

Là ‘người truyền thông hoàn hảo’ (Tông huấn Communio et Progressio số 11), Đức Giêsu Kitô là mẫu mực cho mọi hoạt động truyền thông Kitô giáo.

“Những nhà truyền thông Kitô giáo cần phải là những con người đầy tràn Thánh Thần và đời sống cầu nguyện, ngày càng đi sâu hơn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa để phát triển khả năng vun trồng sự hiệp thông giữa những người đồng loại. Họ phải là những người học được niềm cậy trông dưới mái trường của Chúa Thánh Thần, Đấng là tác nhân chính của việc rao giảng Tin Mừng thời đại mới... (Tertio Millennio Adveniente, số 45)” (ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày Thế Giới Truyền Thông ’98).

Mọi linh đạo truyền thông được diễn tả trước hết và trên hết bằng chứng tá đời sống (xem Evangelii Nuntiandi, 41). Đối với người làm truyền thông ở Châu Á, điều này có nghĩa là:

a)     họ phải là con người chiêm niệm và cầu nguyện, giống như người truyền giáo mà ĐGH Gioan Phaolô II mô tả như là con người ‘chiêm niệm trong hành động’ (xem RM 91).

b)    có khả năng xây dựng cộng đoàn nhờ yêu thương, chia sẻ, hiệp thông, quan hệ và chất lượng;

c)     nội dung việc truyền thông của họ phải cho thấy rõ ràng linh đạo của họ được đặt nền sâu xa trên Nhập Thể―các người truyền thông phải hướng tới con người;

d)    việc loan báo các giá trị của Nước Trời giữa một xã hội đầy bạo lực, suy đồi và các thế lực xấu xa.

2. Đào luyện Linh đạo: Trong khi các nhà truyền thông của Giáo Hội phấn khởi hoạt động như những nhà chuyên môn trong công việc của họ, người ta nhận thấy rằng ý thức về linh đạo đã suy giảm nơi họ. Vì vậy cần phải có những lãnh vực đào luyện được xác định rõ ràng cho:

a)     các nhà truyền thông Công Giáo hoạt động trong lãnh vực truyền thông của Giáo Hội;

b)    các nhà truyền thông Công Giáo hoạt động trong lãnh vực truyền thông thế tục;

c)     các chuyên gia truyền thông nói chung.

3. Đối thoại với các nền Văn hoá và các Tôn giáo

Trong việc thể hiện “cách hiện diện mới của Hội Thánh tại Châu Á” (xem Hội Nghị Giám Mục ’97)―là điều cũng được Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Châu Á nhấn mạnh (“Để họ có Sự Sống và sống dồi dào” (Ga 10:10)―cần phải khởi xướng sự hợp tác và trợ giúp nhiều hơn giữa mọi Kitô hữu với nhau, và với các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hoá khác.

Chúng tôi khuyến nghị việc thực hiện các chương trình thích hợp về Giáo dục Phương tiện Truyền thông, các phương tiện của truyền thống bản xứ để giúp người dân có tinh thần trách nhiệm hơn, nghĩa là để họ trở thành những người biết đánh giá, phê bình và phân định khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong nền văn hoá của họ.

4. Văn phòng/Cán bộ Quan hệ Công cộng

Trong bối cảnh của xã hội “truyền thông” hiện nay, chúng tôi khuyến nghị mỗi HĐGM và mỗi giáo phận chỉ định một Cán bộ Quan hệ Công cộng như là một phần của “Kế hoạch Mục vụ”, để thực thi các qui định của Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971, số 174-176) và Aetatis Novae (1992, số 31) (Cũng xem BISCOM I, “Các Đường hướng và Khuyến Nghị”).

Vai trò chủ yếu của cán bộ này là làm cho sự hiện diện của Hội Thánh được cảm thấy nhiều hơn trong xã hội. “Tất cả các cán bộ này, thực ra tất cả những ai được đồng hoá với Hội Thánh trong quan niệm của công chúng, phải... tìm hiểu rõ loại thính giả mà họ đang đối diện và thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Điều này chỉ có thể được duy trì bao lâu người ta có một sự tôn trọng và kiêng nể chân chính đối với nhau và có một sự tôn trọng tỉ mỉ đối với sự thật...” (C&P số 174).

5. Chăm sóc Mục vụ cho những người Công Giáo trong lãnh vực Truyền thông Thế tục

Trong việc chăm sóc cho những người Công Giáo trong lãnh vực truyền thông thế tục, chúng tôi khuyến nghị:

a) văn phòng truyền thông xã hội của giáo phận phải khởi xướng các mối tiếp xúc thường xuyên với họ;

b) các Giám mục bao có thể phải thường xuyên gặp gỡ các chuyên gia người Công Giáo cũng như các chuyên gia Kitô giáo khác và cả những người không thuộc Kitô giáo;

c) các chương trình đào luyện cho họ phải bao gồm môn Đạo đức Truyền thông và các ưu tiên mục vụ của Giáo Hội địa phương;

d) phải cho họ một vai trò nổi bật trong việc cử hành Ngày Thế Giới Truyền Thông.

6. Quan tâm tới các chuyên gia truyền thông

Các mục tử phải chấp nhận và nhìn nhận các chuyên gia truyền thông, phát triển và cổ vũ sự đối thoại và hợp tác với họ. (Xem C&P số 175; BISCOM I, “Đường hướng và Khuyến nghị”).

Link tham chiếu bài viết FABC

Chia sẻ