Skip to content
Top banner

Theo Đức Phanxicô, trí tuệ nhân tạo phải ở trong khuôn khổ

THTT-01
2023-05-21 10:11 UTC+7 267

Ngày thứ ba 10 tháng 1, Học viện Giáo hoàng về Sự sống và Hiệp hội RenAIssance tổ chức cuộc hội thảo về việc sử dụng các công nghệ và kêu gọi minh bạch trong lãnh vực này.

Đức Phanxicô đã tiếp các thành viên tham dự hội thảo Lời kêu gọi của Rôma về luân lý cho trí tuệ nhân tạo, ngài nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận việc quyết định sự sống và số phận con người được giao phó cho một thuật toán.”


Dưới sự bảo trợ của tổng giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo hoàng Học viện về Sự sống, các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và tôn giáo đã ký một văn bản đặc biệt kêu gọi minh bạch và đưa vào việc sử dụng các công cụ công nghệ này. Đặt sáng kiến này phù hợp với thông điệp Fratelli Tutti của ngài, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sự hòa hợp của các tôn giáo lớn trong việc thúc đẩy một văn hóa đưa công nghệ này phục vụ lợi ích chung cho tất cả mọi người và chăm sóc ngôi nhà chung là một tấm gương cho nhiều người khác. Sự phát triển công nghệ phải phục vụ công lý và hòa bình ở mọi nơi trên thế giới”.


Trong bối cảnh ngày sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng trong đời sống cá nhân và xã hội, Đức Phanxicô kêu gọi cái gọi là “luân lý thuật toán” có nghĩa là suy tư đạo đức về việc sử dụng thuật toán luôn hiện diện nhiều hơn, bên cạnh các cuộc tranh luận công khai, cũng như trong các việc phát triển các giải pháp kỹ thuật”.


Ngài bày tỏ lo ngại về “việc dùng một cách phân biệt đối xử các công cụ này gây thiệt hại cho những người dễ bị tổn thương và bị loại trừ”, đặc biệt trong vấn đề quản trị hành chính các đơn xin tị nạn.


Vì thế theo giáo hoàng, Lời kêu gọi của Rôma là “công cụ hữu ích cho cuộc đối thoại chung giữa tất cả mọi người, nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người trước các công nghệ mới”. Đức Phanxicô giải thích sự gắn bó với lời kêu gọi này từ Rôma thể hiện một “bước quan trọng để thúc đẩy nhân học kỹ thuật số, với ba tọa độ cơ bản: đạo đức, giáo dục và luật pháp”.


Cập nhật một quy trình bắt đầu từ năm 2020


Ngày 28 tháng 2 – 2020, ngay trước đợt cách ly đầu tiên do đại dịch Covid-19 gây ra, Vatican đã tiếp những người ký kết đầu tiên với Lời kêu gọi của Rôma về đạo đức trí tuệ nhân tạo, một tài liệu được Giáo hoàng Học viện về Sự sống phát triển để các công nghệ này minh bạch, toàn diện, có lợi cho xã hội và có trách nhiệm hơn. Đức Phanxicô đã công khai ủng hộ sáng kiến này. Trong số các bên ký kết đầu tiên có các công ty Microsoft, IBM và Tổ chức Lương Nông Quốc tế.


Ông Qu Dongyu, chủ tịch Lương Nông Quốc tế cho biết: “Đến năm 2050, thế giới sẽ phải nuôi sống 10 tỷ người. Tất cả mọi người đều có quyền hưởng lợi từ canh tác hữu cơ có đạo đức và gặt hái lợi ích kỹ thuật số.”


Lời kêu gọi của Rôma về đạo đức trí tuệ nhân tạo nhấn mạnh “các hệ thống trí tuệ nhân tạo phải được thiết kế, phát triển và triển khai để phục vụ và bảo vệ con người cũng như môi trường sống”.


Ban tổ chức buổi hội thảo gồm tổng giám mục Vincenzio Paglia, chủ tịch Giáo hoàng Học viện về Sự sống, giáo sĩ Sheikh Abdullah bin Bayyah, chủ tịch Diễn đàn Thúc đẩy Hòa bình trong các Xã hội hồi giáo; giáo sĩ Eliezer Simha Weisz, thành viên hội đồng trưởng Giáo sĩ Israel, ông Brad Smith, chủ tịch ủy ban Microsoft, ông Dario Gil, phó chủ tịch ủy ban IBM và ông Maximo Torero Cullen, trưởng ban kinh tế cơ quan Lương Nông Quốc tế FAO.


Năm nay có thêm do thái giáo và hồi giáo. Một cuộc họp cũng sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 2023 tại Nhật Bản, nhằm liên kết các đại diện của các tôn giáo châu Á và phương Đông với lời kêu gọi này.


Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ