Triển lãm ảnh “Tiếng kêu cứu của phụ nữ” diễn ra ở New York
Để ca ngợi lòng dũng cảm của người phụ nữ - những người luôn cam kết thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ Sự sáng tạo - Lia Beltrami đã phối hợp với Bộ Truyền thông của Tòa Thánh tổ chức Cuộc triển lãm ảnh tại Colonnade - Quảng trường Thánh Phêrô - vào tháng 5. Và năm nay, vào ngày 20 tháng 9 vừa qua, nhân dịp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hình ảnh người phụ nữ cũng chính là tiêu điểm của buổi triển lãm ảnh “Emotions to Generate Change - Women's Cry (Cảm xúc tạo ra sự thay đổi - Tiếng kêu cứu của người phụ nữ” được tổ chức tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Perelman ở New York.
Từ Quảng trường Thánh Phêrô (Roma) đến Ground Zero [Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan, thành phố New York trước khi bị phá hủy hoàn toàn vào ngày 11 tháng 9 năm 2001] đều tái khẳng định thông điệp hòa bình, hòa giải và hy vọng vì một nhân loại tốt đẹp hơn. Nhân dịp kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, buổi giới thiệu triển lãm ảnh “Cảm xúc tạo ra sự thay đổi - Tiếng kêu cứu của người phụ nữ” đã được tổ chức vào thứ Tư, ngày 20 tháng 9 tại New York.
Trước đó, cuộc triển lãm đã được trưng bày trước công chúng lần đầu tiên vào tháng 5 trong một bối cảnh vô cùng độc đáo: Bernini Colonnade ở Quảng trường Thánh Peter. Cuộc triển lãm do Lia Beltrami lên ý tưởng, đã quy tụ 26 bức ảnh của 8 nhiếp ảnh gia vĩ đại từ khắp nơi trên thế giới và những bức ảnh đã minh chứng cho sự kiên cường của người phụ nữ ở những vùng xa xôi trên hành tinh hoặc ở những quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
Sau đó, một lần nữa, nó lại được tổ chức tại một địa điểm đặc biệt: Trung tâm Nghệ thuật Perelman - một kiến trúc văn hóa và nghệ thuật vừa được khánh thành tại khu vực mà Trung tâm Thương mại Thế giới đã từng tọa lạc trước cuộc khủng bố ngày 11/9.
Cuộc triển lãm “Tiếng Kêu cứu của Người Phụ Nữ” được hiện thực hóa nhờ sự hiệp lực của một số đơn vị: Liên minh Thế giới của các Tổ chức Phụ nữ Công giáo UMOFC-WUCWO, thông qua World Women's Observatory, Bộ Truyền thông Tòa Thánh và cơ quan Handshake.
Sau lời giới thiệu của giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Perelman - Bill Rauch, phó giám đốc biên tập của cơ quan truyền thông Vatican - Alessandro Gisotti - đã nhấn mạnh rằng cuộc triển lãm này kể cho chúng ta “những câu chuyện về tình huynh đệ, sự hòa giải, cuộc đấu tranh chống lại mọi sự phân biệt đối xử, đồng thời hỗ trợ phẩm giá con người và sự phát triển con người toàn diện. Đó là lý do tại sao mỗi bức ảnh đều có kèm theo một cụm từ lấy từ Thông điệp Fratelli Tutti [Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội] của Đức Thánh Cha Phanxicô”.
Từ Togo đến Ukraine, từ Amazon đến Bangladesh, triển lãm này không chỉ chia sẻ tiếng kêu cứu của phụ nữ, như tiêu đề đã chỉ ra, mà còn muốn nhấn mạnh niềm hy vọng mà người phụ nữ dành cho cộng đồng, người dân của họ và cho toàn thế giới”.
Sau đó, Gisotti nhớ lại định nghĩa về nhiếp ảnh của Marshall McLuhan: viết bằng ánh sáng. Ông nói: “Trong những bức ảnh này, chúng tôi tìm thấy rất nhiều ánh sáng. Ánh sáng tỏa ra từ lòng dũng cảm của những người phụ nữ, những người mẹ, những người con gái, những người phụ nữ đi làm, những người phụ nữ vượt qua mọi trở ngại có thể để mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho những người họ yêu thương. Chúng tôi chắc chắn rằng những ai xem triển lãm này sẽ mang về nhà một phần ánh sáng mà những người phụ nữ này tỏa ra để giúp thế giới ngày nay bớt đen tối hơn.”
Về phần mình, Lia Beltrami nhấn mạnh đến niềm hy vọng – điều cốt lõi “đặc trưng cho tất cả những câu chuyện được kể qua những hình ảnh của buổi triển lãm”. Người phụ trách triển lãm nói thêm: Một niềm hy vọng được nuôi dưỡng bởi sự kiên trì của những người phụ nữ có khả năng vượt qua "những thử thách khó khăn nhất" vì lợi ích của gia đình và cộng đồng của họ.
Người phụ nữ cũng chiếm vị trí trung tâm vào những ngày đầu (đầu ngày) tại văn phòng quốc tế Tôn giáo vì Hòa bình, tọa lạc ngay trước tòa nhà Liên Hợp Quốc với buổi chiếu phim tài liệu Guardians of the Rainforest, một tác phẩm của Lia và Marianna Beltrami.
Công việc được hỗ trợ bởi The Interfaith Rainforest Initiative (Tạm dịch: Sáng kiến Rừng Nhiệt Đới Liên tôn) đã làm nổi bật hình ảnh những phụ nữ bản địa chiến đấu để bảo vệ các khu rừng nhiệt đới ở Brazil, Cộng hòa Dân chủ Côngô và Borneo. Tiếp theo buổi trình chiếu là phần thảo luận về vai trò của người dân bản địa, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ trong việc bảo vệ Sự sáng tạo.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng chủ đề của buổi triển lãm và bộ phim tài liệu, Gabriel Labbate - Người đứng đầu Đơn vị Giảm thiểu Khí hậu của UNEP, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc - cũng đã tham gia sự kiện Tôn giáo vì Hòa bình này.
Chuyển ngữ: BTT Thần học Truyền Thông
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ