Sứ vụ của Vatican News là mang “tiếng nói” của Giáo Hoàng đến thế giới
Tổng biên tập Vatican News: Sứ vụ của Vatican News là mang “tiếng nói” của Giáo Hoàng đến thế giới
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Aleteia, ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Vatican News đã trình bày về sứ vụ mang “tiếng nói” của Đức Giáo Hoàng cho thế giới của Truyền thông Vatican.
Ngọc Yến - Vatican News
Làm thế nào ông và các nhân viên của Bộ Truyền thông có thể duy trì bản chất sứ điệp Kitô giáo - rất cá nhân, “diện đối diện” - trong một Giáo hội hoàn vũ, nơi quý vị lên tiếng cho một thực thể phức tạp như Vatican?
Tôi tin rằng sứ điệp Kitô giáo mang tính cá nhân – tức là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Nhưng hôm nay Chúa Giêsu được tìm thấy qua chứng tá của những người sống kinh nghiệm về Chúa Giêsu, những người sống Tin Mừng trong cuộc sống của họ hôm nay. Đó là lý do tại sao thật thú vị khi thu thập những câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới, của những người bị sứ điệp Kitô giáo “gây thương tích”, những người đặt câu hỏi về cuộc sống của họ khi đối diện với sứ điệp và đưa ra một chứng tá thú vị.
“Bị gây thương tích” bởi sứ điệp Kitô giáo, điều này có nghĩa là gì?
Có nghĩa là những người để cho mình được đụng chạm, những người không dửng dưng. Để cho mình bị tổn thương bởi thực tế, bởi chứng tá, nghĩa là để cho những lời đó đi vào chính da thịt, cuộc sống của bạn. Điều này không giống như hòn đá vẫn bình thường khi nước chảy qua, nhưng là để cho lời nói, những khuôn mặt, cái nhìn và chứng tá bước vào cuộc sống bạn và chất vấn bạn, dừng lại, lắng nghe.
Theo ông, với những điểm mạnh và điểm yếu của xã hội ngày nay, sứ điệp Kitô có thể đến với mọi người như thế nào?
Tôi tin rằng mặc dù dường như có vẻ xa cách và tục hoá, xã hội ngày nay đang tìm kiếm. Một xã hội đặc trưng bởi kỷ nguyên kỹ thuật số. Trong xã hội này, mọi người đều nói những gì họ nghĩ, mọi người đều có thể bình luận.
Chúng ta đang trở thành một dân tộc của những người bình luận, đôi khi với những lời hận thù, và có lẽ do chúng ta đánh giá các sự kiện thực tế nhưng lại không biết rõ về chúng. Việc sử dụng mạng xã hội một cách xuyên tạc làm cho chúng ta quen với tất cả những điều này.
Trong một xã hội mà việc tìm kiếm và nhu cầu tìm kiếm ai đó lắng nghe ngày càng tăng, tất cả đều nói, nhưng không có ai lắng nghe chúng ta, thì sứ vụ loan báo Tin Mừng ngày nay là trình bày khuôn mặt thương xót của Giáo hội, của Thiên Chúa. Điều này trước hết là chào đón và lắng nghe mọi người, những người đau khổ, những người xin chúng ta giúp đỡ, không phán xét nhưng với sự gần gũi, dịu dàng.
Tôi tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao cho chúng ta chứng tá này. Đó là sứ điệp của Evangelii Gaudium, một văn kiện chứa đựng chương trình triều Giáo hoàng của ngài. Và tôi tin rằng đó là nhiệm vụ của các Kitô hữu ngày nay, đặc biệt trong một xã hội dường như đang xa rời sứ điệp Kitô. Giờ đây, không phải là lúc của chiến tranh và đấu tranh văn hoá, không phải là lúc để đối đầu. Thực tế, mọi người đang đối đầu với nhau trên truyền hình, mạng xã hội và chính trị.
Khi đối diện với thực tế dường như có trắng và đen, thái độ của Kitô hữu không phải là cầm vũ khí và bước vào trận chiến, nhưng là đưa ra một chứng tá: đón tiếp, dịu dàng, gần gũi, tha thứ và thương xót. Đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô.
Nhu cầu lắng nghe này có phải là chìa khoá để hiểu Thượng Hội đồng?
Đúng vậy, tất cả được đưa vào cái nhìn này. Một Thượng Hội đồng về tính Hiệp hành dường như có thể là một điều gì đó tự tham chiếu, không nói về sứ vụ. Nhưng trong thực tế, điều này đang diễn ra để chúng ta hiểu trong Giáo hội, thái độ này đến từ truyền thống chân thực nhất của đời sống Giáo hội, từ cội nguồn Giáo hội. Đó là khả năng chia sẻ và lắng nghe, ở bên nhau như một cộng đoàn, để hiện hữu như một dân tộc tự nhận mình là một cộng đoàn của các tín hữu biết lắng nghe nhau.
Sống hiệp hành có nghĩa là sống thái độ này, Giáo hội sống theo cách có lẽ khác với cách mà chúng ta đã sống trong quá khứ. Và tôi tin rằng Đức Thánh Cha muốn chúng ta lắng nghe những ai ở xa nhất, những người đã rời bỏ Giáo hội. Đây là sự tìm kiếm, là nền tảng của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Dụ ngôn Người Mục Tử để lại 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, trong xã hội ngày nay con số này bị đảo ngược. Điều cần thiết là đi tìm những người đã lạc mất, hoặc ít ra là lắng nghe họ, để hiểu tại sao họ lại xa Giáo hội.
Sau 10 năm Giáo hoàng, theo ông, Đức Thánh Cha có hình ảnh nào trước công chúng?
Tôi nghĩ ngài là người có thẩm quyền đạo đức tuyệt vời được cả thế giới công nhận. Trong 10 năm qua, Đức Thánh Cha đã cho chúng ta một chứng tá đức tin và sự gần gũi với những ai đau khổ, cũng như sự can đảm.
Ngài đã thực hiện chuyến tông du đến Cộng hoà Trung Phi ngay trước khi bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót vào năm 2015, và chuyến tông du khác đến Iraq vào tháng 3/2021, là bằng chứng cho thấy ngài đã chấp nhận nguy hiểm để thể hiện cụ thể sự gần gũi với những ai đau khổ, người nghèo, những người đang sống trong hoàn cảnh hận thù và bạo lực, những người bị bách hại. Tôi tin rằng ngài là một chứng tá đích thực của Tin Mừng, và mọi người cảm thấy gần gũi với ngài.
Và cũng vì là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha đã góp phần và tiếp tục góp phần đào sâu con đường do Công đồng Vatican II khởi xướng nhằm khôi phục hạt giống cội nguồn Tin Mừng. Nghĩa là ngày nay, Giáo hoàng không thể hiện như một vị vua nhưng là một người phục vụ, hình ảnh vị đại diện của Chúa Kitô.
Ông có thể giải thích thêm về con đường do Công đồng Vatican II khởi xướng và Đức Thánh Cha đang theo?
Tôi muốn nói đến thực tế là Giáo hội luôn phải đào sâu kinh nghiệm của mình về Tin Mừng bằng cách lấy lại hạt giống ban đầu. Như việc lắng nghe trong Thượng Hội đồng không phải là phát minh của Đức Thánh Cha nhưng thuộc về lịch sử truyền thống của Giáo hội. Tại Công đồng đầu tiên Giêrusalem, các Tông đồ cùng đưa ra các quyết định. Có những thể thức thuộc về truyền thống của Giáo hội.
Quan tâm đến người nghèo cũng vậy, đó không phải là điều thuộc về chủ nghĩa Mác hay Cộng sản nhưng được tìm thấy trong Tin Mừng, Lời Chúa Giêsu và trong toàn thể huấn quyền của các Giáo phụ, nghĩa là của các thần học gia vĩ đại và các Giám mục của những thế kỷ đầu của Giáo hội. Ví dụ trong một bài giảng, thánh Gioan Kim Khẩu nói: đừng lo việc phủ thân mình Chúa Kitô trên bàn thờ trong Thánh lễ bằng vàng và những vật quý giá, nhưng tốt hơn hãy quan tâm đến thân mình Chúa Kitô là người nghèo không có gì che thân đang đứng ở ngoài cửa Giáo hội. Đây không phải là thần học giải phóng nhưng là sứ điệp đích thực của Tin Mừng và của các Giáo phụ.
Trong 10 năm qua, Đức Thánh Cha đã giúp tái khám phá những trang này và giúp chúng ta nhận ra, tiếp tục con đường do các vị tiền nhiệm của ngài đã khởi xướng, đó là Giáo hội luôn bước đi bằng cách đào sâu cội nguồn truyền thống.
Ông có thể tóm tắt trong vài hàng về di sản của mỗi vị Giáo hoàng gần đây đã để lại?
Đức Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta đừng sợ hãi, đối thoại với mọi người và can đảm làm chứng cho đức tin. Tôi rất ấn tượng khi tiếng nói của ngài đã được chú ý trước khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, nhưng sau đó ngài lại không được chú ý khi yêu cầu không tạo ra chiến ở Iraq. Điều đó xảy ra với tất cả các Giáo hoàng, những người nắm giữ quyền bính trên trái đất chỉ lắng nghe khi điều đó có lợi cho họ.
Đức Biển Đức XVI đã giúp chúng ta bằng thái độ khiêm tốn qua việc đặt Chúa Giêsu Kitô chứ không phải các Giáo hoàng ở trung tâm của bối cảnh. Ngài đã giúp chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu và hiểu được vẻ đẹp của đức tin Công giáo, cách giải thích đức tin đó bằng những lời rất đơn giản có khả năng đánh động tâm hồn những người trẻ.
Và Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục theo đường hướng của Công đồng Vatican II mà các vị tiền nhiệm của ngài đã theo. Ngài đã giúp chúng ta hiểu chủ đề về người nghèo là trung tâm của các trang Tin Mừng, và loan báo Tin Mừng ngày nay có nghĩa là trình bày khuôn mặt của Giáo hội thương xót và của các cộng đoàn sống niềm vui Tin Mừng. Ngài giúp chúng ta hiểu trong các xã hội tục hóa, chúng ta cần công bố điều thiết yếu chứ không phải bắt đầu từ những hậu quả luân lý. Không phải để xét đoán con người nhưng để loan báo cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh họ đang sống rằng có một Thiên Chúa yêu thương, chờ đợi, sẵn sàng ôm lấy và tha thứ cho họ trong mọi hoàn cảnh. Và tầm quan trọng của việc chăm sóc ngôi nhà chung, hệ sinh thái toàn diện và nhiệm vụ trung tâm của tình huynh đệ, xây dựng một thế giới nơi tất cả chúng ta nhận mình là anh chị em để chung sống trong hòa bình.
Trong 5 năm làm Tổng biên tập Vatican News, ông có thể nói về những bài học và thách đố?
Đối với tôi, đó là một trải nghiệm rất mạnh mẽ vì khối lượng công việc. Nhưng trên hết chúng tôi cố gắng làm việc như một đội. Dưới sự hướng dẫn biên tập của tôi, có khoảng 240 nhà báo đến từ 69 quốc gia và viết bằng 51 ngôn ngữ. Họ viết mỗi ngày cho Radio Vatican và Vatican News, còn Báo Quan sát viên Roma nghỉ vào Chúa nhật và các ngày lễ. Đây thực sự là một nơi làm việc quốc tế, đa văn hóa, nơi tất cả chúng tôi đều tìm kiếm mục tiêu duy nhất là trình bày sứ điệp của Đức Giáo Hoàng một cách tốt đẹp, phù hợp với bối cảnh. Và chúng tôi làm điều này để tiếng nói của Đức Giáo Hoàng có thể đến với toàn thế giới theo cách tốt nhất có thể, sử dụng các ngôn ngữ nói với trái tim mọi người, tiếng mẹ đẻ của họ và được trình bày theo các thể loại văn hóa của họ.
Với Đức Thánh Cha Phanxicô, một người sẵn sàng ứng khẩu, chắc hẳn không dễ dàng trong việc kiểm soát mọi lời nói và các kênh giao tiếp của ngài?
Đây không phải là một việc kiểm soát. Đức Thánh Cha giao tiếp rất tốt và không cần người giải thích. Chúng ta thấy điều này trong nhiều cuộc phỏng vấn. Ngài giao tiếp trực tiếp và chạm đến trái tim. Không phải là kiểm soát nhưng là giúp đỡ và có thể dịch ra càng nhiều ngôn ngữ càng tốt các thông điệp của Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh để giúp đời sống của Giáo hội chia sẻ thông điệp này. Đồng thời, công việc của chúng tôi là thu thập và chia sẻ những tin tức đến với chúng tôi từ thế giới, từ các Giáo hội địa phương, các cộng đoàn biên giới ở các vùng ngoại vi của thế giới. Chia sẻ câu chuyện của con người, như sống sứ điệp của Thông điệp Laudato si’, hoặc làm chứng về lòng trắc ẩn và sự tha thứ trong những hoàn cảnh hận thù, chiến tranh và bạo lực. Giống như trái tim, chúng tôi có hai nhiệm vụ: gửi đi tiếng nói của Đức Giáo Hoàng, đồng thời tiếp nhận và chia sẻ bằng cách dịch những tin tức đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của chúng tôi là chia sẻ tin vui của Tin Mừng, nhìn thấy, ghi lại và làm chứng cho điều này trong tin vui xuất hiện trong cuộc sống của các Kitô hữu trên thế giới.
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ