Skip to content
Top banner

Sứ mệnh của các phương tiện truyền thông xã hội

THTT-01
2023-01-08 17:26 UTC+7 282

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, Chủ tịch Hồi Đồng Tòa Thánh Truyền Thông, về sứ mệnh của các phương tiện truyền thông theo sứ điệp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI


Chúa Nhật mùng 4-5-2008 là Ngày truyền thông quốc tế lần thứ 42. Nhân dịp này tại Italia nhiều giáo phận có thói quen cử hành tuần truyền thông với các thánh lễ, các cuộc diễn thuyết, các buổi hội thảo và các buổi hòa nhạc.


Điển hình như tại Napoli, nam Italia, chiều ngày mùng 6-5-2008 đã có buổi diễn thuyết về đề tài ”Sự thật và con người, thông tin giữa quyền lợi và luân lý”, tại phân khoa chính trị của đại học thành phố. Tại Firenze trung Italia, ngày mùng 7-5-2008 đã có cuộc thảo luận bàn tròn với sự tham dự của Đức Cha Gastone, Giám Mục Prato và ông Leonardo Bianchi, giáo sư dậy môn ”Quyền thông tin” tại đại học Firenze. Trong khi tại Agrigento văn phòng truyền thông của giáo phận cùng với nhà sách Thánh Phaolô đưa ra nhiều sáng kiến liên tục trong một tuần để gây ý thức cho các giới chức giáo dục cũng như tín hữu và dân chúng, về việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong công tác giáo dục.


Tại Palermo ngày mùng 9-5-2008 đã có buổi diền thuyết về đề tài ”Thông tin luân lý: trách nhiệm thông tin và đào tạo của các phương tiện truyền thông trong việc phục vụ sự thật cho một thế giới công bằng và liên đới hơn”. Đặc biệt đã có buổi diễn thuyết ngày mùng 8-5-2008 về đề tài: ”Các phương tiện truyền thông: một thách đố đối với việc giáo dục” với sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục sở tại và nhiều nhà báo và chuyên viên truyền thông. Tại Torino, từ ngày 16-4-2008 đã có khóa huyấn luyện việc dùng các phương tiện truyền thông trong những năm đầu của của trường học, với sự tham dự của 200 trẻ em các lớp tiểu học. Khóa học do Nhà Xuất bản Thánh Phaolo, các Nữ Tu thánh Phaolo cùng tổ chức và bảo trợ với Liên hiệp truyền thông Italia. Bên cạnh đó là các buổi hội thảo bàn tròn với Linh Mục Bruno Ferreo, đặc trách nhà xuất bản Elle Di Ci của dòng Salesien và giáo sư Alberto Parola, thuộc đại học Torino và là chủ tịch Hiệp hội truyền thông Italia.


Trong sứ điệp gửi Ngày Truyền Thông Quốc Tế lần thứ 42 tựa đề ”Các phương tiện truyền thống xã hội: trước hai ngã đường của khuynh hướng tác nhân và việc phục vụ. Tìm kiếm sự thật để chia sẻ sự thật”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nêu bật rằng việc tìm kiếm và trình bầy sự thật về con người là ơn gọi cao qúy nhất của nghành truyền thông xã hội. Vì các phương tiện truyền thông xã hội không chỉ là phương tiện phổ biến các tư tưởng, mà cũng có thể và phải là các dụng cụ phục vụ một thế giới công bằng và liên đới hơn, bằng cách lựa chọn một cách có ý thức và quyết liệt bảo vệ con người và hoàn toàn tôn trọng phẩm giá của nó. Trong sứ điệp Đức Thánh Cha mời gọi giới truyền thông xây dựng một nền luân lý truyền thông, một nghành truyền thông đứng về phía sự thật về con người và tránh trở thành chiếc loa của chủ thuyết duy vật kinh tế và tương đối luân lý.


Đề cập tới tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội trong cuộc sống con người và xã hội ngày nay, Đức Thánh Cha nói rằng chúng đã trở thành một phần của các tương quan liên bản vị và trong các tiến trình xã hội, kinh tế chính trị và tôn giáo. Các kỹ thuật tân tiến đã khiến cho các phương tiện truyền thông có được sức mạnh phi thường, nhưng đồng thời cũng đặt ra các câu hỏi và vấn đề chưa từng có. Không ai có thể phủ nhận phần đóng góp của chúng cho xã hội: từ việc xóa bỏ mù chữ đến phát triển nền dân chủ và đối thoại giữa các dân tộc. Nhưng các phương tiện truyền thông cũng có nguy cơ biến thành các hệ thống bắt con người tùng phục các luận lý của lợi lộc đang thống trị lúc đó. Đó là trường hợp của việc truyền thông bị sử dụng cho các mục đích ý thức hệ. Lấy cớ là trình bày thực tại, thực ra nó hướng tới chỗ hợp thức hóa và áp đặt các mô thức méo mó của cuộc sống cá nhân, gia đình hay xã hội.


Vì thế phải làm sao để cho các phương tiện truyền thông không trở thành dụng cụ lèo lái lương tâm con người, nhưng phục vụ con người và công ích và trợ giúp việc đào tạo luân lý khiến cho con người nội tâm được lớn lên. Khi việc truyền thông mất đi các mốc neo luân lý và thoát khỏi sự kiểm soát xã hội, thì rốt cuộc nó cũng sẽ không chú ý tới tính cách trung tâm và phẩm giá bất khả xâm phạm của con người nữa, và có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực trên lương tâm, trên các lựa chọn, sự tự do và chính cuộc sống của con người.


Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông về Ngày Truyền Thông Quốc Tế và sứ điệp nói trên của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.


Hỏi: Thưa Đức Cha Celli, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã muốn diễn tả điều gì khi đưa ra đề tài ”Các phương tiện truyền thống xã hội: trước hai ngã đường của khuynh hướng lấy mình làm điểm quy chiếu và việc phục vụ. Tìm kiếm sự thật để chia sẻ sự thật” cho sứ điệp của Ngày Quốc Tế Truyền Thông thứ 42?


Đáp: Như có người trong giới truyền thông đã nói: qua đề tài này Đức Thánh Cha đụng chạm đến điểm nòng cốt của vấn đề. Một lần nữa xem ra phải nhìn tất cả trong chiều kích nhân chủng học, mà Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh. Tôi có ý nói rằng trên con đường hiện thực nhân bản tính của mình - nhân bản tính trong một cái nhìn rộng rãi, toàn diện - con người ngày nay cần tìm kiếm ”đỉnh cao”.


Cách đây mấy hôm Đức Thánh Cha đã nói về việc say mê kiếm tìm sự thật. Các phương tiện truyền thông cũng đi trên con đường tìm kiếm đó, vì thế chúng ta hiểu tại sao Đức Thánh Cha lại nói đến hai ngã đường giữa việc lấy mình làm điểm tham chiếu và việc phục vụ. Từ ”đề cao nhân vật hay tác nhân” ám chỉ sự kiện đôi khi các phương tiện truyền thông xã hội có thể tự lấy mình làm điểm quy chiếu, nghĩa là quên đi nhiệm vụ của mình là phục vụ con người đang tiến bước, đang tìm kiếm, và cần hiểu biết. Vì thế các phương tiện truyền thông xã hội phải cho con người cơ may ngày càng hiểu biết sự thật và đạt tới sự thật hơn. Vì điều này cho phép con người là người thật.


Hỏi: Tuy nhiên có một vấn đề khác nữa: đó là các phương tiện truyền thông cũng phản ánh một xã hội nhẹ dạ, hời hợt bề ngoài, có đúng thế không thưa Đức Cha?


Đáp: Vâng, đúng thế. Và vấn đề là ở đó. Từ phía mình Giáo Hội đánh giá tích cực các phương tiện truyền thông. Đó là điều có thể nhận ra trong phần đầu sứ điệp của Đức Thánh Cha, trong đó Đức Thánh Cha đề cao phần đóng góp tích cực của các phương tiện truyền thông cho các phát triển đích thực của nhân loại trong thời đại ngày nay. Đàng khác Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh sự kiện các phương tiện truyền thông phải tự hỏi xem đâu là vai trò mình phải có, không phải trong xã hội cho bằng trên lộ trình tiến bước của con người. Và chúng ta lại ở trên hai ngã đường giữa việc tự lấy mình làm điểm tham chiếu và việc tìm kiếm sự thật, và chính ở điểm này Đức Thánh Cha đề cập tới nền luân lý thông tin. Như thế chúng ta thấy toàn bộ vấn đề gắn liền với điểm nòng cốt này. Nó đòi hỏi một suy tư nghiêm chỉnh và chín chắn.


Hỏi: Như vậy các phương tiện truyền thông có thể định hướng lộ trình này bằng cách thức nào thưa Đức Cha?


Đáp: Chắc hẳn qúy vị còn nhớ sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, và lời Đức Thánh Cha mời gọi chú ý tới ý tưởng về gia đình, như là nơi con người học thứ ngôn ngữ của sự tôn trọng, đối thoại và liên đới. Chính trong bối cảnh chiều kích này của gia đình mà các phương tiện truyền thông có vai trò phải chu toàn. Chúng ta thấy khi các nhà báo lãnh nhận một giải thưởng, thì không phải vì công việc hời hợt phiến diện bề ngoài của họ hay vì các dịch vụ điên dại của họ, nhưng họ được thưởng vì đã đưa ra một sự thật, trình bầy và đào sâu sự thật đó khiến cho nó trao ban các kích thích giúp suy tư và tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Và tôi tin rằng đó là vai trò lớn lao của các phương tiện truyền thông. Thế rồi nếu chúng ta đặt vấn đề trong bối cảnh của Kitô giáo và lồng khung vào đề tài Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sắp tới về Lời Chúa trong Giáo Hội và trong thế giới, thì các phương tiện thuyền trông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông công giáo, là phương tiện của việc loan báo Lời Chúa và sự thật trong nghĩa tràn đầy của nó.


Hỏi: Thưa Đức Cha, trong lộ trình mà Đức Cha nói tới trên đây và trong lộ trình của xã hội nói chung, các phương tiện truyền thông công giáo có vai trò nào và có thể có thêm các vai trò nào nữa?


Đáp: Cách đây mấy ngày trong một phiên họp tôi đã đề cập tới ”việc phục vụ văn hóa”, một việc phục vụ trong mọi lãnh vực. Qúy vị cứ thử tưởng tượng trong một viễn tượng rộng rãi của nền văn hóa như thế, các phương tiện truyền thông công giáo có thể có vai trò nào, kể cả đối với những người ngoài Giáo Hội nữa. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng các phương tiện truyền thông công giáo chỉ được nhìn những gì bên trong Giáo Hội thôi, dĩ nhiên điều này đúng chứ không sai. Nhưng mà theo tôi chúng có thể có sức nặng đối với cả những người ở xa, những người không hiện diện, những người cô đơn. Đó chính là lý do tại sao các phương tiện truyền thông công giáo phải chu toàn việc phục vụ văn hóa của mình.


(Avvenire 3-5-2008)


Linh Tiến Khải

VietCatholic News (13/05/2008)

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ