Người Công giáo trong tầm ngắm của Big Tech
NGƯỜI CÔNG GIÁO TRONG TẦM NGẮM CỦA BIG TECH
Jonathan Liedl
WHĐ (16.8.2022) - Một số trường hợp kiểm duyệt trực tuyến của Big Tech (Big Tech là các mạng xã hội khổng lồ như Google, Facebook, Twitter, Instagram, YouTube...) gần đây đã làm dấy lên mối quan ngại. Sự thiếu minh bạch từ các mạng xã hội này khiến cho người ta nghi ngờ về sự cố tình trù dập những bài đăng mang tính Công giáo.
Saintly Heart là một cửa hàng trực tuyến sản xuất và bán các đồ chơi Công giáo cho trẻ em mua về để tìm hiểu cách vui vẻ về các vị thánh. Rõ ràng, đó không phải là nơi làm ra các loại vật dụng có “tư thế khiêu dâm quá mức”.
Vậy mà, theo Instagram, cửa hàng Saintly Heart đã làm việc này! Vào ngày 22-1-2021, chủ sở hữu của Saintly Heart là bà Maggie Jetty đã nhận được một thông báo nói rằng: Instagram đã xóa một “hashtag” của một bài do bà Maggie Jetty đăng trên Instagram hơn một tháng trước về một sản phẩm của Saintly Heart. Sản phẩm bị cho là có “tư thế khiêu dâm quá mức”. Và sản phẩm đó lại là một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe bằng gỗ nho nhỏ!
Jetty nói với tờ Register: “Tôi đã bị sốc vì tôi chưa bao giờ có bất kỳ vấn đề nào với Instagram”. Bà lưu ý rằng: điều trớ trêu là một hình ảnh về Đức Mẹ Guadalupe - Đấng Bảo trợ cho trẻ em - lại bị ‘gắn cờ khiêu dâm' vào đúng ngày Giáo hội đặc biệt cầu nguyện cho việc bảo vệ các thai nhi.
Bà Jetty ngay lập tức yêu cầu Instagram xem xét lại quyết định. Tuy nhiên, cho đến nay, hơn ba tuần sau khi sự việc xảy ra, bà vẫn chưa nhận được phản hồi.
Về bản chất, những gì đã xảy ra với Saintly Heart có thể dễ dàng bị coi là một “trò lố” của các thuật toán được các mạng xã hội sử dụng để lọc các nội dung phản cảm.
Trong thực tế, các mặt hàng Công giáo không phải là sản phẩm duy nhất bị gắn thẻ nhầm là “kích dục quá mức”, ví dụ như bức ảnh chụp hành tây Walla Walla trong giỏ đan bằng liễu gai, nhận được sự đối xử tương tự từ các thuật toán của Facebook vào tháng 10-2020. Tuy nhiên, một loạt các trường hợp kiểm duyệt tương tự gần đây đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Công giáo, và đang làm dấy lên nỗi lo ngại về khả năng Big Tech có thiên kiến kỳ thị đối với Công giáo và các quan điểm tôn giáo truyền thống.
Ngoài Saintly Heart, một số doanh nghiệp Công giáo khác cũng cho biết: sản phẩm của họ bị chặn trên mạng xã hội vì lý do “không phù hợp”, thường là vài tháng sau khi những sản phẩm ấy lần đầu tiên được đưa lên thị trường kỹ thuật số. Chẳng hạn, một quảng cáo về nhãn dẻo “Rest in Him” của Just Love Prints đã bị Facebook kiểm duyệt vì cho rằng có nội dung “khiêu dâm”! Một số công ty khác đăng hình ảnh của các vị thánh lại bị ‘gắn cờ' là “khuyến khích tiêu thụ rượu”, dù người ta không hề thấy có chai rượu nào bên cạnh hình ảnh của các vị thánh này.
Kiểm duyệt quan điểm
Các trường hợp kiểm duyệt trực tuyến gần đây dường như không chỉ do những lỗi thuật toán không cố ý. Một số sản phẩm của nhà xuất bản Công giáo TAN Books đã gặp khó khăn từ mạng xã hội. Tác phẩm ‘The Anti-Mary Exposed' của Carrie Gress đã bị xóa khỏi tài khoản Instagram và Facebook của một cửa hàng quà tặng Công giáo vào tháng Giêng - gần một năm sau khi nó được đăng lần đầu tiên - sau khi bị gắn cờ là “sản phẩm dành cho người lớn”!
Tác phẩm Motherhood Redeemed của Kimberly Cook và tác phẩm The Devil and Karl Marx của Paul Kengor - được quảng cáo trên Facebook của TAN - gần đây đã bị gỡ xuống. Tác phẩm Motherhood Redeemed bị Facebook cho là vi phạm “chính sách nội dung giật gân”. Còn tác phẩm The Devil and Karl Marx bị Facebook cho là có liên quan đến chính trị trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức cách đây nhiều tháng.
Có lẽ nghiêm trọng nhất là tác phẩm Các Chặng Đường Thánh Giá của Regina Doman, được mô tả dưới dạng hoạt hình không đẫm máu về Chúa Giêsu chịu đóng đinh - mang tính biểu tượng và được phổ biến nhiều nhất trong lịch sử thế giới - đã bị gỡ xuống vì bị mạng xã hội cho là chứa đựng “nội dung giật gân, kích động hoặc bạo lực quá mức”!
Một trong những trường hợp kiểm duyệt quan điểm trơ trẽn và rõ ràng nhất là tài khoản Twitter của Catholic World Report (CWR) đã bị đình chỉ sau khi đăng một đoạn tweet của Cơ quan Thông tấn Công giáo mô tả Tiến sĩ Rachel Levine - người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm trợ lý thư ký của Dịch vụ Y tế và Nhân sinh - là “đàn ông về mặt sinh học, trở thành một phụ nữ chuyển giới.”
Tài khoản của CWR đã bị khóa vào ngày 24-1-2021 vì Twitter cho rằng dòng tweet trên đây đã vi phạm các quy tắc của Twitter về “hành vi gây thù hận”, vì CWR đã nói rằng Levine là “đàn ông về mặt sinh học”. Vào ngày 27-1-2021, Twitter đã phản hồi đơn khiếu nại của CWR, xác định rằng “đã có vi phạm và do đó chúng tôi sẽ không lật lại quyết định của mình”!
Vào ngày 29-1-2021, Twitter đã đổi ý và gỡ bỏ lệnh tạm ngưng cho CWR, nhưng không đưa ra lời giải thích trực tiếp cho CWR, chỉ nói với Cơ quan Thông tấn Công giáo rằng “hành động đình chỉ của Twitter là do nhầm lẫn và đã sửa sai”. Nhưng Carl Olson, biên tập viên của CWR, nhận xét rằng: sự thay đổi chỉ xảy ra sau khi câu chuyện bắt đầu được lan truyền, tạo ra sự phản đối chống lại ‘gã truyền thông xã hội khổng lồ' này từ nhiều nguồn như Liên đoàn Công giáo và thậm chí từ cả các nguồn tin thế tục.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ tài khoản Twitter của CWR sẽ được khôi phục nếu không bị phản đối kịch liệt, Olson trả lời rằng: “Tôi sẽ phải nói là Không. Tôi phải nghĩ rằng, nếu không ai để ý đến nó và nếu chúng tôi không đề cập đến nó, thì tôi nghĩ rằng tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn vì đã không đồng ý xóa tweet mà Twitter cho là vi phạm.”
Olson cho biết ông không ngạc nhiên khi dòng tweet này ban đầu bị dán nhãn là “thù hận”, do khuynh hướng toàn trị của hệ tư tưởng chuyển giới, vốn coi bất kỳ sự bất đồng nào với hệ tư tưởng này về quan niệm tính dục thì đều là hình thức bạo lực. Ông cho biết quan điểm này có ảnh hưởng lớn đến các nhân viên của Big Tech - được ghi nhận là cấp tiến và phi tôn giáo hơn nhiều so với công chúng Mỹ.
Ông cho biết những gì CWR đã trải qua là một phần của mô hình gây hấn sau bầu cử, đã phổ biến hơn từ các nền tảng Big Tech chống lại những người có quan điểm đối lập.
Olson nói với Register: “Tôi nghĩ đó thực sự là một phần của những gì đang diễn ra. Đấy là cách thử nghiệm xem những người bị chặn hoặc bị cảnh báo sẽ phản hồi như thế nào.”
Mary Eberstadt - Chủ tịch Panula tại Trung tâm Thông tin Công giáo và một thành viên cấp cao tại Viện Đức tin và Lý trí - cũng đánh giá tương tự. Viết cho Newsweek, bà gợi ý với Tổng thống Biden rằng “cuộc bầu cử của ông đã khuyến khích các đồng minh tự do và tiến bộ của ông nhắm tới mục tiêu tẩy chay và trừng phạt một nhóm ‘sa đọa’ mới: những người Công giáo của ông.” Eberstadt kêu gọi Tổng thống “hãy nói với các đồng minh cấp tiến của ông và mọi người khác rằng: định kiến vẫn là định kiến - ngay cả khi nó nhắm vào những người không bỏ phiếu cho ông.”
Thiếu minh bạch
Không thể phủ nhận rằng, gần đây, nhiều tiếng nói Công giáo đã bị ‘bộ lọc nội dung' của Big Tech chặn lại. Nhưng các câu chuyện trên đây có nhất thiết xác định rằng: đang có khuynh hướng - ngấm ngầm được hệ thống hóa - nhằm chống lại người Công giáo và các quan điểm truyền thống khác - trong cách thức Big Tech kiểm duyệt nội dung với các thuật toán của họ - hay không?
Bovard - giám đốc chính sách cấp cao tại Viện Đối tác Bảo thủ - nói với Register: “Thật khó mà xác định được điều này, và đó chính là vấn đề cần được nêu ra. Bởi vì không có sự minh bạch, các điều khoản kiểm duyệt của Big Tech thì rất mơ hồ và không có chi tiết thực tế về cách thức hoạt động của các thuật toán do Big Tech thực hiện, nên chúng tôi đang phải ‘vò đầu bứt trán'!”
Bovard - cũng là cố vấn cấp cao cho Dự án Giải trình trên Internet - đã làm chứng về sự thiên vị của Big Tech trước Tiểu ban của Hạ viện Hoa Kỳ về Luật chống độc quyền, thương mại và hành chính vào tháng 10-2020. Bà nói: Sự thiếu minh bạch - trong việc Big Tech ra quyết định và thực hiện các thuật toán kiểm duyệt nội dung - khiến cho khó có thể kiểm chứng để buộc tội sự thiên vị của Big Tech.
Lời khai của Bovard cũng trích dẫn Mark MacCarthy - thành viên cấp cao tại Viện Luật Công nghệ và Chính sách Công tại Đại học Georgetown - là người đã gợi ý rằng: Big Tech có thể xóa tan những cáo buộc thiên vị bằng cách cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra các hoạt động nội bộ của họ liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung và thuật toán trên toàn hệ thống - một giải pháp gợi ý mà Bovard lưu ý rằng chưa có công ty nào theo đuổi.
Nói với tờ Register, Bovard cho rằng: Sự thiếu minh bạch là có chủ ý, cho phép những gã truyền thông xã hội khổng lồ tiến xa trong việc ra tay kiểm duyệt nội dung vi phạm các quan điểm chính trị của họ, núp đằng sau bức màn tiêu chuẩn cộng đồng mơ hồ. Một ví dụ nổi bật gần đây là việc chặn một bài báo trên tờ New York Post vào tháng 10 - cáo buộc rằng Biden có liên quan đến việc con trai Hunter của ông có các giao dịch kinh doanh với các công ty năng lượng nước ngoài. Tài khoản Twitter của bài đăng ban đầu đã bị khóa với lý do rằng câu chuyện này dựa trên thông tin thu được một cách bất hợp pháp - một tiêu chuẩn được áp dụng không nhất quán trên toàn bộ mạng xã hội này.
Một trường hợp nổi tiếng khác gần đây là lệnh cấm vĩnh viễn cựu Tổng thống Donald Trump khỏi Facebook và Twitter vì bị cáo buộc kích động bạo loạn diễn ra tại Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6-1-2021, một động thái mà những ‘gã công nghệ khổng lồ' này chưa hề thực hiện như thế với các nhà lãnh đạo ở bất kỳ một quốc gia nào khác, chẳng hạn đã không thực hiện điều đó với Ayatollah Ali Khamenei của Iran - người đã kêu gọi thực hiện bạo lực chống lại Israel.
Hậu quả và biện pháp khắc phục
Ngay cả khi không có quyền truy cập vào các hoạt động nội bộ của họ, Bovard cho biết có “nhiều bằng chứng” cho thấy các Big Tech đã có thiên lệch về quan điểm. Với mức độ kiểm soát mà các công ty này áp dụng đối với quyền truy cập thông tin và cuộc trò chuyện công khai, bà cho biết chế độ kiểm duyệt của Big Tech là mối đe dọa cho một xã hội tự do và cho cả những người có tôn giáo muốn làm chứng công khai về đức tin của mình. “Khi quan điểm của người khác bị loại bỏ, khả năng truyền giáo của chúng ta sẽ bị hạn chế;” - Bovard, một người Công giáo, nói.
Mặc dù các công ty như Facebook, Twitter và Google đều thuộc sở hữu tư nhân, Bovard cho rằng sự can thiệp của chính phủ là chính đáng vì hai lý do.
Một là, bà cho biết Mục 230 của Đạo luật về Truyền thông - một biện pháp cung cấp các dịch vụ mạng xã hội với quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với nội dung được đăng trên nền tảng của họ - “tương đương với sự trợ giúp”, khiến cho các công ty này “có đặc quyền là các tác nhân của Tu chính án đầu tiên”, trong khi các hãng phim, báo chí và các nhà xuất bản khác lại không thể được như thế mà không có hậu quả.
Quan trọng hơn, Bovard gợi ý, khả năng ảnh hưởng đến cuộc trò chuyện rộng lớn hơn của các công ty tư nhân này thể hiện mối quan tâm chính đáng của công chúng.
“Vì vậy, việc chính phủ cần vào cuộc và nói: ‘Không, Big Tech, bạn không được quyết định cách chúng tôi sống cùng nhau. Bạn không được quyết định về những thông tin chúng tôi truy cập.' - Đó là điều mà chúng ta [với tư cách là một xã hội] phải quyết định.” Bovard nói thêm rằng sự can thiệp của chính phủ trong một kịch bản như vậy là hoàn toàn phù hợp với cách hiểu truyền thống rằng chính phủ có vai trò hợp pháp, mặc dù hạn chế, trong việc bảo tồn xã hội tự do.
Về các biện pháp khắc phục, Bovard và những người Công giáo khác - như Rick Santorum, cựu Thượng nghị sĩ Pennsylvania - bày tỏ lo ngại về việc hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp bảo vệ Mục 230, cho thấy nó có thể trao cho một chính phủ - do những người tiến bộ kiểm soát - một quyền lực chưa từng có, để kiểm duyệt các bài phát biểu trên mạng xã hội.
Thay vào đó, bà khuyến nghị thực thi nhiều hơn luật chống độc quyền của liên bang, cấm sự độc quyền của các công ty ‘chuyên tìm cách nuốt chửng các công ty nhỏ hơn', một luật mà bà tin rằng cần áp dụng cho các Big Tech như Facebook và Twitter, đặc biệt khi gần đây họ đã xóa sổ công ty Parler khỏi thị trường.
Bovard nói: “Chúng ta đã không tha thứ cho những kẻ vi phạm pháp luật khác. Tại sao chúng ta lại tha thứ cho Big Tech? Họ đang vi phạm pháp luật.”
Việc thực thi luật chống độc quyền đối với Big Tech không nhất thiết có nghĩa là buộc phải chia tay các công ty này. Bovard cho biết chính phủ cũng có thể theo đuổi “biện pháp khắc phục hành vi”, điều này sẽ hạn chế khả năng của các Big Tech trong việc sử dụng nguồn tài chính khổng lồ của họ để hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Một ví dụ về hành vi như thế, đó chính là khả năng Google trả số tiền cắt cổ để tự biến mình trở thành công cụ tìm kiếm mặc định chính yếu trên điện thoại và trình duyệt web, đánh bật đối thủ một cách hiệu quả.
Các câu hỏi giám sát Big Tech dự kiến sẽ được đưa ra trước Quốc hội kỳ họp này, với sự ủng hộ đáng kể của lưỡng đảng đối với Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí. Một đề xuất khác, Đạo luật ‘thực thi luật chống độc quyền và cạnh tranh' năm 2021, sẽ đưa ra cải cách sâu rộng hơn đối với luật chống độc quyền của Hoa Kỳ.
Tham gia vào ‘Quảng trường công cộng'
Đối với một số người Công giáo, việc Big Tech leo thang kiểm duyệt cách tiềm tàng đối với các quan điểm tôn giáo truyền thống là không điều không đáng gây ngạc nhiên; nhưng đó cần phải là dấu hiệu cho thấy người Công giáo nên tìm kiếm các nền tảng khác để chia sẻ quan điểm của họ.
Một blogger của National Catholic Register là ông Matthew Archbold - cũng là blogger của Creative Minority Report.com - cho rằng: người Công giáo đã mắc sai lầm khi từ bỏ blog để chạy theo các mạng xã hội trong thập kỷ vừa qua. Những khó khăn gần đây với các mạng xã hội có thể là chất xúc tác cho sự trở lại với blog - mà ông cho rằng đây là một cách giao tiếp nhân văn hơn và ít bốc đồng hơn trên internet.
Archbold gần đây đã viết cho Register: “Tôi không nói rằng chúng ta nên đăng xuất hoàn toàn khỏi Facebook hoặc Twitter. Nhưng tôi nghĩ rằng viết blog về những suy nghĩ của bạn hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tế của bạn sẽ tốt hơn nhiều so với những hành động nóng vội. Một bài đăng trên blog có thể đi vào chiều sâu, trong khi một tweet thì rất hạn chế.”
Tuy nhiên Bovard nói rằng: Tất cả đều có thể trở thành “nơi trú ngụ” của các nhân chứng Kitô giáo và người Công giáo nên “công bố các chân lý Tin Mừng một cách thật tỏ tường và ở bất cứ nơi nào có thể được.”
“Là những người có đức tin, chúng ta cũng có quyền đến các ‘quảng trường công cộng' như những người khác,” bà nói. “Và ở Mỹ, quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới được thành lập dựa trên chủ nghĩa đa nguyên, chúng ta cần đấu tranh cho sự tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.”
Về phần mình, nhà báo Olson của tờ ‘Phóng sự Thế giới Công giáo' đã thực hiện cách tiếp cận ở mọi nơi. Mặc dù có một số người Công giáo cảm thấy mình được kêu gọi tham gia vào mạng xã hội với tư cách là một tông đồ, nhưng Olson cho rằng: đây không nhất thiết là một yêu cầu cho tất cả mọi người. Ngoài ra, ông kêu gọi những người Công giáo nào cảm thấy được kêu gọi tham gia vào các mạng xã hội: hãy xem xét cái giá tiềm ẩn phải trả về mặt tinh thần - chứ không chỉ về mặt chính trị và xã hội - và gợi ý rằng những người khác nên khám phá “những cách sáng tạo cho những công việc của riêng mình.”
Bà Jetty - chủ nhân của cửa hàng trực tuyến Saintly Heart - đã cho thấy sự trớ trêu của những ‘gã truyền thông xã hội khổng lồ' khi họ ‘hạ bệ' các vị thánh bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận kinh doanh của bà ấy, vì mạng xã hội có xu hướng quảng bá tất cả các lối sống thế tục mà không hề hạn chế. Bà cho biết, bà mong muốn cung cấp mẫu gương hấp dẫn cho những người trẻ ngày nay - đây là lý do chính khiến bà xây dựng cửa hàng Saintly Heart. Và vì vậy, bà sẽ tiếp tục tiếp thị trên Facebook và Instagram, trong phạm vi có thể.
Bà nói: “Trẻ nhỏ của chúng ta cần những gương mẫu tốt. Các em cần tìm hiểu về đức tin ngay khi còn bé; các em đang học rất nhiều về cuộc sống trên mạng xã hội mà đó lại không phải là nơi tuyệt vời cho các em”.
Vi Hữu
Lược dịch từ: ncregister.com (19.2.2021)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ