Skip to content
Top banner

Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội 2009: Phỏng vấn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Xã hội

THTT-01
2023-01-08 08:20 UTC+7 273

WHĐ – Nhân Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội 2009, để giúp độc giả hiểu thêm về vai trò của Truyền thông Xã hội trong việc rao giảng Tin Mừng của Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay, website HĐGMVN đã gửi đến Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Xã hội một vài câu hỏi gợi ý. Sau đây là những câu trả lời của Đức cha.


CÂU HỎI 1: Xin Đức Cha cho biết sơ qua về lịch sử Ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã hội, chủ đề và nội dung chính của Sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền Thông năm nay.


TRẢ LỜI: Với Giáo hội toàn cầu và thế giới, Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội đã có từ 43 năm nay, nhưng riêng với Giáo hội Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta nghe nói đến Ngày Quốc Tế Truyền thông Xã hội tại Việt Nam. Thật vậy, trong phiên họp thường niên lần 1 năm 2009, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới có quyết định thành lập Ngày Truyền thông Xã hội Công giáo Việt Nam, cử hành vào ngày Chúa nhật lễ Chúa Lên Trời 24/5/2009. Do thời gian quá eo hẹp, Ban Truyển Thông không kịp họp để chuẩn bị cho ngày mừng quan trọng này. Ngày Quốc tế Truyền thông năm tới 2010, Ban Truyền thông sẽ chính thức mừng.


Tôi xin cám ơn Ban Biên tập trang WHĐ đã có những câu hỏi trực tiếp liên quan đến Ngày Quốc Tế Truyền Thông, nhờ đó tôi được làm một công đôi việc vừa trả lời các câu hỏi của Ban Biên tập WHĐ, vừa có dịp phổ biến những gì cần thiết liên quan đến nhiệm vụ Truyền thông.


Với lý do này các câu trả lời của tôi hơi bị dài, xin Ban Biên tập và quý độc giả vui lòng cảm thông. Sau đây tôi xin lược tóm ý nghĩa và sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội trong 43 năm qua!


1. Ý nghĩa Ngày Truyền Thông Xã hội


Qua văn kiện về Truyền thông Xã hội Inter Mirifica (số 18), Công đồng Vaticanô II đã thiết lập ‘Ngày Thế Giới Truyền Thông’. Trong văn kiện này, các Nghị phụ Công đồng nói: “Để việc tông đồ dưới nhiều hình thức của Hội Thánh được hiệu quả hơn trong lãnh vực truyền thông xã hội, mỗi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của giám mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ để nhắc nhở các tín hữu về bổn phận của họ trong lãnh vực này. Phải xin họ cầu nguyện cho sự thành công của hoạt động tông đồ của Hội Thánh trong lãnh vực này và đóng góp cho mục đích này, các đóng góp của họ phải được sử dụng một cách nghiêm túc để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các dự án mà Hội Thánh đã khởi xướng vì nhu cầu của toàn thể Hội Thánh.”


Ngày Truyền Thông Xã hội lần đầu tiên được cử hành vào ngày 6 tháng 5, 1968 và kể từ đó nó đã trở thành một sự kiện thường kỳ. Mỗi năm, Toà Thánh đưa ra một chủ đề và Đức Giáo Hoàng công bố một thông điệp đặc biệt cho dịp này, thường được đề ngày 24 tháng 1, lễ Thánh Phanxicô Salê, bổn mạng của các nhà báo Công Giáo.


Hội đồng Giáo hoàng (về Truyền thông) hỗ trợ cho thông điệp này của Giáo Hoàng bằng các bản văn phụng vụ, các bài suy tư và các lời cầu nguyện cho dịp này. Ngày được toàn thế giới công nhận là ngày Chúa Nhật giữa lễ Lên Trời và lễ Hiện Xuống, nhưng mỗi HĐGM hay thậm chí mỗi giáo phận cũng có thể tuỳ nghi chọn ngày riêng cho mình.


Ngày Thế giới Truyền thông là một dịp đặc biệt cho việc Truyền thông mục vụ: Nó cống hiến cơ hội cho các tín hữu hiểu biết về tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong sứ mạng và trong hoạt động của Hội Thánh, và kêu gọi họ cầu nguyện cũng như nâng đỡ bằng tinh thần và tài chánh cho việc tông đồ truyền thông.


Nó cống hiến cho Hội Thánh một cơ hội để đánh giá cao và cảm ơn các chuyên gia truyền thông vì việc phục vụ của họ cho cộng đồng. Tại một số nơi, giám mục hay cá nhân các linh mục mời các người truyền thông đến để cám ơn họ và cùng nhau mừng lễ. Những nơi khác sử dụng dịp này để tung ra các dự án mới hay mời gọi dân chúng đóng góp các ý tưởng và gợi ý các đề xuất về truyền thông. Tại một số quốc gia, người ta làm và phân phát các áp phích tuyên truyền; người ta cũng mở các cuộc triển lãm để làm nổi bật mối quan tâm của chủ đề năm ấy. Các cuộc hội thảo và các khoá đào tạo đặc biệt cũng có thể được tổ chức để sử dụng dịp này vào việc đào tạo hay phát hiện các tài năng cho công việc truyền thông của Hội Thánh trong một giáo phận hay một quốc gia.


2. Các Thông điệp Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội


Trong thông điệp cho năm 1992 (Chủ đề: “Rao giảng thông điệp của Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông”), ĐGH Gioan Phaolô II đã mô tả mục đích của ngày này như sau:


“Vào ngày này, chúng ta cử hành lễ mừng những phúc lành của khả năng nói, nghe và nhìn, giúp chúng ta ra khỏi tình trạng cô độc và cô đơn để trao đổi với những người sống xung quanh chúng ta các tư tưởng và tình cảm phát sinh trong lòng mình. Chúng ta mừng hồng ân viết và đọc, chúng truyền lại cho chúng ta sự khôn ngoan của tiền nhân, để rồi các kinh nghiệm và suy tư của chính chúng ta lại được lưu truyền cho các thế hệ sau. Rồi, nếu chúng ta ít để ý đến những điều kỳ diệu này, thì chúng ta cũng phải nhìn nhận những điều kỳ diệu còn lạ lùng hơn nữa: ‘những điều kỳ diệu của kỹ thuật mà Thiên Chúa đã định cho thiên tài của loài người khám phá ra’ (IM số 1), những phát minh đã tăng lên vô số trong thời đại chúng ta và đã khuếch đại tiếng nói của chúng ta khiến cho cùng một lúc nó có thể lọt vào tai của những đám đông không thể nào đếm nổi.


Các phương tiện truyền thông - chúng ta không loại trừ một phương tiện nào trong lễ mừng này - là tấm vé vào cửa của mọi người, nam cũng như nữ, để đi vào thị trường đương đại nơi các tư tưởng được nói lên một cách công khai, nơi các ý tưởng được trao đổi, các tin tức được lưu chuyển, và thông tin đủ loại được phát đi và tiếp nhận (xem Redemptoris Missio số 37). Chúng ta ngợi khen Cha trên Trời vì tất cả những hồng ân này, vì ‘mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo’ (Gc 1,17) đều đến từ Người.”


Các chủ đề và các thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông kể từ năm 1968 đã tạo thành một kho tàng phong phú về các suy nghĩ và các mối quan tâm của Hội Thánh đối với truyền thông xã hội. Một số chủ đề có tác động đặc biệt đối với hoạt động truyền thông mục vụ, như khi chúng liên quan đến gia đình (1969, 1979, 1980, 1991, 1994, 2004), trẻ em (1979) và giới trẻ (1979, 1985), phụ nữ (1996), và người già (1982), cổ võ công lý và hoà bình (1983, 1987, 1988, 2003), và hoà giải (1975); máy tính và Internet (1990, 2002), và rao giảng Tin Mừng (1974, 1992, 2002).



CÂU HỎI 2: Xin Đức Cha cho biết các phương tiện Truyền thông xã hội ngày nay có vai trò nào trong việc loan báo Tin Mừng Cứu độ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay.


TRẢ LỜI: Nói đến “ sự cần thiết của các phương tiện Truyền thông trong việc loan báo Tin mừng ”, mà chưa thống nhất với nhau về nguồn gốc, bản chất, nội dung của Truyền thông có liên hệ mật thiết đến Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì thật là khó khăn và có thể gây sốc, ngạc nhiên, bỡ ngỡ cho nhiều người! Vì cho tới nay, nhiều người, kể cả một số đông các linh mục, tu sĩ, hình như chưa nghe nói có môn Thần học Truyền thông? Thật sự có môn thần học Truyền thông không? Tại sao Truyền thông lại có liên hệ mật thiết với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đến thế?


Thật vậy, nhiều người vẫn chưa xác tín Truyền thông là một thành phần trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.


Xin tóm tắt về thần học Truyền thông như sau: Chúa Cha là Người khởi đầu sự truyền thông, là nguồn của mọi Truyền thông, Chúa Cha tự thông truyền, tự tỏ lộ, tự mạc khải chính mình bằng nhiều kiểu, nhiều cách, qua tạo dựng vũ trụ, qua các tạo vật, qua lịch sử con người... và cuối cùng là qua Con của Người.


Chúa Con là Đấng truyền thông của Chúa Cha, là trung gian, là đỉnh cao của truyền thông Thiên Chúa Cha, ‘Mọi sự của con là của Cha, và mọi sự của Cha là của con’ (Ga 17,10). “Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, mặc khải cho chúng ta thấy đời sống thần linh là một sự truyền thông, chia sẻ. Việc Đức Giêsu chia sẻ chính mình và mọi sự thật phát xuất từ sự chia sẻ hoàn toàn giữa Cha và Con trong Thánh Thần.


Chúa Thánh thần là Đấng giải mã sứ điệp truyền thông của Chúa Cha. Thánh Thần là chia sẻ, là truyền thông. “Khi Thần Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại...” (Ga 16,13-15).


Trả lời cho câu hỏi các phương tiện Truyền thông xã hội ngày nay có vai trò nào trong việc loan báo Tin Mừng Cứu độ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay, giả thiết chúng ta đã phải xác tín những giáo lý căn bản về thần học Truyền thông nói trên, rồi từ đó ta mới đồng tình với Công đồng Vatican II khi công đồng yêu cầu phải tận dụng tất cả mọi phương tiện tân kỳ hiện đại nhất cho việc loan báo Tin Mừng Chúa.


Chính vì thế, Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt dành cho Châu Á họp tại Roma từ 19 tháng 4 đến 14 tháng 5, 1998, đã nói rằng “các phương tiện truyền thông xứng đáng được gọi là Areopagus, “Nghị Trường” của thời đại hôm nay; chính ở đây cũng như trong các lãnh vực khác, Hội Thánh có thể đóng một vai trò tiên tri và khi cần có thể trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói.” Các loại phương tiện truyền thông gồm có:


1. Các phương tiện Truyền thông “ truyền thống”


+ Truyền thông giữa người với người


- Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975), ĐGH Phaolô VI nhắc nhở các người rao giảng Tin Mừng “đừng quên hình thức rao giảng người-cho-người này, nhờ đó lương tâm thâm sâu của một cá nhân được chạm tới bởi một thế giới hoàn toàn độc đáo mà họ nhận được từ một người khác...” Chính Chúa đã sử dụng các cách thức truyền thông như thế, ví dụ như với ông Nicôđêmô, ông Dakêu, người phụ nữ Samaria, và ông Simon người Biệt Phái (EN số 46).


- Phương tiện truyền thông trước hết và trên hết trong việc mục vụ là quan hệ người với người: người ta tìm kiếm nhau và trao đổi cho nhau mọi nhu cầu và tình cảm. Sự truyền thông này chỉ bao gồm những con người và khả năng chia sẻ với nhau. Ngay cả trong thời đại truyền thông đại chúng hay đa phương tiện ngày nay, lối truyền thông này vẫn là cơ bản và hiệu quả nhất.


+ Truyền thông “truyền thống”


- Các phương tiện truyền thông “truyền thống” tồn tại trong mọi nền văn hoá như kể truyện, ca múa, kịch nghệ, và những dòng truyền thông trong cơ cấu xã hội như giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò. Một người truyền thông giỏi biết cách vươn ra hay tương quan với những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau và thậm chí các nền văn hoá khác nhau.


- Trong Công vụ Tông đồ ta thấy thời ấy không có các phương tiện đại chúng hay các kỹ thuật đặc biệt nào cho việc truyền thông. Chính các lời nói bằng miệng, các rao giảng và dạy dỗ và đặc biệt các chứng tá của đời sống cá nhân và cộng đoàn là những cái thuyết phục được người ta và đưa họ đến với đức tin. Đồng thời mọi Kitô hữu tự nhận thấy nhu cầu truyền thông truyền giáo khi họ đi đến bất cứ đâu. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, đức tin Kitô đã từ Israel lan tới toàn vùng Địa Trung Hải cho tới Rôma và tới tận Tây Ban Nha.


- Các phương tiện truyền thông được dùng cho việc này chỉ là truyền thông từ người đến người và từ cộng đoàn tới cộng đoàn qua những chứng tá cá nhân, các thư từ và truyện kể.


+ Các phương pháp của Tông huấn Mục vụ Evangelii Nuntiandi (1975, các số 40-48): Tông huấn đã nhắc tới đến bảy phương pháp có liên quan tới cách thức truyền thông, nhưng hầu hết không nhắc đến một phương tiện kỹ thuật nào ngoài một ít sách hay tài liệu giảng dạy. Các phương pháp này dựa trên sự chia sẻ người với người của các cá nhân hay các nhóm như trong các cuộc cử hành phụng vụ.


- Truyền thông bằng dạy giáo lý, giảng, chứng tá và truyền thông người với người thường không cần những dụng cụ hay kỹ thuật đặc biệt nào để truyền thông.


- Phương pháp cơ bản: Ecclesia in Asia (số 20) đưa ra một hướng cơ bản khi nói rằng “sứ vụ của chính Đức Giêsu cho thấy rõ giá trị của sự tiếp xúc cá nhân, nó đòi người rao giảng Tin Mừng phải lưu tâm tới hoàn cảnh của người nghe để có thể cống hiến những lời rao giảng phù hợp với mức độ trưởng thành của người nghe, với một hình thức và một ngôn ngữ thích hợp. Dưới góc nhìn này, các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhiều lần nhấn mạnh nhu cầu phải rao giảng thế nào để lôi cuốn được sự nhạy cảm của các dân tộc Châu Á...”


- Lòng đạo đức bình dân là phương tiện truyền giáo được liệt kê cuối cùng trong Evangelii Nuntiandi. Lòng đạo đức này được xây dựng rất nhiều trên các phương tiện truyền thống như chia sẻ nhóm, hành hương, ca hát, diễn kịch, hoạt cảnh, ca múa hay các phương tiện tương tự để diễn tả “một khát vọng về Thiên Chúa mà chỉ những con người đơn sơ nghèo khổ mới có thể cảm nghiệm. Nó làm cho người ta trở nên quảng đại và có thể hi sinh tới mức anh hùng khi cần phải biểu lộ niềm tin” (Số 48).


- Đây cũng là một trường hợp điển hình cho thấy rằng trong mọi việc truyền thông giữa con người với nhau, các yếu tố cơ bản như lắng nghe, hiểu biết và kính trọng lẫn nhau, và cả sự quan tâm lẫn nhau phải được bộc lộ như thế nào.


- Một sự truyền thông nhân bản trong đó người ta cảm thấy mình được thấu hiểu và được chấp nhận cũng là một cách diễn tả sự truyền thông truyền giáo vì nó phản ánh thái độ nhân bản của Đức Kitô đối với dân chúng, đặc biệt những người nghèo khổ.


- Về cách truyền thông này, các giám mục Châu Á khuyến khích phương pháp kể truyện: “Nên chọn phương pháp kể truyện vì chúng gần gũi với các hình thức văn hoá của Châu Á. Thực vậy, việc rao giảng về Đức Giêsu Kitô có thể được thực hiện một cách hiệu quả nhất nhờ kể truyện về Người, như các sách Tin Mừng đã làm. Các khái niệm siêu hình liên hệ... có thể được bổ sung bằng các bối cảnh có tính quan hệ, lịch sử và vũ trụ hơn” (Ecclesia in Asia số 20).


- Các hình thức và phương pháp khác được dùng trong việc giáo dục không chính qui cũng có giá trị cho việc truyền thông truyền giáo. Chẳng hạn, các câu truyện và các tiêu chuẩn khác nhau để sử dụng chúng có thể rất hữu ích. Kịch nghệ và trò chơi cũng có thể dẫn đến một sự hiểu biết sâu hơn về thông điệp Kitô giáo. Các phương tiện truyền thông truyền thống lâu đời như ca múa, kịch, hành hương và hình ảnh, có thể gọi là ‘truyền thông nhóm,’ là một phần có liên quan và cốt yếu của mọi việc truyền thông truyền giáo.


2. Các phương tiện Truyền thông đại chúng


+ Tông huấn Mục vụ Ecclesia in Africa (1995, số 124)


- ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta thêm rằng “các phương tiện đại chúng hiện đại không chỉ là các dụng cụ truyền thông mà cũng là một thế giới phải được Tin Mừng hóa. Về phương diện thông điệp chúng truyền đi, cần phải bảo đảm rằng chúng truyền bá cái tốt, cái thật và cái đẹp.”


- Ở chỗ này Đức Giáo Hoàng cũng diễn tả sự “quan tâm sâu xa đến nội dung luân lý của rất nhiều chương trình mà các phương tiện truyền thông đang đổ vào Châu Phi. Cách riêng tôi khuyến cáo chống lại những cảnh khiêu dâm và bạo lực đang tràn ngập các nước nghèo này...


- Mọi người Kitô hữu đều phải lo sao để các phương tiện truyền thông là một kênh truyền tải tinh thần Tin Mừng. Nhưng các Kitô hữu là chuyên gia trong lãnh vực này phải đóng một vai trò đặc biệt. Họ có nhiệm vụ bảo đảm rằng các nguyên tắc Kitô giáo phải ảnh hưởng tới việc hành nghề của họ, kể cả trong khâu kỹ thuật và quản lý.”


+ Truyền thông bằng ‘sách báo’ phục vụ Truyền giáo


- Sách có một tầm quan trọng đặc biệt cho việc truyền thông truyền giáo. Trong các Thông điệp ban đầu về Truyền giáo, các ĐGH chủ yếu khuyến khích việc sử dụng sách báo cho việc truyền thông truyền giáo, bởi vì “ai cũng biết rằng báo chí có thể được dùng một cách hiệu quả như thế nào để trình bày sự thật và nhân đức trong chính ánh sáng của chúng và nhờ đó tạo ấn tượng trên tâm trí con người, hay để phơi bày các lý luận sai lạc được nguỵ trang dưới cái vỏ sự thật, hay để bác bỏ một số ý kiến sai lầm nghịch với tôn giáo hay gây thiệt hại lớn về thiêng liêng bằng cách trình bày một cách xuyên tạc các vấn đề gai góc của xã hội.” (Piô XII, Evangelii Praecones, 1951).


- Trung Tâm Thông Tin và Tìm Hiểu:


Tại đây, người ta có thể tìm hiểu về Kinh Thánh, đức tin và đời sống Kitô giáo và thậm chí cũng có thể tham dự các khoá học chuyên môn với sự hỗ trợ của các ấn phẩm. Các trung tâm này thường quảng cáo trên các nhật báo và cả ở những nơi công cộng khác. Chúng sử dụng các áp phích, tờ rơi và các vật liệu thông tin khác để làm cho đức tin Kitô giáo được biết đến và hiểu rõ hơn.


- Các tạp chí chuyên về truyền thông truyền giáo trực tiếp viết cho những người không thuộc về Hội Thánh còn khá hiếm. Chúng có thể gồm các câu truyện mang tính chất Kitô giáo, hay trong tinh thần tiền-rao giảng Tin Mừng, kể lại các sự kiện và nhân vật biểu thị các giá trị, đời sống và niềm tin Kitô giáo.


+ Truyền thông bằng ‘phát sóng: Rađiô và TV’ phục vụ Truyền giáo


- ĐGH Gioan XXIII trong Thông điệp Princeps Pastorum (1959) về Truyền giáo đã mở rộng các lời khuyến khích của các Giáo hoàng tiền nhiệm về việc sử dụng báo chí trong truyền thông truyền giáo bằng cách thêm vào cả việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử: “Phải sử dụng tới mức đầy đủ nhất các phát minh khoa học mới nhất cho việc truyền thông và phát sóng về chân lý.”


- Việc phát sóng trên rađiô và TV có thể được dùng để giảng và trình bày Tin Mừng như được làm bởi nhiều nhóm và nhà giảng thuyết thuộc phái Tin Lành.


Ở đâu được phép có những đài phát sóng tư nhân, các đài này có thể đi vào loại truyền thông này.


- Phát sóng trên truyền thanh và truyền hình có lợi thế đặc biệt là thường hiệu quả hơn trong tiến trình tiền-rao giảng Tin Mừng. Thực ra chúng không phải là rao giảng trực tiếp mà là giúp người ta hiểu và quí chuộng cuộc đời họ trong ánh sáng các giá trị nhân bản và Kitô giáo. Nhờ vậy người ta trở nên mở lòng ra với Kitô giáo hơn và đi theo Đức Kitô bằng con đường riêng của họ.


+ Truyền thông bằng ‘Truyền hình’ phục vụ truyền giáo


- Tại hầu hết các nước Châu Á, ngoại trừ nước Philippines mà phần đa dân số là người Công Giáo, thì việc đưa các chương trình thuần tuý Kitô giáo lên màn hình TV quả là rất khó, trừ một vài dịp đặc biệt như các lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Tại các nước ấy, có lẽ phương thức “thuyết phục gián tiếp” có nhiều cơ may thành công hơn nhưng cũng không dễ thực hiện.


- Vai trò chính của truyền hình trong việc truyền thông truyền giáo thực sự là ở giai đoạn tiền-rao giảng Tin Mừng: chuẩn bị một bầu khí và mảnh đất để đức tin Kitô giáo được dung nạp và có thể được chấp nhận một cách tích cực như một đối tác.


- Về phương diện này, một tường thuật về các nhân cách lỗi lạc như Mẹ Têrêsa Calcutta hay ĐGH Gioan Phaolô II sẽ có tác dụng rất lớn. Một tường thuật về các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đôi khi tạo được một ảnh hưởng vượt quá một khu vực riêng nào, và trở thành biểu tượng cho khát vọng hoà bình và hiệp nhất của thế giới nếu chẳng hạn ngài đi thăm một đền thờ Hồi Giáo hay các lãnh thổ của Paléttin tại Israel.


+ Truyền thông bằng ‘Phim ảnh’ phục vụ Truyền giáo


- ĐGH Piô XII đã viết trong Thông điệp Miranda Prorsus từ năm 1957 (số 74) vẫn còn giá trị hôm nay cho việc truyền thông truyền giáo: “Điện ảnh... ngày nay phải được kể trong số những phương tiện quan trọng nhất nhờ đó các ý tưởng và khám phá của thời đại chúng ta được biết đến.”


- Khi bình luận về 100 năm Điện Ảnh, ĐGH Gioan Phaolô II trong Thông điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 1995 đã nhắc nhở chúng ta: “Với khả năng to lớn của nó, điện ảnh có thể trở thành một phương tiện mạnh mẽ cho việc rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh thúc đẩy các nhà sản xuất, các đạo diễn và mọi người có liên quan, những người tự nhận mình là Kitô hữu và hoạt động trong thế giới phức tạp và độc đáo này của điện ảnh, hãy hành động một cách nhất quán với Đức Tin của mình và có những sáng kiến can đảm... để nhờ hoạt động chuyên nghiệp của họ, thông điệp Kitô giáo với nội dung là Tin Mừng cứu độ cho mọi người có thể hiện diện nhiều hơn trên thế giới.”


- ĐGH nhìn thấy tiềm năng truyền giáo của Điện Ảnh đặc biệt trong mối tương quan giữa phim ảnh và văn hoá. Trong một cuộc tiếp tân ngày 25 tháng 11, 1999 dành cho các nhà sản xuất phim, ngài nói: “Tôi cũng tin tưởng rằng các phim quí vị sản xuất sẽ là một trợ cụ hiệu quả trong cuộc đối thoại cần thiết đang diễn ra giữa văn hoá và đức tin trong thời đại chúng ta. Trong thế giới điện ảnh và truyền hình, nơi đồng qui của lịch sử, nghệ thuật và ngôn ngữ biểu cảm, hoạt động của quí vị trong tư cách là các nhà chuyên môn và là tín hữu, đang tỏ ra đặc biệt cần thiết. Tự chính bản chất của nó, văn hoá là truyền thông: truyền thông của các cá nhân với nhau và của con người với môi trường sống của họ.


+ Truyền thông bằng ‘Video ‘ phục vụ Truyền giáo


- Video mở ra những khả năng mới nhưng cũng đặt ra những thách thức cho việc truyền thông mục vụ của Hội Thánh. Với khả năng ‘chuyển đổi thời gian’ (xem Eilers 2002, tr. 169t.), các sự kiện tôn giáo và các chương trình mang tính mục vụ có thể được xem không chỉ vào thời gian thực tế nhưng cả vào những thời gian thuận tiện đối với người xem. Bằng cách này các sự kiện tôn giáo và các chương trình có giá trị mục vụ có thể được chiếu vào những dịp khác nhau cho các cá nhân và các nhóm tuỳ theo nhu cầu hay sở thích của họ.


- Video còn cống hiến các cơ hội đặc biệt để sử dụng trong mục vụ như huấn giáo, giảng dạy tôn giáo và sinh động hoá, để làm sáng tỏ một mối quan tâm hay để cung cấp đề tài suy tư. Các chương trình về cầu nguyện và linh đạo, về các địa danh và các thông điệp của Kinh Thánh, về đời sống Kitô giáo hay cuộc đời các Thánh có thể giúp minh hoạ các giáo huấn của Hội Thánh nhưng đặc biệt có thể sinh động hoá việc truyền thông nhóm và xử lý các kinh nghiệm chung. Tình trạng ngày càng có nhiều thiết bị video và chương trình video cống hiến cho các người hoạt động mục vụ thêm nhiều cơ hội để phục vụ con người.


- Với các chương trình hết sức đa dạng được cống hiến cho công chúng, các hoạt động truyền thông mục vụ cũng có nghĩa vụ đạo đức và sáng tạo trong việc cổ xuý và giới thiệu các chương trình tốt có thể làm cho kinh nghiệm đời sống của con người thêm phong phú và sâu xa hơn. Có thể soạn một sách hướng dẫn để giúp việc chọn lựa phim dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và nghệ thuật. Nhiều phim truyện hiện hữu đã có những thẩm định trước đây của các cơ quan Hội Thánh như các văn phòng quốc gia về điện ảnh. Một “Sách hướng dẫn phim Video” dựa trên các thẩm định này và được phổ cập tới mọi người sẽ rất hữu ích, đặc biệt đối với các bậc cha mẹ và nhà giáo. Chúng cũng có thể giúp mở ra những con đường mới trong việc khám phá các khía cạnh Kitô giáo kín ẩn trong các phim có vẻ là thế tục.


- Tình trạng các chương trình phim video khiêu dâm tràn lan trên thị trường cho cá nhân sử dụng đặt ra một thách thức mục vụ đặc biệt. Nó không chỉ đòi hỏi một sự đánh giá luân lý mà còn đòi hỏi một sự giáo dục về phương tiện truyền thông để giúp đặc biệt giới trẻ có một quan điểm phê phán và trưởng thành đối với phim ảnh và video (xem Eilers 2002: Tiêu chuẩn về Phim và TV của Hồng y Mahony, tr. 181-189; 1999, tr. 362-381). Truyền thông Mục vụ phải giúp thay đổi “não trạng dâm đãng” của con người thành một ý thức về phẩm giá đối với giới tính và hành vi tính dục trong hôn nhân.


- Ngày nay các kỹ thuật video có thể được mọi người sử dụng dễ dàng, điều này cống hiến thêm những khả năng cho công việc mục vụ. Không chỉ có các bài giảng mẫu được ghi đĩa và xem lại trong các lớp thuyết giảng ở chủng viện; các hoạt động mục vụ cũng có thể được ghi đĩa, biên tập và sử dụng. Đặc biệt có thể hướng dẫn giới trẻ điều khiển các thiết bị video để thực hiện việc quay phim thực tế và bằng cách này trở nên tích cực hơn trong lãnh vực truyền thông bằng hình ảnh.


3. Các phương tiện Truyền thông bằng ‘công nghệ hiện đại ’


- Trong văn kiện Gaudium et Spes về Hội Thánh trong Thế Giới Hôm Nay, các Nghị phụ Công Đồng viết rằng tiến bộ kỹ thuật đã đang “biến đổi bộ mặt trái đất” và đang vươn tới chinh phục không gian (GS số 5).


- Theo hướng này, thông điệp cho Ngày Thế Giới Hoà Bình năm 1990 của ĐGH Gioan Phaolô II về ‘thông điệp Kitô giáo trong một văn hoá máy tính’ quả quyết rằng các Nghị phụ Công Đồng đã “nhìn nhận rằng các phát triển về công nghệ truyền thông sẽ tạo ra những phản ứng dây chuyền với những hậu quả không thể lường trước được.”


- Nhưng cũng theo tinh thần này của Gaudium et Spes, “dân Thiên Chúa (phải) sử dụng với óc sáng kiến các khám phá và các kỹ thuật mới vì lợi ích nhân loại và sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa đối với thế giới.”


- Trong lãnh vực này, “Hội Thánh được cống hiến thêm phương tiện hoàn thành sứ mạng của mình.” Ngoài việc gia tăng sự truyền thông đối nội (ad intra), Hội Thánh với sự giúp đỡ của các công nghệ mới cũng có thể “sẵn sàng hơn để loan báo cho thế giới biết các niềm tin của mình và cắt nghĩa các lý do cho lập trường của mình đối với mọi vấn đề và sự kiện liên quan.”


- Vaticanô II (GS số 58) nói rằng: “Thiên Chúa đã nói với loài người tuỳ theo nền văn hoá riêng của mỗi thời đại. Cũng vậy, Hội Thánh trong dòng lịch sử đã tồn tại giữa các hoàn cảnh khác nhau, đã sử dụng các nguồn lực của các nền văn hoá khác nhau trong việc rao giảng của mình để truyền bá và cắt nghĩa thông điệp của Đức Kitô.”


- ĐGH Gioan Phaolô II đã hiểu theo tinh thần này khi ngài vạch ra chức năng truyền giáo của Internet trong cuộc gặp gỡ các giám đốc của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo của Hoa Kỳ ngày 23 tháng 2, 2003. Ngài nói: “Sự phát triển của Internet những năm gần đây cống hiến một cơ hội chưa từng có để mở rộng cánh đồng truyền giáo của Hội Thánh, vì nó đã trở thành một nguồn thông tin và truyền thông hàng đầu cho biết bao con người thời đại chúng ta, đặc biệt là giới trẻ.”


+ Truyền thông trên ‘Mạng’


- Trong thông điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2002 về “Internet: Một Diễn Đàn Mới cho việc Rao giảng Tin Mừng”, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói chi tiết hơn về việc phải sử dụng Internet thế nào cho việc truyền thông truyền giáo.


- Qua Internet, Hội Thánh không chỉ tham gia cuộc đối thoại của xã hội giống như người ta ngồi nói chuyện ở nơi họp chợ (Forum, Aeropagus) của thế giới. Nhờ Internet mà các thông tin và suy tư về đức tin Kitô giáo cũng được truyền đạt.


- Internet có thể kích thích sự quan tâm “và làm cho cuộc gặp gỡ đầu tiên với thông điệp Kitô giáo có thể thực hiện được.” Điều quan trọng là phải duy trì và phát triển mối quan tâm này, đặc biệt giữa giới trẻ. Tuy nhiên, ta phải ý thức rằng cuối cùng người ta cũng sẽ phải bỏ thế giới ảo để vào thế giới thật của cộng đoàn Kitô giáo.


- Một khả năng nữa trong việc sử dụng Internet cho việc truyền giáo là cung cấp sự giúp đỡ tiếp theo sau cuộc gặp gỡ ban đầu. Các chương trình Internet có thể giúp đào sâu đức tin và nhận thức. Chúng có thể được dùng cho việc giảng dạy giáo lý ban đầu và thường xuyên, và cũng được dùng để chia sẻ kinh nghiệm đức tin, trả lời các câu hỏi và cung cấp một bối cảnh tốt hơn cho các cuộc gặp gỡ ban đầu và các kinh nghiệm đức tin.


- Nhưng việc sử dụng Internet trong truyền thông truyền giáo cũng có một số hạn chế. Trong một nền văn hoá sống dựa trên cái phù du, người ta dễ rơi vào nguy cơ tin rằng cái quan trọng là các sự kiện chứ không phải các giá trị.


- Internet cung cấp những sự hiểu biết hết sức rộng rãi, nhưng không dạy các giá trị; và khi các giá trị bị coi thường, thì chính nhân tính của chúng ta cũng bị hạ thấp và người ta dễ đánh mất phẩm giá siêu việt của mình. Bất chấp những tiềm năng to lớn của nó cho sự thiện, ai ai cũng đã thấy rõ ràng một số cách thức đê hèn và bần tiện mà việc sử dụng Internet gây ra...”


- Các chương trình được thiết kế đặc biệt cho truyền thông truyền giáo trên Internet có thể là hình thức cung cấp thông tin đơn giản qua các website (vd., www.vatican.va), nhưng cũng có cả các dịch vụ tư vấn, các thắc mắc và trả lời; chúng có thể là các ‘phòng-chat’ hay các hình thức đối thoại khác để trao đổi kinh nghiệm và ý kiến.


- Có thể có các chương trình huấn luyện và đào tạo qua Net cho các cuộc tiếp xúc đầu tiên và cả cho việc đào sâu hiểu biết và xác tín. Các chương trình Internet có thể sinh động hoá và khuyến khích thêm nhiều cuộc tiếp xúc và kinh nghiệm đức tin sâu hơn.


- “Nhờ Internet người ta có thể gia tăng các mối tiếp xúc bằng các cách xưa nay chưa từng được nghĩ tới, sự kiện này mở ra những tiềm năng tuyệt vời cho việc loan báo Tin Mừng.


- Nhưng cũng đúng là các mối quan hệ được thiết lập bằng các phương tiện điện tử không bao giờ có thể thay thế cho sự tiếp xúc cá nhân trực tiếp mà việc loan báo Tin Mừng đích thực đòi hỏi. Vì rao giảng Tin Mừng luôn luôn lệ thuộc vào chứng tá bản thân của người được sai đi rao giảng (xem Rm 10,14-15). Làm thế nào để từ những mối tiếp xúc được cung cấp bởi Internet, Hội Thánh dẫn đến sự truyền thông sâu hơn do việc loan báo của Kitô giáo đòi hỏi? Chúng ta xây dựng thế nào từ sự tiếp xúc và trao đổi thông tin đầu tiên mà Internet cung cấp?” (Thông điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2002).


+ Các Thừa sai Mạng


- Một số người không chỉ chế ra từ “Tin mừng điện tử” (e-vangelism) theo mẫu các thuật ngữ tương tự như “thương mại điện tử” (e-commerce) và “ngân hàng điện tử” (e-banking).


- Tin Mừng điện tử là một cố gắng hệ thống nhằm sử dụng Internet và không gian mạng (cyberspace) cho việc truyền thông truyền giáo.


- Tin Mừng điện tử sử dụng các chức năng khác nhau của Net để rao giảng và chia sẻ Tin Mừng của Đức Kitô. Những người muốn hiến đời mình cho một hoạt động như thế được gọi là các “thừa sai mạng” (cyber missionaries).


- Họ đi lại trên không gian ảo như ở nhà mình và chia sẻ Tin Mừng với bất cứ ai họ gặp. Để sử dụng phương pháp này, rõ ràng họ phải là các chuyên gia tin học, đặc biệt về ngành lập trình, và có khả năng xử lý mạng thành thạo. Nhưng họ cũng phải là những người đầy đức tin và có kinh nghiệm bản thân về Đức Kitô để họ có thể chia sẻ.


- Đồng thời họ phải là những người hiểu biết mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ cũng cần ý thức rằng cuối cùng đức tin được sống trong thực tế chứ không phải trong không gian ảo.


- Bằng cách này, vai trò của các ‘thừa sai mạng’ thường chỉ giới hạn ở giai đoạn gặp gỡ đầu tiên. Họ chỉ mở ra cánh cửa của thực tại ảo để chỉ con đường tới đời sống thực, chạm đến mọi kinh nghiệm của con người.


- Các ‘thừa sai mạng’ là những chuyên gia ở giai đoạn Tiền-Rao giảng Tin Mừng và họ quảng đại nhường nhiệm vụ đào sâu bên kia không gian ảo cho những người trong các cộng đoàn đức tin sống thực, ở đó sự truyền thông người-với-người chuẩn bị giai đoạn chót cho một cuộc dấn thân sâu xa hơn với Đức Kitô.


- “Internet làm cho hàng tỉ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn hình máy tính trên khắp hành tinh này. Từ ngân hà hình ảnh và âm thanh này, liệu khuôn mặt Đức Kitô có hiện lên không và tiếng nói của Người có được nghe thấy hay không?


- Vì chỉ khi khuôn mặt Người được nhìn thấy và tiếng nói Người được nghe thấy, thế giới mới biết được tin vui về sự cứu chuộc của chúng ta. Đây là mục đích của rao giảng Tin Mừng. và đây là điều sẽ làm cho Internet trở thành một không gian con người đích thực, vì nếu không có chỗ cho Đức Kitô, thì cũng không có chỗ cho con người.” (Ngày Thế Giới Truyền Thông 2002).


+ Internet và Cyberspace


- Với sự ra đời của truyền thông trên Internet và không gian mạng (cyberspace), thêm những cánh cửa mới được mở ra cho hoạt động mục vụ của Hội Thánh trong thiên niên kỷ mới này.


- Các website có thể được sử dụng để cung cấp thông tin về các cơ quan của Hội Thánh, các Trung tâm mục vụ cũng như các dịch vụ và sinh hoạt của chúng. Các website này cũng có thể được phát triển để trở thành tương tác bằng cách mời người khác viết bài và phản hồi về nội dung và các chương trình của các trang web này và cũng để nói lên các nhu cầu và mong đợi mục vụ của họ.


- Có thể phát triển các website đặc biệt cho việc chăm sóc mục vụ, ở đó người ta có thể hỏi các câu hỏi và diễn tả các nhu cầu thiêng liêng và nhân bản của họ. Ví dụ, website www.ffnfuncity.de ở Đức là một thành phố ảo với một Nhà thờ giáo xứ. Một số linh mục và người hoạt động mục vụ hiện diện trong Nhà thờ ảo này để cung cấp tư vấn và mọi người có thể đến để cầu nguyện và xin ơn. Các site như thế có thể giúp người ta làm chủ đời mình và phát triển một quan điểm Kitô giáo về các sự kiện đang xảy ra. Chẳng hạn một cha Capucinô tại Frankfurt (Đức) viết mỗi ngày một bài suy niệm Kinh Thánh trên tờ nhật báo “Bild”, một tờ báo hàng đầu mỗi ngày phát hành hơn 4,5 triệu bản. Người đọc có thể click vào bài suy niệm của ngài hoặc cũng có thể nhận miễn phí qua đường e-mail.


- Các website khác cung cấp cho độc giả các bài viết và sách thần học quan trọng, rất có ích cho các sinh viên và nhà nghiên cứu nhưng với khả năng tiếp cận khá giới hạn các thư viện chuyên môn. William Fore đã thực hiện trang web www.religion-online-org với mục đích này.


- Các cổng khác liên quan tới Giáo Hội cung cấp thông tin, mua sắm, gửi thư web miễn phí, bài đọc thiêng liêng, suy tư hằng ngày, và các nhóm ‘chat’, cũng như các tiện ích khác. Ví dụ như ở Hoa Kỳ có www.catholic-forum.com hay www.catholic.org hay www.catholicexchange.com. Chỉ riêng ở Đức thôi cũng có khoảng 500 website (năm 2003) có liên quan cách này hay cách khác với Hội Thánh Công Giáo. Một mình website của HĐGM (www.katholische-kirche.de) cung cấp khoảng 3.500 đường kết nối như thế.


- E-mail (thư điện tử) là một phương tiện quan trọng khác nữa cho việc truyền thông nói chung của Hội Thánh về mặt đối nội và đối ngoại, nhưng đặc biệt cho việc truyền thông mục vụ. Sử dụng e-mail, người ta có thể truyền thông trực tiếp trong Hội Thánh và ra bên ngoài. Các người hoạt động mục vụ và những người có nhu cầu có thể đến được với nhau hầu như tức thời. Các dịch vụ thư mạng miễn phí được cung cấp bởi các cổng của Giáo Hội và các tổ chức khác giúp cho người ta có thể tiếp xúc với nhau nhanh hơn và rẻ hơn.


- Các tin tức đều đặn về các dịch vụ mục vụ có thể được gửi qua e-mail đến những người đăng ký. Các chương trình học và dạy có thể được chia sẻ về lãnh vực huấn giáo, linh đạo và đào luyện thần học.


- E-commerce (thương mại điện tử) cũng cung cấp nhiều khả năng cho việc truyền thông mục vụ.


- Internet là một thách thức đặc biệt cho Hội Thánh trong lãnh vực giáo dục truyền thông. Trẻ em ngày nay ‘được sinh ra với con chuột’ rồi. Máy tính đóng một vai trò quan trọng ngay từ tuổi thơ của các em, như xem các câu truyện hoạt hình trên màn hình.


- Truyền thông Mục vụ sẽ cho các em sự hướng dẫn cần thiết và giúp các em tiêu hoá những gì các em thấy và nghe. Ở đây, đặc biệt giới trẻ có thể là những đối tác trong hoạt động mục vụ vì họ khá thành thạo các công nghệ truyền thông mới này. Họ có thể phát triển các chương trình đặc biệt cho hoạt động mục vụ qua Internet và giúp bảo trì máy tính và các hệ thống mạng.


- Các website hay các cổng mạng còn có các công dụng khác nữa cho các mục đích mục vụ. Chẳng hạn như đang có sự gia tăng một khuynh hướng sử dụng hay tạo các website cho ‘tang lễ’. Các trang than khóc được tạo ra bởi các cá nhân xuất hiện cùng với các hình ảnh, bản văn và video để tưởng nhớ một người quá cố. Một quyển ‘sách dành cho khách’ (guest book) được mở ra, ở đó bất cứ ai có những kinh nghiệm tương tự có thể chia sẻ và tìm được những lời an ủi. Đối với nhiều người, hình thức này có ý nghĩa nhiều hơn là những bông hoa và những đồ vật đặt trên mộ. Một tấm bia được dựng trong không gian mạng, trên đó người quá cố được mong đợi là vẫn còn sống. Phải chăng đây cũng là một thách thức đặc biệt cho việc truyền thông mục vụ?


- Còn đối với những người ‘hưởng dùng’ các chương trình tôn giáo của Net, các nghiên cứu ban đầu có vẻ cho thấy rằng các chương trình tôn giáo chủ yếu được truy cập bởi những người đã thuộc về một tôn giáo nào đó. Có vẻ như những người ngoài Hội Thánh cũng bắt đầu trở thành những người sử dụng trực tuyến các chương trình tôn giáo. Nhưng trường hợp này chủ yếu vẫn là ở Hoa Kỳ và Châu Âu nhiều hơn.


- Rõ ràng Internet cũng có một tiềm năng lớn cho việc rao giảng Tin Mừng, như Đức Gioan Phaolô II đã vạch ra trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2002: “Internet: Một Diễn Đàn Mới cho việc Rao Giảng Tin Mừng.” Trong thông điệp của ngài vào dịp này, Đức Gioan Phaolô II mô tả các khả năng rất cụ thể của phương tiện truyền thông mới này đối với việc Rao Giảng Tin Mừng. Các khả năng này cũng bao gồm cả việc sử dụng Internet để theo dõi các bước đầu của công việc truyền giáo, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng nhắc đến chiều kích mục vụ khi ngài viết: “Internet cũng có thể cung cấp một sự theo dõi mà công việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi. Đặc biệt trong một nền văn hoá không hỗ trợ việc này, đời sống Kitô giáo kêu gọi phải tiếp tục việc giảng dạy và huấn giáo, và đây có lẽ là lãnh vực mà Internet có thể cung cấp một sự trợ giúp tuyệt vời.”


4. Kết luận:


Như đã thấy ở trên, giá trị các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất là kỹ thuật mang không gian thật hiển nhiên và chắc chắn vô cùng ích lợi nếu biết áp dụng vào lãnh vực loan báo Tin Mừng. “Cùng với các phương tiện truyền thống như chứng tá đời sống, huấn giáo, tiếp xúc cá nhân, lòng đạo đức bình dân, phụng vụ và các cuộc cử hành mừng lễ, việc sử dụng các phương tiện truyền thông hôm nay là thành phần thiết yếu trong việc rao giảng Tin Mừng và huấn giáo.


Thực vậy, như ĐGH Phaolô II từng nói: “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày” (EN số 45). Các phương tiện truyền thông xã hội có thể và phải là các công cụ của chương trình Tái Tin Mừng hoá và Tân Tin Mừng hoá của Hội Thánh trong thế giới hôm nay...”


Trong lãnh vực này (Truyền thông xã hội) Giáo Hội Việt nam đang đứng trước những thách đố lớn lao! Một mặt các kỹ thuật truyền thông mạng đang ngày càng bỏ xa tầm tay của Giáo hội mặt khác Nhà Nước đang ra sức hạn chế, nếu không muốn nói là độc quyền trong lãnh vực truyền thông, vì cho rằng tự do truyền thông, tự do ngôn luận, tự do báo chí... sẽ bị lợi dụng để công kích, đả phá chế độ!


Dầu vậy, ta vẫn có thể nói như Đức Hồng Y Sepe, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Tin Mừng cho các Dân Tộc, đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc truyền thông truyền giáo trong một cuộc phỏng vấn cho ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới năm 2002 (Agenzia Internazionale Fides, 2-10-2002) như sau: “Hội Thánh thời kỳ đầu đã nhìn các con đường của Đế Quốc Rôma như là một ơn huệ Chúa Quan Phòng ban cho để lên đường đi truyền giáo, mặc dù biết chắc Rôma không xây những con đường đó cho Hội Thánh”.


Các tông đồ đã nhận lệnh của Chúa “đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật,’ các ngài đã không ngần ngại sử dụng các phương tiện giao thông ấy của Đế Quốc để đi rao truyền Lời Thiên Chúa. Ngày nay, công nghệ hiện đại cống hiến những con đường mới mà tất cả chúng ta phải sử dụng vì chúng sẽ giúp chúng ta tung ra những mạng lưới xưa nay chưa từng có. ‘Một số lượng khán thính giả đông đảo quá sức tưởng tượng của các vị rao giảng Tin Mừng trước chúng ta. Vì vậy, điều mà thời nay chúng ta cần là một sự dấn thân tích cực và giàu tưởng tượng của Hội Thánh vào lãnh vực truyền thông.


Người Công Giáo không được sợ hãi mở toang cánh cửa truyền thông xã hội cho Đức Kitô, để Tin Mừng của Người có thể được nghe thấy từ các nóc nhà trên khắp thế giới’ (Gioan Phaolô II, Thông điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2001).


Thánh Bộ Truyền Bá Tin Mừng cho các Dân Tộc đặc biệt chú ý tới cả một đại dương những khả năng mà các phương tiện truyền thông cống hiến cho chúng ta; chúng ta tiến bước một cách táo bạo như lời Đức Thánh Cha nói khi hô hào ‘ra chỗ nước sâu thả lưới’ và chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng dũng cảm để thể hiện các sáng kiến mục vụ và thiêng liêng hợp với thời đại mới, nó cho phép chúng ta sử dụng với hiệu quả tối đa các công cụ mà nền văn hoá thông tin cống hiến, khi chúng ta được kiên cường nhờ tin tưởng vào lời Chúa Giêsu.”


CÂU HỎI 3 : Đức Cha đã có dịp tham dự kỷ niệm 40 năm thành lập Radio Veritas tại Philippines. Xin Đức Cha cho biết hoạt động truyền thông xã hội của Giáo hội Công giáo Việt Nam giữ vị trí nào trong vùng châu Á hiện nay.


TRẢ LỜI: Để hiểu rõ hơn và thấy được tầm mức vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn lao của Truyền thông đại chúng nhất là trong lãnh vực truyền thanh, tôi xin lược tóm bài nói chuyện của Cha Franz Josef Eilers về sự hình thành và vai trò nhiệm vụ của Đài Truyền Thanh Radio Veritas như sau.


Ban đầu, Radio Veritas (Đài Chân Lý) có 2 dịch vụ: một dịch vụ hải ngoại cho các nước Châu Á và một dịch vụ trong nước cho Philippines, thuộc trách nhiệm của Tổng Giáo Phận Manila.


Đến năm 1990, dịch vụ (nhánh) trong nước này tách riêng ra thành một đài thương mại độc lập. Vì thế dịch vụ hải ngoại (nhánh hải ngoại) trở thành một đài độc lập với tên gọi “Radio Veritas Asia” (Đài Chân Lý Á Châu, gọi tắt là RVA) và tiếp tục hoạt động phi thương mại, hoàn toàn lo việc loan báo Tin Mừng và phát triển tại Châu Á.


Ngoài đài Radio Vaticana, đài Radio Veritas Asia là đài phát sóng ngắn duy nhất của Hội Thánh ở cấp châu lục, phát bằng 17 thứ tiếng của 21 nước Châu Á. Đài thuộc quyền sở hữu pháp lý của “Trung Tâm Phát Thanh Thông Tin và Giáo Dục Philippines” (Philippines Radio Educational and Information Center, viết tắt là PREIC), gồm các giám mục và các chuyên gia của Philippines. Nhưng việc quản lý, điều hành và tài trợ “Đài Chân Lý Á Châu” thuộc trách nhiệm của “Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á” (FABC) qua đại diện là “Văn Phòng Truyền Thông Xã hội” (OSC), đặt trụ sở tại Manila. Ban giám đốc của văn phòng này gồm 5 giám mục cũng đồng thời là ban giám đốc điều hành của RVA.


Các chương trình được sản xuất chủ yếu tại các trung tâm sản xuất của các vùng tiếp sóng (vùng đích), dưới trách nhiệm của các HĐGM quốc gia hay vùng ấy; sau đó các chương trình này được hoàn chỉnh bởi các ban ngôn ngữ khác nhau tại các studio của RVA ở Thành phố Quezon (Manila) của Philippines. Các chương trình được phát sóng qua ba máy phát 250 KW với 16 ăngten định hướng đặt ở Palauig, Zambales, cách Manila khoảng 220 km về phía tây bắc.


Trong số các ngôn ngữ khác nhau, lượng chương trình phát nhiều nhất là bằng tiếng Quan Thoại, phát bốn giờ mỗi ngày tới lục địa Trung Quốc. Thêm vào đó còn có 50 phút phát lại bằng tiếng Quan Thoại từ đài Radio Vaticana. Ngoài ra cũng có một chương trình 30 phút bằng tiếng Quảng Đông được phát tới Trung Quốc.


Kế đến là chương trình tiếng Việt được phát mỗi ngày hai giờ rưỡi, còn các tiếng khác được phát khoảng từ 30 phút tới một giờ bằng bốn thứ tiếng của Miến Điện (Miến, Karen, Kachin và Zomi-Chin), tiếng Inđônêxia, Sinhala, Urdu, Tamil, Telugu và Hinđi. Một chương trình hằng ngày bằng tiếng Filipino dành cho đông đảo người Philippines lao động tại nước ngoài trên khắp Châu Á và xa hơn. Ngoài một chùm phát về hướng Đông Á ( Hong Kong), chương trình này đặc biệt được phát sang các nước Ả Rập, là những nơi mà người Kitô hữu không được phép cử hành các nghi lễ tôn giáo riêng của mình.


Radio Veritas Asia được tài trợ bởi các cơ quan tài trợ khác nhau của Châu Âu và Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ở Rôma. Nhiều giám mục Châu Á thường xuyên góp cho đài một ngàn đôla từ khoản trợ cấp hằng năm của giáo phận mình ở Propaganda, và các HĐGM Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đóng góp.


Tuy đã thử nhiều lần, nhưng cho đến nay đài vẫn không thể nhận được sự bảo đảm hỗ trợ tài chánh từ các nước và các châu lục khác như Hoa Kỳ, Canađa và Úc. Tại Philippines một “Quỹ Radio Veritas Asia” vừa được lập để tìm các nhà hảo tâm địa phương và chính Quỹ này cũng đi vào các hoạt động Quan hệ Công cộng hầu làm cho đài được biết đến nhiều hơn trong nước và cả ở nước ngoài.


Các khả năng công nghệ mới đặt ra thách thức cho sự phát triển tương lai của hoạt động phục vụ phát sóng tại Châu Á với thêm các khả năng của mạng Internet. Mới đây, một hội nghị của các cơ quan gây quỹ tại Đức (14-15 tháng 2, 2001) và các chuyên gia về tương lai của đài RVA đã cho thấy rằng việc phát sóng ngắn vẫn còn giữ vị trí quan trọng trong tương lai, nhưng phải được bổ túc bằng các khả năng mới của Internet để có thể cung cấp các chương trình thích hợp với các nhu cầu và đòi hỏi của cá nhân. Các công nghệ mới cũng mở rộng khả năng biên tập, thiết kế chương trình và hợp tác giữa đài với các trung tâm sản xuất tại các vùng tiếp sóng. Với sự trợ giúp của “CBCPnet”, nhà cung cấp Internet mới của HĐGM Philippines (CBCP), các nhà sản xuất và biên tập tại các studio ở Quezon bây giờ đã hoàn toàn kết nối với Net. Nhờ vậy, ngoài những khả năng khác, họ đã có thể tiếp cận rộng rãi hơn với các tin tức và thông tin địa phương từ các vùng tiếp sóng của họ.


Tại lục địa Châu Á, số người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 3% tổng dân số 3 tỷ rưỡi. Con số này đặt ra một thách thức lớn cho việc Loan Báo Tin Mừng bằng Radio và Internet. Với đài “Radio Veritas Asia”, chúng ta có một khả năng có một không hai trên thế giới.


ĐGH Gioan Phaolô II đã ý thức điều này khi ngài viết trong Tông huấn Ecclesia in Asia, “Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi có lời khen ngợi Đài Radio Veritas Asia, là đài phát sóng ngắn duy nhất cấp châu lục cho Hội Thánh tại Châu Á, vì công việc rao giảng Tin Mừng qua việc phát sóng của đài trong gần 30 năm qua. Phải có những cố gắng để củng cố công cụ truyền giáo tuyệt vời này, nhờ các chương trình ngôn ngữ thích hợp, trợ giúp nhân sự và tài chánh từ các HĐGM và các giáo phận tại Châu Á.”


Trong chuyến viếng thăm của ĐGH nhân dịp kỷ niệm 25 năm của đài, ngài cảm thấy rằng “đài RVA tiếp tục là một cách diễn tả mạnh mẽ tinh thần đồng trách nhiệm của các giám mục Châu Á trong việc theo đuổi sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh với một tầm nhìn xa rộng và phấn khởi.” Theo ngài, “Radio Veritas Asia đang đối diện với nhiệm vụ cấp bách là phải tìm ra những cách thức ngày càng hiệu quả hơn để duy trì và làm sáng tỏ đức tin của những người đã tin Đức Kitô, và loan báo về Người và Nước của Người cho những ai chưa biết Người... Radio Veritas có thể tự hào là đã nuôi dưỡng cuộc đối thoại tôn trọng với các tín đồ của các tôn giáo khác, là thành phần thính giả rất đông đảo của đài.


Ngày nay hơn bao giờ, các tín đồ của các truyền thống khác nhau cần phải hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, để cộng tác với nhau trong việc bảo vệ những giá trị thiêng liêng và nhân bản chung, mà nếu không có những giá trị này thì không thể nào xây dựng được một xã hội xứng đáng với con người. Qua các chương trình giáo dục, tin tức và giải trí, Radio Veritas Asia đang cống hiến cho sự phát triển con người của vô số cá nhân và gia đình.”


Trong mười năm qua, Đài đã nhận được gần một triệu lá thư của các thính giả. Trong số này chỉ có 35% là Công Giáo. Số 65% còn lại là tín đồ của các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Phật Giáo, Hinđu Giáo và cả những người không theo tôn giáo nào. Với nhiều chương trình của đài, 80 tới 90% thính giả không phải là người Kitô giáo. Chỉ xin nêu ra đây 3 ví dụ:


- Một thính giả từ Bắc Kinh viết: “Tôi thực sự biết ơn Đài Veritas vì đã cung cấp cho chúng tôi những chương trình quí báu và chất lượng cao, và cho các bạn bè ở nước ngoài... giúp tôi hiểu khá đầy đủ những sự phát triển và thay đổi đang diễn ra, và bản chất của lối suy nghĩ triết học truyền thống của Trung Quốc... Vì Trung Quốc lục địa sử dụng triết học Mác... nhiều ý tưởng khá cực đoan và hạn chế, thiếu cái nhìn khách quan...


- Một thính giả khác từ một tỉnh của Trung Quốc viết: “Đài phát thanh Công Giáo đã đi vào cuộc sống tôi. Nó giống như một Nhà Thần Học trên không cung cấp sự đào luyện cho tôi. Nó là người linh hướng của tôi, một người bạn giàu khôn ngoan và là con thuyền của dòng đời tôi. Tôi nghe đài hằng ngày. Đài có các chương trình rất hay, đa dạng, với nhiều sắc thái khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào Tin Mừng Đức Kitô, thấm đượm sức sống và nuôi dưỡng linh hồn...”


- Một thanh niên ở một vùng khác của Châu Á: “Tôi là một dân tị nạn ở Thái Lan. Tôi là một Phật tử. Tôi là thính giả thường xuyên của RVA. Mặc dù tôi đang gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi không bao giờ thất vọng vì RVA luôn nâng đỡ, khích lệ và an ủi tôi. Tôi ao ước trở thành người Công Giáo. Tôi hi vọng sẽ được rửa tội vào tháng 12 tới.”


Ngoài các lá thư, sự tích cực tham gia của các thính giả cũng là một dấu hiệu chứng minh tính hiệu quả của các chương trình RVA:


Các câu lạc bộ thính giả là các nhóm thính giả cùng nhau nghe hoặc thảo luận về các chương trình của đài. Riêng chương trình bằng tiếng Hinđi cũng đã có 208 câu lạc bộ các thính giả RVA như thế tại Ấn Độ.


Các cuộc gặp gỡ thính giả tại các vùng ngôn ngữ cũng là một dấu chỉ khác nữa. Chẳng hạn tại cuộc gặp gỡ hằng năm ở Hyderabad năm 2001, ngoài những điều khác, sau đây là các ví dụ do những người tham dự nêu lên:


- Một thính giả thuê một xe tải, gắn loa trên xe tải và cho phát lại các chương trình RVA tại các làng xã.


- Một câu lạc bộ khác xin tổ vận động cho một đảng chính trị tặng cho câu lạc bộ các micrô của họ. Họ tặng và câu lạc bộ hiện đang dùng các micrô này để phát đi các chương trình RVA.


- Một thính giả nói năm ngoái ông có 2 lớp học ngày Chúa Nhật; bây giờ ông có 20 lớp với 23 giáo viên và 1.500 trẻ em được nghe các chương trình của RVA.


- Một câu lạc bộ thính giả khác đã chuyển các bài hát của chương trình RVA thành các điệu múa và đi biểu diễn ở các làng xã.


Về câu hỏi hoạt động truyền thông xã hội của Giáo hội Công giáo Việt Nam giữ vị trí nào trong vùng châu Á hiện nay, tôi xin trả lời bằng sự kiện người thật, việc thật trong dịp Đài Chân lý Á Châu (RVA) mừng 40 năm ngày thành lập như sau: Hôm đó là chiều ngày 16/4/2009, Thánh lễ trọng thể được khởi sự tại hội trường của RVA vào lúc 2 giờ trưa, với chủ tế là Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, và đồng tế có Đức Khâm Sứ Toà Thánh ở Philippines, 2 hồng y, 17 giám mục và khoảng 100 linh mục. Khách mời tham dự trên 300 người. Sau thánh lễ là liên hoan chúc mừng, mọi người lắng nghe lời chúc mừng của các đại sứ, khâm sứ, các giám mục đại diện các giáo hội địa phương tại Á châu, các cơ quan tài trợ, xen kẽ với các tiết mục văn nghệ. Phần thưởng lưu niệm được trao cho những nhân vật và các cơ quan đã tận tuỵ với RVA.


Đặc biệt, giải thưởng Hồng Y Sin - RVA mới được thiết lập cho dịp lễ kỷ niệm này và được trao lần đầu tiên cho Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, giám đốc chương trình của RVA, một người Việt Nam đã phục vụ cho đài suốt 31 năm. Phát biểu đáp từ của Đức ông Phêrô sau đó đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay tán thưởng, một phát biểu mang đậm nét dí dỏm duyên dáng của người Việt Nam, nhưng cũng thấm đẫm văn hoá Phi (nơi người đã phục vụ suốt nửa cuộc đời), và bao hàm sự trung thực khiêm tốn của một người được sai đi từ Vatican.


Nếu Việt Nam được thông thoáng hơn, tự do hơn, thì truyền thông của Giáo hội Công giáo Việt Nam chắc chắn sẽ “Vượt qua mọi biên giới, để chia sẻ Chúa Kitô”, khẩu hiệu của Đài RVA.


CÂU HỎI 4: Với tư cách Giám mục Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam, xin Đức Cha cho độc giả biết đôi nét về bước phát triển của Ủy ban trong thời gian tới.


TRẢ LỜI: Ủy ban Truyền thông trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập ngày 29/1/2007 với đại diện của 26 Giáo phận và 15 Dòng tu. Ủy ban đã soạn ra Nội quy sinh hoạt của Uỷ Ban và để ra chương trình hoạt động như sau:


Nội quy Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam


1/. Thành lập và mục đích của Ủy ban Truyền thông Xã hội


Điều 1: Ủy ban Truyền thông xã hội do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thành lập và trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam theo quy chế và nội quy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.


Điều 2: Ủy ban Truyền thông xã hội có mục đích giúp Hội đồng Giám mục Việt Nam điều hành các sinh hoạt liên quan đến Truyền thông xã hội.


2/. Nhiệm vụ của Ủy ban Giám mục về Truyền thông Xã hội


Điều 3: Nhiệm vụ chung của Ủy ban Giám mục về Truyền thông xã hội là:


(1) Giúp mọi thành phần dân Chúa hiểu rõ tầm quan trọng, lợi ích, ảnh hưởng lớn lao của truyền thông xã hội trong việc phục vụ Tin Mừng theo giáo huấn của Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam.


(2) Định hướng và hỗ trợ các hoạt động về truyền thông xã hội của các giáo phận, giáo xứ và dòng tu.


(3) Phát huy và điều phối sự tham gia của các phương tiện truyền thông xã hội vào việc thông truyền, loan báo Tin mừng Chúa đến cho mọi người.


(4) Nghiên cứu, phổ biến các sắc lệnh, văn kiện, giáo huấn của Giáo Hội.


(5) Phổ biến các tài liệu, văn kiện, giáo huấn, đường hướng mục vụ, thư chung, thư mục vụ, các tin tức, sinh hoạt, thời sự tôn giáo của HĐGMVN và các giáo phận, giáo xứ, dòng tu.


(6) Tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện nhân sự về truyền thông xã hội cho các giáo phận, dòng tu.


(7) Mở các khóa học giúp sử dụng, quản trị, điều hành giáo phận và giáo xứ bằng kỹ thuật điện toán.


(8) Thông truyền Tin mừng bằng mọi phương tiện kỹ thuật truyền thông như: internet, truyền thanh, truyền hình, in ấn, phát hành các sách báo, tập san, phim ảnh, các băng đĩa công giáo.


(9) Cổ vũ các nỗ lực truyền thông xã hội phục vụ chân thiện mỹ trong đời sống con người và xã hội.


(10) Cổ vũ tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội và thế giới.


3/. Nhân sự của Ủy ban Truyền thông Xã hội


Điều 7: Theo Quy chế Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Truyền thông Xã hội gồm: các uỷ viên, ban thường trực, và các tiểu ban.


+ Các ủy viên: do các giáo phận và Dòng tu đề cử.


+ Ban Thường trực: do toàn Ban đề cử.


+ Các Tiểu ban chuyên môn gồm:


1. Tiểu ban Tin mừng


Nhiệm vụ: thông truyền, phổ biến Lời Chúa, các bài giảng, các bài suy niệm, học hỏi, chia sẻ, các loại thi ca, hội họa, thánh nhạc.


2. Tiểu ban Văn kiện Giáo Hội


Nhiệm vụ: thu thập, tổng hợp và phổ biến giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ và địa phương, thu thập và dịch các văn kiện Giáo Hội về truyền thông.


3. Tiểu ban Ơn gọi


Nhiệm vụ: phổ biến tài liệu về ơn gọi, lịch sử, linh đạo các Dòng tu, phát triển các ơn gọi.


4. Tiểu ban Thời sự


Nhiệm vụ: thu thập, phổ biến các tin tức sinh hoạt của Giáo Hội toàn cầu và địa phương.


5. Tiểu ban Nghe nhìn


Nhiệm vụ: phổ biến các chương trình truyền thanh, truyền hình giáo lý công giáo, các phim ảnh, băng đĩa công giáo và các băng đĩa mang tính giáo dục.


6. Tiểu ban Văn hoá nghệ thuật


Nhiệm vụ: sử dụng các loại hình văn hoá nghệ thuật để loan truyền Tin Mừng.


7. Tiểu ban Giáo dục và đào tạo truyền thông


Nhiệm vụ: giáo dục truyền thông và đào tạo nhân sự đặc trách về mục vụ truyền thông xã hội cho các giáo phận và Dòng tu.


8. Tiểu ban Kỹ thuật truyền thông


Nhiệm vụ: mở các khóa hướng dẫn cách thức sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, cách riêng trong việc tổ chức, điều hành, quản lý giáo phận, giáo xứ, Dòng tu bằng điện toán.


9. Tiểu ban Truyền thông cho dân tộc thiểu số


Nhiệm vụ: nghiên cứu và phổ biến các lợi ích về truyền thông xã hội cho anh em dân tộc thiểu số, chuyển ngữ để họ có thể đón nhận Tin Mừng.


10. Tiểu ban Website


Nhiệm vụ: điều hành website của HĐGMVN và website của UBTT.


11. Tiểu ban Ấn loát và xuất bản


Nhiệm vụ: thực hiện và phát hành các ấn phẩm công giáo.


Trên đây mới chỉ là bộ khung hay chủ trương căn bản của UBTT, do UB mới được thành lập và do còn nhiều trở ngại về địa lý, nhân sự, tài chánh v.v… nên UB chưa làm được gì đáng kể, ngoại trừ một số in ấn xuất bản trong 2 năm 2007-2008 như sau:


+ 100.000 bản Toát yếu Giáo lý Hội thánh Công giáo,


+ 5.000 Tân Ước cho người Bana,


+ 10.000 bản Phúc Âm cho người K’ho,


+ 35.000 bản Daily Gospel cho Cộng đồng Công giáo Philippines,


+ 25.000 Daily Gospel cho Cộng đồng Công giáo Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hàn Quốc,


+ 2.000 cuốn Từ điển Bahnar–Việt cho Gp Kontum,


+ In và phát hành các sách: Hôn nhân và Gia đình, Như Thầy đã nêu gương cho anh em, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, Tình yêu và đau khổ…,


+ Dịch và in 1.000 cuốn “Communicating in Ministry & Mission” (Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo) của Cha Francis-Josef Eilers,


+ Dịch và in 1.000 cuốn “Social Communication Formation in Priestly Ministry” (Đào luyện Truyền thông trong thừa tác vụ Linh mục) của Cha Franz-Josef Eilers,


+ Mở khoá đào tạo tập huấn báo chí cho 30 người từ 22/8-29/9/2008.


Hướng phát triển cho Uỷ ban Truyền thông trong tương lai: Do còn nhiều hạn chế về nhân sự, chính trị, tài chánh v.v... nên Ủy ban chú trọng đến việc đào tạo nhân sự Truyền thông bằng các việc cụ thể sau:


1/ Dịch và cung cấp các sách về Truyền thông làm sách giáo khoa cho các chủng viện, các khoá huấn luyện nhân sự Truyền thông.


2/ Mở thêm và nhân rộng các khoá đào tạo tập huấn báo chí cho các nhân sự truyền thông đang phục vụ tại các Giáo phận, Dòng tu v.v... mở rộng thêm cho các nam nữ tu sĩ, sinh viên, học sinh v.v..


3/ Dịch thuật và lồng tiếng các bộ phim hay hỗ trợ việc dạy giáo lý – hiện đã có trên 200 bộ phim được dịch và lồng tiếng, có thể sử dụng để hỗ trợ việc dạy giao lý.


4/ Biên soạn và thu thập các bài giáo lý bằng Proshow và Powerpoint hỗ trợ các giáo lý viên và học sinh giáo lý.


5/ Biên soạn và lồng tiếng các chương trình phát thanh hỗ trợ các đài phát thanh Công giáo Chân lý Á Châu tại Manila và Vatican


6/ Biên soạn và thu thập các hoạt cảnh Tin Mừng, hoạt cảnh Giáng sinh, Phục sinh, các buổi trình diễn thánh ca, văn nghệ, đại nhạc hội... chế tác thành những CD, VCD, DVD làm tài liệu huấn luyện giới trẻ và các hội đoàn.


7/ Cộng tác, hỗ trợ, phong phú hóa nội dung và hình thức trang Web của HĐGM/VN và trang Web của UBTT.


8/ Phát hành các sách báo, ấn phẩm Công giáo, cố vấn kỹ thuật hình thức và nội dung, phép xuất bản, liên hệ với các nhà in v.v…


Kính thưa quý độc giả, cách riêng các bạn trẻ thân mến,


Bộ môn Truyền thông xã hội thật quá mới mẻ và thách đố đối với chúng ta, dù nó đã được Công đồng Vaticanô II nói tới cách đây hơn 45 năm; chúng tôi trân trọng và tha thiết kính mời qúy độc giả, cách riêng các bạn trẻ, những ai quan tâm tha thiết với Truyền thông Công giáo, hãy tích cực tham gia, cộng tác, góp ý kiến cho Uỷ ban Truyền thông chúng tôi biết phải làm gì, làm thế nào và làm sao nữa để sứ vụ loan báo Tin Mừng đạt được kết quả theo lệnh truyền của Chúa.


Xin chân thành cám ơn.


Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông HĐGM/VN


(Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=24&Act=Detail&ID=323&CateID=65)


VietCatholic News (27 May 2009)

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ