Skip to content
Top banner

Hướng tới một Truyền Thông Hiệp Hành Cấu Thành: Điểm Nhấn từ Hội nghị Bộ Truyền thông 2024

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-11-15 15:43 UTC+7 45
hoinghi-btt-2024-1731663670.jpeg

Nguồn: For a constitutively Synodal Communication

Chuyển ngữ: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM

 

Hội nghị Toàn thể Bộ Truyền thông đã diễn ra tại Vatican từ ngày 28 đến 30 tháng 10 năm 2024 với sự tham dự của các thành viên và Cố vấn của Bộ. Sự kiện năm nay mang chủ đề “Hướng tới một Truyền Thông Hiệp Hành Cấu Thành”, tập trung vào các nội dung chính như lắng nghe, tham gia, chia sẻ và thúc đẩy sự hiệp thông thông qua các phiên thảo luận và bài trình bày.

Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị tiếp tục chào đón nhiều khách mời là những người tâm huyết với truyền thông, những người đã và đang tạo nên những mô hình truyền thông tích cực. Những chia sẻ chân thực từ chính trải nghiệm của họ đã truyền cảm hứng cho các Thành viên và Cố vấn của Bộ Truyền thông trong việc tìm kiếm những cách thức mới để đóng góp cho lĩnh vực truyền thông và thích ứng với bối cảnh truyền thông đương đại.

Báo chí tìm kiếm giải pháp và kiến tạo câu chuyện chung

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, ông Peter Rachada Monthienvichienchai, người đứng đầu LiCAS.news (Ánh sáng Công giáo tại Châu Á, Ánh sáng cho người không có tiếng nói) kiêm tổng thư ký SIGNIS (Hiệp hội Truyền thông Công giáo Thế giới), đã giới thiệu về những hoạt động nổi bật của LiCAS.news. Với lòng trắc ẩn và sự kính trọng, LiCAS.news mang sứ mệnh lắng nghe và kể lại những câu chuyện của những con người đang bên lề xã hội. Họ muốn thắp lên tia hy vọng trong bóng tối của những phận đời kém may mắn, để cho những tiếng nói chưa được lắng nghe có cơ hội được cất lên.

Với mục tiêu tìm kiếm và lan tỏa những giải pháp khả thi cho các vấn đề xã hội tại Châu Á, LiCAS.news hoạt động dựa trên nguyên tắc Báo chí tìm kiếm giải pháp theo tinh thần Công giáo. Ông Monthienvichienchai nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc đề cập đến những tình huống cấp bách và đề xuất các giải pháp khả thi, LiCAS.news còn mang đến cái nhìn đa chiều về những nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết vấn đề. Họ lắng nghe những thách thức và câu chuyện của những người đã vượt qua khó khăn, cho những người không có tiếng nói trong xã hội cơ hội được lên tiếng và nuôi dưỡng hy vọng.

Trao quyền cho những người không có tiếng nói cũng là sứ mệnh của On Our Radar, một cơ quan truyền thông có trụ sở tại Luân Đôn, quy tụ đội ngũ các nhà báo, nhà làm phim, người kể chuyện kỹ thuật số và những người hoạt động cộng đồng. Đồng giám đốc Chris Walter đã trình bày về thành công của On Our Radar trong việc kể chuyện có sự tham gia, đồng sản xuất và báo chí cộng đồng. Mô hình này được thực hiện bằng cách đào tạo và huấn luyện những người yếu thế trong xã hội để họ có thể tự kể câu chuyện của chính mình, bằng ngôn ngữ và cách thức riêng của họ, từ đó hé lộ thực tế của những cộng đồng chưa được lắng nghe trên toàn thế giới. Ông Walter nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc kiến tạo câu chuyện của chính mình. Theo ông, những câu chuyện mang sức lay động mạnh mẽ nhất chính là những câu chuyện được kể bởi chính những người trong cuộc.

Nền tảng kết nối người Công giáo tại Ấn Độ

Dưới sự điều phối của Linh mục Stephen Alathara, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CCBI) và Linh mục Cyril Joseph, Giám đốc Truyền thông Tổng giáo phận Bangalore, phái đoàn khách mời từ Ấn Độ đã giới thiệu ứng dụng Catholic Connect, được Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CCBI) ra mắt vào đầu năm 2024. Catholic Connect là ứng dụng di động dành cho cộng đồng Công giáo tại Ấn Độ, nhằm kết nối họ với Giáo hội một cách hiệu quả hơn trên nhiều phương diện.

Trong buổi giới thiệu, đội ngũ phát triển ứng dụng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối trong thế giới Công giáo, từ việc liên kết các giáo phận và giáo xứ với các tín hữu, cung cấp những nội dung truyền cảm hứng và định hướng, cho đến việc chia sẻ thông tin thiết thực cho cộng đồng địa phương và cung cấp các dịch vụ hữu ích. Catholic Connect là một minh chứng cho thấy cách thức truyền thông kỹ thuật số có thể phục vụ cộng đồng địa phương một cách hiệu quả.

Am hiểu truyền thông và thông tin

Vào ngày 30 tháng 10, hai vị khách mời đặc biệt đã khơi gợi những suy tư sâu sắc cho Hội nghị thông qua bài phát biểu của mình.

Giáo sư danh dự ngành Xã hội học Truyền thông tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Pháp), Divina Frau-Meigs, nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới về ứng dụng và thực hành truyền thông, đã trình bày về “Kiến thức Truyền thông và Thông tin trong thời đại Trí tuệ Nhân tạo”. Bài phát biểu của bà đã đưa ra những góc nhìn mới về tác động chuyển đổi của AI tạo sinh đối với bối cảnh truyền thông và thông tin, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức truyền thông và thông tin trong kỷ nguyên AI phát triển nhanh chóng.

Thông qua mô hình "Con bướm", Giáo sư Frau-Meigs đã minh họa 4 lĩnh vực của kiến thức kỹ thuật số, so sánh chúng với 4 cánh của một con bướm, nếu thiếu một trong số đó, con bướm sẽ không thể bay. Bốn lĩnh vực đó là: giá trị (bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, v.v.), kỹ năng (biết cách sử dụng các công cụ mới), thái độ (trong việc giải thích dữ liệu và nhận dạng nội dung gây hiểu nhầm) và kiến thức (hiểu biết về địa chính trị của AI, nhận thức về sự rối loạn thông tin).

Giáo sư Frau-Meigs nhận định, chính dựa trên những định hướng này, vai trò của Bộ Truyền thông Giáo hội như một người bảo đảm và thúc đẩy truyền thông có đạo đức và ý thức có thể nổi lên trong tương lai.

Khi cho đi là còn mãi

Kết thúc phiên hội nghị, ông Chris Anderson, một nhà báo và là người phụ trách TED, một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận tận dụng sức mạnh của những ý tưởng để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn, đã có bài phát biểu tâm huyết.

Ông Anderson đã kể về trải nghiệm quan trọng của mình từ năm 2006, khi ông quyết định đăng tải những bài nói chuyện TED được chọn lọc lên Internet. Những video này nhanh chóng thu hút sự chú ý rộng rãi, giúp ông nhận ra sức mạnh của sự hào phóng và khả năng lan tỏa của những ý tưởng tốt đẹp thông qua internet. Kể từ đó, Anderson đã phát triển một khuôn khổ đạo đức, "những ý tưởng đáng được lan tỏa." Trong cuốn sách "Sự hào phóng lan truyền" xuất bản gần đây, Anderson viết về sức mạnh của việc "cho đi" và tầm quan trọng của việc không sợ hãi khi chia sẻ, bởi vì sự hào phóng, khi được lan truyền, có tiềm năng chạm đến hàng triệu người.

Ông Anderson kết thúc bài phát biểu bằng lời khuyên dành cho những người tham dự: đừng ngại ngần chia sẻ những câu chuyện về lòng tốt, hành động đẹp và lòng trắc ẩn. Ông ví những câu chuyện này như những "virus tốt", có thể "lây nhiễm" cho mọi người, truyền cảm hứng cho những ý tưởng tốt đẹp khác và cuối cùng là tạo ra những ảnh hưởng tích cực.

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ