Skip to content
Top banner

Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 58 (năm 2024)

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-03-03 20:17 UTC+7 109

HỌC HỎI SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

LẦN THỨ 58 (NĂM 2024)


Ủy ban Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam


1. Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 58 (năm 2024) là gì?

Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 58 (năm 2024) là: “Trí tuệ nhân tạo và Sự khôn ngoan của Con tim: Vì một truyền thông nhân bản trọn vẹn”.

2. Trong sứ điệp này, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định thế nào về tầm ảnh hưởng của các hệ thống Trí tuệ nhân tạo?

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định rằng:

- Các hệ thống “trí tuệ nhân tạo” đang làm thay đổi triệt để thế giới truyền thông và nền tảng của sự chung sống của con người.

- Những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

- Những phát minh nhanh chóng vượt bực về “trí tuệ nhân tạo”, có hoạt động và tiềm năng vượt quá khả năng thấu hiểu và đánh giá của hầu hết mọi người, đang khơi dậy những phản ứng ngạc nhiên, vừa mang tính hưởng ứng nhiệt tình, vừa đong đầy những lo âu trước một tương lai đầy bất trắc và mất phương hướng do trí tuệ nhân tạo gây ra.

3. Những thay đổi triệt để do trí tuệ nhân tạo gây nên đã khiến người ta cần phải đặt ra những câu hỏi quan trọng nào?

Những thay đổi triệt để do trí tuệ nhân tạo gây ra chắc chắn dẫn đến những câu hỏi sâu sắc sau đây:

- Bản chất đích thực của con người là gì?

- Con người khác biệt với trí tuệ nhân tạo như thế nào?

- Tương lai của con người trong thời đại trí tuệ nhân tạo sẽ như thế nào?

- Làm thế nào để vừa duy trì bản chất con người cách trọn vẹn, vừa làm cho sự thay đổi văn hóa - do trí tuệ nhân tạo gây ra - hướng đến mục đích tốt đẹp?

4. Cần phải có những thái độ cụ thể nào trước những thay đổi triệt để do trí tuệ nhân tạo gây ra?

- Trước hết, cần phải từ bỏ những cái nhìn bi quan về trí tuệ nhân tạo.

- Phải tích cực tham gia vào tiến trình thay đổi này, nhưng vẫn mang trái tim liêm khiết để nhạy bén cảnh giác trước những tiêu cực và phi nhân.

- Cần phát huy sự khôn ngoan của trái tim để nhận diện và giải thích sự mới mẻ của thời đại và tái khám phá con đường dẫn đến một nền truyền thông nhân bản trọn vẹn.

5. Trái tim con người được Kinh Thánh mô tả như thế nào?

Trong Kinh Thánh, trái tim được xem là nơi tự do và ra quyết định. Nó tượng trưng cho sự toàn vẹn và thống nhất, nhưng cũng gợi lên những tình cảm, mong muốn, ước mơ; và trên hết, đó là nơi gặp gỡ nội tâm giữa con người với Thiên Chúa.

6. Sự khôn ngoan của trái tim giúp ta đạt được những gì?

Sự khôn ngoan của trái tim giúp ta kết hợp:

- toàn thể với các bộ phận,

- các quyết định với kết quả của chúng,

- sự cao quý với sự mong manh của con người,

- quá khứ và tương lai,

- cái tôi và cái chúng ta.

7. Làm thế nào để có được sự khôn ngoan của trái tim?

Ta sẽ có được sự khôn ngoan của trái tim khi yêu thích và mong muốn, nỗ lực tìm kiếm nó, sẵn sàng đón nhận lời khuyên và ngoan nguỳ lắng nghe sự khôn ngoan này như một ân ban của Thánh Thần, giúp ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của chính Thiên Chúa, để thấy các kết nối, tình huống, sự kiện và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng. Không có sự khôn ngoan này, cuộc sống trở nên nhạt nhẽo, vì chính sự khôn ngoan mang lại hương vị cho cuộc sống.

8. Trí tuệ nhân tạo có thể có được sự khôn ngoan của trái tim không?

Thưa không, vì trí tuệ nhân tạo chỉ là máy móc. Máy móc tiến bộ vượt bực này chắc chắn có khả năng lưu trữ dữ liệu và nối kết các tương quan dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với con người, để nhanh chóng đưa ra các câu trả lời khi nhận được các câu hỏi và các đề xuất. Nhưng chỉ con người mới có khả năng hiểu được dữ liệu và các tương quan dữ liệu đó, để sử dụng các kết quả này và điều khiển trí tuệ nhân tạo theo ý của mình.

9. Khi thực hiện được những phát minh mới mẻ, con người dễ rơi vào cơn cám dỗ nguy hiểm nào?

Khi tạo ra được những phát minh mới mẻ, với những tiến bộ nhanh chóng, con người dễ rơi vào ảo tưởng cho mình là toàn năng, hoàn toàn tự trị, tách rời khỏi mọi ràng buộc xã hội và quên đi thân phận thụ tạo của mình.

10. Những định hướng của trái tim có vai trò nào trong mọi hoạt động của con người?

Tùy thuộc vào định hướng của trái tim, mọi thứ trong tay con người đều có thể trở thành cơ hội tốt đẹp, hoặc trở thành nguy cơ tai hại.

Chính thân xác con người, được tạo dựng để giao tiếp và hiệp thông, đã có thể trở thành một phương tiện gây hấn.

Cũng vậy, mọi phát triển về kỹ thuật của con người có thể là một phương tiện phục vụ yêu thương, hoặc thống trị đầy hận thù.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể góp phần vào quá trình giải phóng con người khỏi sự thiếu hiểu biết và tạo điều kiện trao đổi thông tin giữa các dân tộc và giữa các thế hệ khác nhau. Tuy nhiên, đồng thời, chúng cũng có thể là công cụ làm “ô nhiễm nhận thức”, thay đổi thực tại qua những câu chuyện sai một phần hoặc sai hoàn toàn, nhưng lại được tin tưởng và truyền đi như thể chúng là sự thật. Điển hình là những thông tin sai lệch được gọi là “deepfake”, đã tạo ra và phổ biến những hình ảnh có vẻ hoàn toàn hợp lý nhưng sai sự thật, hoặc gửi đi tin nhắn âm thanh sử dụng giọng nói của một người nói những điều mà người đó chưa bao giờ nói. Như thế, trí tuệ nhân tạo có thể hữu ích trong một số lĩnh vực cụ thể, nhưng rất nhiều khi cũng đã chứa đựng nội dung sai lạc, bóp méo mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thực tại, tạo ra biết bao nhiêu điều nguy hại.

11. Các thuật toán của trí tuệ nhân tạo có “trung lập” không?

Các thuật toán của trí tuệ nhân tạo không “trung lập” vì được tạo ra và được sử dụng bởi những con người có chính kiến riêng của họ. Để chống lại việc lạm dụng chúng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế làm việc cùng nhau để thông qua hiệp ước quốc tế, đưa ra những quy tắc cần thiết, nhằm định hướng sự phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo theo hướng phục vụ cho những điều tốt đẹp.

12. Các quy tắc quốc tế có thể hữu hiệu đến mức độ nào?

Như trong mọi bối cảnh của con người, các quy tắc vẫn luôn là không đủ. Song song với việc thực thi các quy tắc cụ thể, con người còn cần phải ý thức thực hiện một nguyên tắc chung, đó là: Tất cả mọi người được kêu gọi cùng nhau lớn lên -lớn lên trong nhân loại và với tư cách là nhân loại, một nhân loại phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa.

13. Ý thức về việc cùng lớn lên trong một nhân loại phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa, khiến người ta phải lo ngại về trí tuệ nhân tạo như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo đang có nguy cơ biến mọi thứ thành những tính toán trừu tượng, biến con người thành dữ liệu, biến suy nghĩ thành một giản đồ, biến trải nghiệm thành một trường hợp đơn độc, biến điều tốt lành thành lợi nhuận, và nhất là phủ nhận tính độc đáo của mỗi cá nhân cùng với lịch sử của họ.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể làm cho chúng ta tự do hơn, nhưng thay vì gia tăng tính đa nguyên của thông tin, người ta có nguy cơ bị trôi dạt trong vũng lầy vô danh, thoả mãn lợi ích của thị trường hoặc của các quyền lực.

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có nguy cơ dẫn đến suy nghĩ ẩn danh, thu thập dữ liệu không xác thực, đưa đến sự thiếu trách nhiệm biên tập tập thể. Các Big data-Dữ liệu lớn, dù hữu ích cho hoạt động của máy móc, thực tế làm mất mát đáng kể về tính chân thực của sự vật, cản trở giao tiếp giữa các cá nhân và có nguy cơ gây tổn hại đến chính nhân loại. Thông tin không thể tách rời khỏi các mối quan hệ hiện sinh. Chúng liên quan đến cơ thể, đến tương quan không chỉ dữ liệu nhưng còn cả kinh nghiệm của con người; chúng đòi hỏi khuôn mặt, ánh nhìn, lòng trắc ẩn...

14. Trí tuệ nhân tạo cần phải hỗ trợ cho báo chí như thế nào?

Cần phải sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các phóng viên báo chí tại hiện trường, giúp họ ý thức vai trò chủ thể, chứng kiến tận mắt sự kiện, ví dụ các phóng viên chiến trường, giữa các chiến dịch thông tin sai lệch, có khả năng phê bình chính xác khi tiếp xúc trực tiếp với đau khổ của trẻ em, phụ nữ và đàn ông trong cuộc chiến, hiểu rõ sự vô lý của chiến tranh…

15. Để có thể sinh ra được những ích lợi tốt đẹp cho nhân loại khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, người ta cần phải quan tâm giải quyết những vấn đề nào?

Để có thể sinh ra được những ích lợi tốt đẹp cho nhân loại, khi phát minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo, người ta cần phải quan tâm:

- bảo vệ phẩm giá của người lao động cùng với những người sử dụng truyền thông;

- bảo vệ khả năng tương tác của các nền tảng;

- trách nhiệm của các doanh nghiệp khi truyền thông và thu lợi nhuận;

- tính minh bạch của các tiêu chí thuật toán cơ bản;

- tính minh bạch của việc xử lý thông tin;

- cách xác định tác giả các bài viết và tính chính xác của một hình ảnh hoặc video;

- cách ngăn chặn việc nhiều nguồn bị giảm xuống thành một nguồn duy nhất;

- cách bảo tồn chủ nghĩa đa nguyên và thể hiện sự phức tạp của thực tại;

- sự tốn kém và cực kỳ tiêu hao năng lượng của trí tuệ nhân tạo;

- cách phổ biến trí tuệ nhân tạo cho các nước đang phát triển.

16. Cần phải làm những gì để giải quyết những vấn đề trên đây?

Để giải quyết những vấn đề trên đây, chúng ta cần phải phát huy sự khôn ngoan của trái tim và làm việc chung với nhau.

Chỉ khi nối kết với nhau và với mọi thời đại, cùng nhau phát triển sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể phân định, tỉnh thức và nhận định được mọi thứ cho đến khi chúng hoàn thành cách tốt đẹp.

Sự khôn ngoan của trái tim sẽ giúp chúng ta điều chỉnh hệ thống trí tuệ nhân tạo phù hợp với một nền truyền thông nhân bản trọn vẹn.


Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ