Diễn văn của Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Hội nghị "Minerva Dialogues” về công nghệ
Diễn văn của Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Hội nghị "Minerva Dialogues” về công nghệ
Sáng ngày 27/3/2023, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Hội nghị “Minerva Dialogues” tại Roma một buổi tiếp kiến riêng. Hội nghị do Bộ Văn hoá và Giáo dục Toà Thánh tổ chức thường niên, quy tụ các chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học, luật gia, triết gia trên thế giới và các đại diện Giáo hội với mục đích nghiên cứu và thúc đẩy nhận thức sâu sắc hơn về tác động xã hội và văn hóa của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Sau đây là nội dung bài Diễn văn của Đức Thánh Cha
Các bạn thân mến,
Xin chào mừng các bạn đang quy tụ tại Rôma để tham dự Hội nghị thường niên. Hội nghị quy tụ các chuyên gia từ thế giới công nghệ – các nhà khoa học, kỹ sư, giám đốc điều hành doanh nghiệp, luật gia và triết gia – cùng với các đại diện của Giáo hội – các quan chức Giáo triều, các nhà thần học và các nhà đạo đức học – với mục đích nghiên cứu và thúc đẩy nhận thức sâu sắc hơn về tác động xã hội và văn hóa của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Tôi đánh giá rất cao hành trình đối thoại này, mà trong những năm gần đây, đã giúp anh chị em chia sẻ những đóng góp và hiểu biết sâu sắc và trân trọng sự khôn ngoan của người khác. Sự hiện diện của anh chị em là một dấu chỉ cho thấy cam kết của anh chị em trong việc đảm bảo một cuộc thảo luận nghiêm túc và toàn diện ở cấp độ toàn cầu về việc sử dụng có trách nhiệm các công nghệ này, một cuộc thảo luận cởi mở với các giá trị tôn giáo. Tôi tin chắc rằng cuộc đối thoại giữa những người có niềm tin và những người không có niềm tin về những vấn đề căn bản của đạo đức, khoa học và nghệ thuật, cũng như về việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, là lộ trình dẫn đến hòa bình và phát triển con người toàn diện.
Công nghệ đã và đang mang lại những lợi ích lớn lao cho gia đình nhân loại. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến vô số tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực y học, kỹ thuật và truyền thông (x. Thông điệp Laudato si', 102). Khi thừa nhận những lợi ích thiết thực của khoa học và công nghệ, chúng ta cũng xem chúng như là bằng chứng về sự sáng tạo của con người và về sự cao quý của ơn gọi tham gia một cách có trách nhiệm vào hành động sáng tạo của Thiên Chúa (x. ibid., 131).
Từ góc độ này, tôi tin rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và máy học có tiềm năng đóng góp tích cực cho tương lai của nhân loại; chúng ta không thể loại bỏ nó. Đồng thời, tôi chắc chắn rằng tiềm năng này sẽ chỉ được hiện thực hóa nếu có sự cam kết kiên định và nhất quán từ phía những người phát triển các công nghệ này để hành động có đạo đức và trách nhiệm. Thật yên tâm khi biết rằng nhiều người làm việc trong các lĩnh vực này đang nỗ lực để đảm bảo rằng công nghệ luôn lấy con người làm trung tâm, luôn dựa trên nền tảng đạo đức, và luôn hướng tới những điều tốt đẹp. Tôi cũng rất vui khi biết rằng đã có sự đồng thuận về sự cần thiết của các quy trình phát triển nhằm tôn trọng các giá trị như tính toàn diện, minh bạch, bảo mật, công bằng, quyền riêng tư và độ tin cậy. Tôi cũng hoan nghênh những nỗ lực của các tổ chức quốc tế trong việc điều chỉnh các công nghệ này để chúng thúc đẩy sự tiến bộ đích thực, góp phần vào một thế giới tốt đẹp hơn và một chất lượng cuộc sống cao hơn một cách toàn diện (x. ibid., 194).
Không phải dễ dàng để có thể đạt được sự đồng thuận trong các lĩnh vực này. Thật vậy, “sự phát triển công nghệ đã không đi cùng với sự phát triển con người về trách nhiệm, các giá trị và lương tâm” (ibid., 105). Hơn nữa, thế giới ngày nay được đặc trưng bởi nhiều hệ thống chính trị, văn hóa, truyền thống, phương pháp tiếp cận triết học, và đạo đức, cũng như niềm tin tôn giáo. Các cuộc thảo luận ngày càng trở nên phân cực và nếu thiếu sự tin tưởng và tầm nhìn chung về những gì tạo nên phẩm giá của cuộc sống, các cuộc tranh luận công khai có nguy cơ trở thành tranh cãi và không có hồi kết.
Sự đồng thuận thực sự chỉ có thể là kết quả của một cuộc đối thoại dung nạp, trong đó mỗi người cùng nhau tìm kiếm sự thật. Điều này có thể xảy ra nếu chúng ta chia sẻ niềm xác tín rằng “Trong chính thực tại của con người và của xã hội, trong bản chất sâu xa của chúng có một loạt cơ cấu nền tảng nâng đỡ sự phát triển và tồn tại của cả hai” (Thông điệp Fratelli Tutti, 212). Giá trị cơ bản mà chúng ta phải nhìn nhận và cổ võ là giá trị của phẩm giá con người (x. ibid., 213). Do đó, tôi khuyến khích anh chị em, trong các cuộc thảo luận của mình, hãy coi phẩm giá nội tại của mỗi người nam nữ là tiêu chí chính trong việc đánh giá các công nghệ mới nổi; những điều này sẽ chứng minh là hợp lý về mặt đạo đức trong chừng mực chúng giúp tôn trọng phẩm giá đó và gia tăng biểu hiện của nó ở mọi cấp độ của đời sống con người.
Tôi thực sự quan ngại vì rằng, bằng chứng cho đến nay cho thấy công nghệ kỹ thuật số góp phần gia tăng sự bất bình đẳng trên toàn thế giới. Không chỉ là sự khác biệt về của cải vật chất, vốn cũng rất quan trọng, mà còn là sự khác biệt về khả năng tiếp cận ảnh hưởng chính trị và xã hội. Một số câu hỏi cần phải được nêu ra. Liệu các tổ chức quốc gia và quốc tế có khả năng buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về tác động xã hội và văn hóa của các sản phẩm của họ không? Liệu nguy cơ gia tăng bất bình đẳng có thể làm suy yếu ý thức liên đới con người và xã hội của chúng ta không? Liệu chúng ta có thể mất đi cảm thức về vận mệnh chung chăng? Mục tiêu thực sự của chúng ta phải là phát triển đổi mới khoa học và công nghệ đi kèm với sự bình đẳng và hòa nhập xã hội hơn (x. Sứ điệp video gửi Hội nghị TED ở Vancouver, ngày 26. 4. 2017).
Vấn đề bất bình đẳng có thể trở nên trầm trọng hơn do sự hiểu sai lệch về chế độ trọng dụng nhân tài làm xói mòn khái niệm về phẩm giá con người. Việc công nhận và khen thưởng công lao và nỗ lực của con người là có cơ sở hợp lý, nhưng cũng có nguy cơ là coi lợi ích kinh tế của một số ít là thứ kiếm được hoặc đáng được hưởng, trong khi sự nghèo đói của nhiều người, theo một nghĩa nào đó, bị coi là lỗi của chính họ. Cách tiếp cận này không xem xét đầy đủ xuất phát điểm bất bình đẳng giữa mọi người liên quan đến sự giàu có, cơ hội giáo dục và tương quan xã hội, đồng thời coi đặc quyền và lợi thế là thành tích cá nhân. Kết quả là – nói một cách dễ hiểu – nếu nghèo đói bị coi là lỗi của người nghèo, thì người giàu được miễn làm bất cứ điều gì về vấn đề này (x. Gặp gỡ các Đại diện của Thế giới Lao động, Genoa, ngày 27. 5. 2017).
Khái niệm về phẩm giá con người – và đây là trọng tâm – đòi hỏi chúng ta phải nhận ra và tôn trọng thực tế rằng giá trị cơ bản của một người không thể được đo lường chỉ bằng một tập hợp các dữ liệu. Trong quy trình đưa ra quyết định về kinh tế và xã hội, chúng ta cần thận trọng khi giao phó phán quyết cho các thuật toán xử lý dữ liệu, thường được thu thập một cách lén lút, về đặc điểm và hành vi trước đây của một cá nhân. Những dữ liệu như thế có thể bị ô nhiễm bởi những thành kiến và định kiến của xã hội. Không được lợi dụng hành vi trong quá khứ của một người để từ chối người đó cơ hội thay đổi, phát triển và đóng góp cho xã hội. Chúng ta không thể cho phép các thuật toán hạn chế hoặc đặt điều kiện cho sự tôn trọng phẩm giá con người, cũng như loại trừ lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự tha thứ, và trên hết, là niềm hy vọng rằng mọi người có thể thay đổi.
Các bạn thân mến, tôi xin kết thúc bằng việc tái khẳng định xác tín của tôi rằng, chỉ những hình thức đối thoại dung nạp thực sự mới có thể giúp chúng ta nhận thức một cách khôn ngoan làm sao để đưa trí tuệ nhân tạo và công nghệ kỹ thuật số vào phục vụ gia đình nhân loại. Câu chuyện Kinh thánh về tháp Babel (x. St 11, 1-9) thường được sử dụng như một lời cảnh báo về những tham vọng quá mức của khoa học và công nghệ. Kinh thánh thực sự cảnh cáo chúng ta về sự tự phụ muốn “một tháp có đỉnh cao chọc trời” (x. c. 4), nghĩa là, chiếm đoạt và sở hữu chân trời rộng lớn hơn của các giá trị vốn bao hàm và bảo vệ phẩm giá con người. Khi điều này xảy ra, sẽ luôn dẫn đến sự bất công nghiêm trọng trong xã hội. Câu chuyện Tháp Babel khiến chúng ta nghĩ đến sự khó khăn của việc làm một viên gạch: nó cần có bùn, rơm, công đoạn đúc khuôn và nung. Bất cứ khi nào một viên gạch bị vỡ, nó được coi là một tổn thất lớn; mọi người cùng phàn nàn "Chúng ta bị mất một viên gạch rồi!" Tuy nhiên, nếu một công nhân bị ngã, chẳng ai nói gì cả. Điều này làm cho chúng ta phải suy nghĩ: Cái gì quan trọng hơn? Viên gạch hay người công nhân? Đây là một sự khác biệt khiến chúng ta phải suy nghĩ. Kết quả của Tháp Babel, giống như tất cả các sự can thiệp của Thiên Chúa, việc tạo ra các ngôn ngữ khác nhau đã mở ra một khả năng mới. Do đó, chúng ta được mời gọi coi sự khác biệt và đa dạng như một nguồn phong phú, bởi vì sự đồng nhất, một sự đồng nhất áp đặt, không cho phép phát triển. Một sự đồng nhất nào đó về kỷ luật có thể là tốt, nhưng một sự đồng nhất áp đặt thì không. Thiếu sự đa dạng là thiếu sự phong phú, vì sự đa dạng buộc chúng ta phải học hỏi lẫn nhau và do đó khiêm tốn khám phá lại ý nghĩa và phạm vi đích thực của phẩm giá con người. Chúng ta đừng quên rằng sự khác biệt kích thích sự sáng tạo; “chúng tạo ra căng thẳng và khi giải quyết căng thẳng, nhân loại tiến bộ!” (Thông điệp Fratelli Tutti, 203), bất cứ khi nào sự căng thẳng được giải quyết ở cấp độ cao hơn, điều này không phá hủy các cực trong căng thẳng mà làm cho chúng trưởng thành.
Tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đối với các cuộc đối thoại của các bạn, và tôi cảm ơn các bạn đã nỗ lực lắng nghe và suy tư về những đóng góp của nhau. Tôi ưu ái ban phép lành cho các bạn và xin các bạn nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (27/3/2023)
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ