Công nghệ cải thiện cuộc sống con người, không tước đi mạng sống
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh điều này tại phiên họp thứ hai của Nhóm Chuyên gia Chính phủ (GGE) 2024 về các công nghệ mới nổi trong lĩnh vực các hệ thống vũ khí tự động gây chết người, diễn ra trong những ngày vừa qua tại Thuỵ Sĩ.
Nhắc lại bài phát biểu của Đức Thánh Cha về trí tuệ nhân tạo trong cuộc họp tại Ý của các lãnh đạo G7 vào ngày 14/6 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục nói Đức Thánh Cha kêu gọi các lãnh đạo “xem xét lại việc phát triển và sử dụng các thiết bị như cái gọi là ‘vũ khí tự động gây chết người’ để đi đến việc cấm sử dụng. Điều này bắt đầu từ một cam kết hiệu quả và cụ thể nhằm đưa ra sự kiểm soát ngày càng tốt và đầy đủ hơn. Không một loại máy nào được phép tước đi mạng sống con người". Tuy nhiên, đối với vị đại diện Toà Thánh, chiến trường ngày nay “đang trở thành nơi thử nghiệm các loại vũ khí ngày càng tinh vi”.
Đức Tổng Giám Mục xác nhận và ủng hộ cách tiếp cận của Nhóm chuyên gia phân tích các chức năng tiềm ẩn và các khía cạnh công nghệ của các hệ thống vũ khí tự động, bởi vì việc xác định các hệ thống không phù hợp với luật nhân đạo quốc tế và các nghĩa vụ quốc tế khác có thể có tác dụng rất lớn trong việc thiết lập các lệnh cấm và hạn chế.
Đối với Tòa Thánh, các hệ thống vũ khí tự động không thể được coi là những thực thể có trách nhiệm về mặt đạo đức. Thực tế, con người được ban lý trí, có khả năng duy nhất để phán đoán và đưa ra quyết định về mặt đạo đức mà không một thuật toán nào dù phức tạp đến đâu có thể sao chép được.
Đức Tổng Giám Mục Balestrero nhắc lại sự khác biệt giữa “lựa chọn” và “quyết định”. Trong khi máy móc chỉ đưa ra các lựa chọn kỹ thuật thuật toán, con người không chỉ lựa chọn mà trong thâm tâm còn có khả năng quyết định.
Vì lý do này, Đức Tổng Giám Mục nói cần phải “đảm bảo và bảo vệ một không gian để con người kiểm soát thích đáng đối với những lựa chọn do các chương trình trí tuệ nhân tạo đưa ra: phẩm giá con người tự nó phụ thuộc vào điều này”.
Cuối cùng, đại diện Toà Thánh nhấn mạnh: việc phát triển vũ khí ngày càng tinh vi chắc chắn không phải là giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Những lợi ích mà nhân loại có thể có được từ tiến bộ công nghệ hiện tại sẽ phụ thuộc vào mức độ song hành giữa tiến bộ này với sự phát triển đầy đủ về trách nhiệm và vào các giá trị đặt tiến bộ công nghệ phục vụ công ích và sự phát triển con người toàn diện.