Skip to content
Top banner

Bạn có biết ai đứng đàng sau những tin tức ta đọc ta nghe?

THTT-01
2023-01-08 08:32 UTC+7 182

Phụng Nghi (VietCatholic News 14/07/2009)


COLORADO SPRINGS, Colorado, (Zenit.org) - Giới truyền thông có một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao trong việc hình thành công luận, và điều khẩn thiết là người Công giáo phải tìm hiểu xem tin tức được tường trình ra sao, ai là những người đứng phía sau những tin tức đó.


Đó là lời phát biểu của Đức Tổng giám mục Charles Chaput, tổng giám mục Denver tuần qua trong một bài diễn từ đọc trước Legatus, một tổ chức mục vụ cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Công giáo.


Bài nói chuyện của ngài nhan đề “Người Công giáo và “Đẳng cấp thứ Tư”. Từ ngữ này được thành hình vào thời cách mạng. Vào thời điểm đó, ở Pháp, ba cột trụ chính của xã hội – là hàng giáo sĩ, giai cấp quý tộc, và thường dân – được gọi là ba “đẳng cấp” của xã hội Pháp.


Chính trong bối cảnh đó mà báo chí được mệnh danh là “đẳng cấp thứ tư”, nhằm để công nhận quyền lực và ảnh hưởng của chữ viết.


Tổng giám mục Chaput khẳng định: “Giới truyền thông Mỹ có một sức mạnh rất lớn lao trong việc uốn nắn công luận. Vì thế, điều quan trọng là người Công giáo phải tìm hiểu xem truyền thông hoạt động ra sao, và đặc biệt là ảnh hưởng của họ đối với chúng ta như thế nào.”


“Hầu hết những tin tức thế giới chúng ta biết được là đến từ những người chúng ta chưa hề gặp gỡ và thực sự chưa hiểu biết họ. Ngay cả đến chuyện chúng ta không nghĩ họ là những cá thể nữa. Mà chúng ta thường nói về họ như một tập thể -- gọi họ là “giới truyền thông” hoặc “giới báo chí.”


“Thế mà phía sau mỗi bài xã luận đăng trên tờ Los Angeles Times hay một bản tin loan đi từ đài truyền hình Fox, lại là những con người, mang nơi họ những quan niệm riêng biệt, những thiên kiến cá nhân. Những con người đó chọn lựa và bố cục các tin tức. Và mỗi khi chúng ta đọc các bài báo của họ hay coi các show của họ trên đài truyền hình, đó là chúng ta gặp gỡ họ trong một thứ khung cảnh trí thức thân mật giống như quý vị đang nghe tôi nói lúc này đây.”


Tuy ngài thừa nhận “đó không nhất thiết là một nghề nghiệp xấu” nhưng ta phải nhận thức được ai là những người đứng đàng sau những tin tức đó.


“Thường thì chúng ta biết rất ít về người viết một bài bình luận trên báo mà không ký tên, hay là người làm những bản tin tức buổi tối trên đài truyền hình. Đó là điều đáng nói tới. Đây là lý do tại sao: Trong một xã hội cần biết đến tin tức, những người hình thành ra các bản tin là những người sẽ kiểm soát được công luận.”


Mệnh danh giới truyền thông và các kỹ thuật họ sử dụng là một “thứ đế quốc mềm dẻo”, Đức tổng giám mục cho biết rằng “dù muốn dù không, hầu hết mọi người chúng ta coi việc này việc kia là “tin tức” khi đó là những sự kiện được chú ý nhiều nhất bởi một nhúm người trong ngành truyền thông lớn.”


“Quyền lực của giới truyền thông trong việc uốn nắn tư tưởng của công chúng, là lý do tại sao điều quan trọng đối với chúng ta là hiểu được yêu tố con người của họ. Khi chúng ta không nhận ra cá tính của những người nam nữ loan báo tin tức cho chúng ta – tức là những quan điểm của họ về văn hóa về chính trị, những áp lực về kinh tế, những tham vọng xã hội của họ -- thì chúng ta thất bại trước báo giới vì đặt họ vào tiêu chuẩn quá thấp. Chúng ta cũng có thể -- điều này còn quan trọng hơn nữa – là làm thất bại chính chúng ta vì không suy nghĩ và hành động chín chắn như những người công dân thông tuệ.”


Ít suy tưởng


Đức tổng giám mục Chaput cũng nói về Internet và hệ thống tin tức truyền qua mạng cable 24 giờ mỗi ngày đã thay đổi đến tận gốc rễ không những chu kỳ tin tức (thường đánh dấu bằng những ấn bản buổi sáng và buổi chiều của một tờ nhật báo) mà còn về cách thức xã hội tiêu thụ tin tức nữa.


“Trong vòng 50 năm qua, nền văn hóa của chúng ta đã chuyển đổi từ những chữ được in ra sang những thông tin thị giác, nghiêng nhiều hơn vào sự tiêu thụ bằng cảm quan và thụ động. Điều này gây ra những hệ quả: Khi một nền văn hóa bằng chữ in chết đi, thì những tư tưởng, định chế và ngay cả những tập quán trong cách hành xử công cộng được xây dựng trên nền văn hóa đó cũng bắt đầu yếu đi.


Truyền thông bằng thị giác và điện tử, hiện nay đang giữ ưu thế nổi trội, lại cần đến một loại nội dung nào đó. Chúng phát triển mạnh về tính ngắn gọn, tốc độ, thay đổi, cấp thiết, đa dạng và cảm ứng. Còn suy tưởng thì lại cần những gì ngược lại. Suy tưởng cần đến thời giờ. Cần tĩnh lặng và những kỹ năng luận lý có phương pháp.”


Tuy công nhận rằng kỹ thuật mới có những điều lợi là truy cập được nhiều tin tức hơn, nhưng Tổng giám mục Chaput trách cứ nó đã “làm hại đến kỷ luật trí thức mà đã có thời chúng ta sở đắc, khi dụng cụ chính của chúng ta trong việc truyền thông là sách vở hoặc sản phẩm in ấn. Đây không phải là một bước phát triển tốt đẹp. Quả vậy, đó là điều rất nguy hiểm trong một thể chế dân chủ, một hình thức chính quyền đòi hỏi các công dân phải trưởng thành về luân lý và trí thức để sống còn.”


Tuy không thúc giục người ta bỏ đi các máy điện toán, điện thoại cầm tay và các dụng cụ gắn liền với kỹ thuật mới khác, nhưng Đức tổng giám mục kêu gọi ta nhớ rằng “sự tiến bộ vật chất không bao giờ là một điều may mà chẳng có pha trộn với điều không may.”


Ngài giải thích: “Nó cho đấy, nhưng rồi lại lấy đi. Và nó luôn luôn có những hậu quả ngoài ý muốn, có nghĩa là chúng ta cần phải cảnh giác hơn – chứ không kém – về cách thức giới truyền thông báo chí uốn nắn chúng ta ra sao, và ảnh hưởng của chúng trong việc hình thành nội dung cuộc sống công cộng của chúng ta như thế nào.”


Hiểu đúng


Mối quan tâm thứ hai mà Tổng giám mục Chaput đặt ra là truyền thông đã lạc lối khi không loan tin với một “tinh thần ngay thẳng”.


Ngài giải thích bằng cách nhắc nhở rằng báo chí đã có một vai trò quan trọng trong nền trật tự công cộng ở Mỹ: “Báo chí là lãnh vực duy nhất ngoài tôn giáo được minh nhiên che chở bởi Tu chính án Thứ nhất. Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, Thomas Jefferson đã đặt tầm quan trọng của một nền báo chí tự do khi ông viết như sau: “Không có thử nghiệm nào thích thú hơn điều chúng ta đang nỗ lực và tin tưởng sẽ kết thúc trong việc tạo ra sự kiện, là con người phải được quản trị bằng lý trí và sự thật. Do đó mục tiêu đầu tiên của chúng ta là mở rộng cho con người tất cả đường lối dẫn đưa đến sự thật. Điều hiệu quả nhất tìm ra được, đó là tự do báo chí.”


Tổng giám mục gọi những lời của Jefferson “gây ấn tượng sâu sắc, bởi vì việc bảo vệ một nền tự do báo chí nhấn mạnh rằng sự tự do là một phương tiện chứ không phải là một cứu cánh trong chính nó. Hãy chú ý đến điều ông ấy xác định là mục đích của tự do báo chí: lý trí và sự thật cần có để tự quản trị.


“Nhưng ở thời đại của chúng ta, sự hình thành tin tức -- ngay cả khi thảo luận về những vấn đề nghiêm chỉnh – thường ít quan tâm đến lý trí và sự thật hơn là quan tâm về điều mà Christopher Lasch gọi là “những điệu bộ lý tưởng”, nói cách khác, những âm thanh và khẩu hiệu vẽ ra để uốn nắn tư tưởng của chúng ta hơn là khuyến khích những tư tưởng đó.


Ngài nói: “Giới truyền thông tin tức, mặc dầu cho rằng mình vô tư không thiên vị, và mặc dầu thường thành đạt được những việc tốt, nhưng có khuynh huớng nghiêng về thiên kiến, vô minh, yếu kém nghề nghiệp và được tổ chức thành những bộ lạc như biết bao nhiêu ngành nghề khác. Nhưng không giống như những nghề nghiệp khác, báo chí lại được hiến pháp che chở. Nó lại còn có thực quyền trong việc uốn nắn cách thức chúng ta suy nghĩ, điều chúng ta suy tưởng, cái chúng ta ưa thích, không ưa hay không đếm xỉa tới.


Truyền thông Mỹ, gồm cả ngành truyền thông báo chí, là công đoàn lớn lao nhất trong lịch sử. Và thứ quyến lực đó, nếu không làm cho chúng ta cảm thấy lo lắng băn khoăn, ít nhất nó cũng làm cho chúng ta cảnh giác.”

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ