Skip to content
Top banner

An toàn trên mạng

THTT-01
2022-11-11 19:40 UTC+7 133

Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của mọi người là gì? Chắc hẳn rằng, ngoài mấy chuyện như vệ sinh cá nhân hay ăn sáng uống cafe, thì việc đầu tiên của con người hiện tại là với lấy một thiết bị điện tử thuận tiện và “lướt”. Đọc vài tin tức phục vụ công việc. Trả lời những tin nhắn còn tồn đọng từ tối qua. Hoặc là hóng diễn biến một câu chuyện, sự kiện nào đó mà mình đang theo dõi. Dù là vì mục đích gì, thì việc lướt web, lướt các trang mạng xã hội, từ lâu đã trở thành “món chính” không thể thiếu trong buổi sáng của cuộc sống mỗi người.


Mỗi người chúng ta đã từng sử dụng bao nhiêu app/ứng dụng trò chuyện? Một? Hai? Ba? Hay nhiều hơn? Đó là Facebook, là Instagram, Zalo, Viber, hay Telegram, Line, hoặc WhatsApp? Chỉ mới kể sơ sơ, đã có ít nhất gần 10 ứng dụng mà hầu hết mọi người đều quen thuộc trong việc trao đổi thông tin hằng ngày. Trong đợt đại dịch vừa qua, từ các app dùng để trò chuyện này, người ta nâng tầm thành app phục vụ cho các buổi học, các kỳ họp, hạn chế tập trung và tiếp xúc, phát huy tối đa tính ứng dụng của chúng để phục vụ cho cuộc sống.


Giữa những tiện ích liệt kê hoài chẳng hết ấy, chúng ta vẫn có những chữ “nhưng” đáng tiếc.


Không khó để thấy những thông tin nhan nhản như lừa tình, lừa tiền qua mạng.


Dễ dàng đọc được vài ba dòng tuyển dụng với mức lương hấp dẫn.


Nhan nhản những lời lẽ không mấy tốt đẹp nào đó về một vụ bê bối hoặc đơn giản là bình luận về một bức ảnh mà phần đông cho rằng “không phù hợp”.


Để rồi…


Trong vài tháng gần đây, báo chí xôn xao việc nhiều người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ vô tình trở thành nạn nhân của những đường dây buôn bán lao động xuyên quốc gia khủng khiếp.


Từ những bình luận, chỉ trích kia, dễ dàng khiến những cô cậu bé còn đang ở độ tuổi học trò tự tìm đến con đường tuyệt vọng. Thậm chí, cả những nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng cũng không thoát khỏi kết cục bi thương đó, tất cả chỉ vì sự tự do ngôn luận thái quá mà con người tự cho mình cái quyền thể hiện ở vùng đất mà họ đi không ai biết, ở cũng chẳng ai hay.


Người ta hay gọi thế giới trên mạng là “ảo”, nhưng kết quả mà con người nhận được, lại là những kết quả “thật”, không cách nào chối bỏ.


Tôi từng băn khoăn tự hỏi, tại sao con người ta lại hay theo dõi những tin tức mang tính tiêu cực nhiều hơn là tích cực đến thế? Và rồi, tôi nhận ra, sẽ có những nguyên nhân này. Một, đọc tin tiêu cực, để họ có một vốn kiến thức về vấn đề đó trong cuộc sống, từ đó, nếu vô tình họ gặp nó trong cuộc sống của mình, vốn đã có thông tin từ trước, họ sẽ có cách đối phó. Nguyên nhân này căn bản đem lại lợi ích cho con người. Hai, tôi từng đọc một bài báo nghiên cứu về vấn đề này. Một cách diễn giải khác của Trussler và Soroka đó là: “Chúng ta thường chú ý đến tin xấu, bởi vì chúng ta tin rằng thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn thực tế. Hầu hết trong số chúng ta đều tin rằng mọi việc cuối cùng sẽ vẫn ổn”.


Tôi hay nghe mọi người than thở về cái gọi là “cô đơn trên mạng”. Người ta lập luận rằng, thế giới ngày càng phát triển, con người dễ dàng kết nối với nhau xuyên quốc gia, xuyên lục địa, xuyên đại dương vân vân và mây mây, nhưng kì thực, nhìn lại, vẫn là chính họ với bốn bức tường, với một hoặc nhiều màn hình điện tử, và với vài thao tác. Nhiều khi họ nói chuyện với người lạ, chia sẻ những câu chuyện thầm kín nhất và nghĩ rằng tâm sự với người lạ cũng tốt, giúp họ vơi bớt nỗi buồn hoặc thực tại cuộc sống. Nói cách khác, với nhiều người, cuộc sống hiện thực là “ảo”, nơi đó họ phải gồng mình để làm tròn bổn phận của một con người trong xã hội, còn trên thế giới “ảo”, đó mới là nơi để họ phơi bày con người thật sự của mình.


Quá là mâu thuẫn.


Vậy, làm cách nào để không cô đơn trên mạng? Làm cách nào để không mắc bẫy mạng xã hội? Làm cách nào để con người dung hòa được cuộc sống hiện thực và thế giới rộng lớn gấp bội phần trên mạng kia?


Với kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ rằng mỗi người nên chọn cho mình những “từ khóa”. Các từ khóa này có thể hiểu là kiểu/ thể loại thông tin chúng ta đang cần, lĩnh vực chúng ta muốn tìm hiểu, kiến thức chúng ta muốn học hỏi và mở rộng. Các thông tin tiêu cực, một mặt, chúng ta vẫn cần nó, như tôi đã chia sẻ, nó giúp ta biết và tránh khỏi vài chuyện không hay, nhưng chúng ta cần bình tĩnh để tránh những ảnh hưởng không tốt mà nó mang đến. Các app/ứng dụng trò chuyện, chúng ta vẫn cần để kết nối với thế giới, nhưng không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, các chuyện riêng tư cho người lạ, vì chúng ta không lường trước được rằng mình có thể biến thành nạn nhân cho những phi vụ xấu xa bất cứ lúc nào.


Tôi thường xuyên dùng instagram để phục vụ cho công việc và tìm hiểu kiến thức. Ngoài những người bạn tôi đã gặp và nói chuyện thường xuyên, thường cũng sẽ có nhiều người mới sẽ nhắn tin và kết bạn. Trong số các câu hỏi mà tôi đọc được trong mục “tin nhắn chờ”, có đến hơn 10 người sẽ hỏi tôi kiểu “How old are you?”( Bạn bao nhiêu tuổi?), “Are you married? (Bạn kết hôn chưa?)” hoặc “Do you have children?” (Bạn có con không?)”, tuy nhiên, chỉ có duy nhất 1 người hỏi tôi “You also read Lu Xun’s book? That’s my favorite author” (Bạn cũng đọc sách của Lỗ Tấn? Đó là tác giả yêu thích của tôi) sau khi thấy tôi đăng một cuốn sách của nhà văn yêu thích của mình. Với ba câu hỏi đầu, tôi thường lịch sự trả lời rằng mình đã kết hôn và có con để xem phản ứng của người ta thế nào, kết quả không nằm ngoài dự đoán là chỉ một chữ “seen” (đã xem) ngắn gọn. Nhưng, với câu hỏi thứ 4, kết quả là chúng tôi làm bạn với nhau được khá lâu, và thường xuyên chia sẻ những cuốn sách mà chúng tôi đã được, những vùng đất mà chúng tôi đi qua, những nền văn hóa mà chúng tôi ngưỡng mộ, hoặc những mục tiêu mà chúng tôi đang theo đuổi trong cuộc đời. Hoặc, họa sĩ người Nam Phi – Mbongeni Buthelezi, 56 tuổi, ông chia sẻ với tôi rằng mình đã dành vài năm để nghiên cứu việc vẽ những bức tranh từ rác thải nhựa. Ông luôn hứng thú với công việc của mình, cố hết sức để truyền cảm hứng cho mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Ông nói rằng hy vọng một ngày nào đó, ông sẽ đến và tổ chức một cuộc triển lãm và một hội thảo tại Việt Nam. Mọi người có thể tìm tên ông trên google để xem các bức tranh mà ông đã thực hiện, rất độc đáo và ấn tượng. Đó là hai trong số những mối quan hệ tốt đẹp mà tôi may mắn có được thông qua ứng dụng. Chúng tôi chưa gặp nhau, điều đó, như bạn tôi nói, nó không quan trọng. Cái quan trọng là những gì chúng tôi chia sẻ, nó mang chiều hướng tích cực cho cuộc sống của chúng tôi, khuyến khích mỗi cá nhân trở thành phiên bản tốt hơn của hiện tại và cố gắng không ngừng để đạt được mục tiêu của đời mình.


Truyền thông là một nồi lẩu thập cẩm, sẵn sàng chiều khẩu vị của tất cả mọi người. Chỉ cần vài thuật toán phân tích dựa vào việc chúng ta đọc và theo dõi tin tức hằng ngày, các trang mạng, các app/ứng dụng sẵn sàng đưa ra một loạt gợi ý, đường link dẫn đến những thông tin tương tự, và làm mọi cách để chúng ta càng đọc, chúng ta lại càng hăng say và thích thú. Điều đó rất tốt, đó là tính tiện dụng của thời đại công nghệ để giúp con người tiết kiệm thời gian tìm kiếm những thông tin họ thực sự cần, nhưng nó sẽ là xấu nếu chúng ta sa đà và mất thời gian vào những điều không phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu của bản thân.


Tỉnh táo trước những cám dỗ của thế giới mạng. Tạo cho mình những “từ khóa” để không lạc lối. Đặt nghi vấn trước những thông tin mà chúng ta nghi ngờ. Có như thế, chúng ta mới có thể bảo vệ bản thân, và từ đó, thấy được sự tích cực mà mạng lưới thông tin truyền thông đem lại.


Vì, suy cho cùng, truyền thông không xấu, các app/ứng dụng không xấu. Chúng được phát minh ra để phục vụ con người. Chỉ có con người biến tướng chúng, rồi quay ngược lại quy chụp cho rằng chúng là xấu mà thôi.


-Tùy Phong-


Nguồn: sdb.vn

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ