Thần học Truyền thông và mục vụ Thánh Kinh
Giao tiếp là một trong những yếu tố cốt yếu nhất của con người. Chúng ta không thể tránh không giao tiếp để sống với người khác trong xã hội. Theo Bernhard Haering (1973, 155), lý do tại sao con người có thể giao tiếp được đó là vì chúng ta đã được dựng nên “theo hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa vốn là Đấng thông truyền. Bởi vậy, truyền thông trở thành một nguyên lý thần học để nhìn toàn bộ nền thần học, bao gồm cả thần học Thánh Kinh. Thánh Kinh là sưu tập những kinh nghiệm về Lời và Mạc khải của Thiên Chúa truyền đạt cho chúng ta qua phương tiện truyền thông là một bộ sách.
Trong bài tham luận này, tôi sẽ ngắn gọn đề cập đến sự phát triển của thần học truyền thông và các yếu tố căn bản của nền thần học này, và sau đó, việc truyền đạt Thánh Kinh và các hệ quả của nó.
I. Thần học Truyền thông
Thần học truyền thông nhìn toàn bộ nền thần học dưới góc độ của sự truyền thông. Tuy nhiên, trong sự phát triển của nền thần học này, có ít là ba cách tiếp cận thần học và truyền thông khác nhau. Cách tiếp cận thứ nhất là phát triển một nền Thần học về Truyền thông nhằm tìm cách “rửa tội” cho các phương tiện truyền thông và đưa các phương tiện này vào trong lòng tin Kitô hữu. Nền thần học này xem các mass media và toàn bộ các phương tiện truyền thông như quà tặng của Thiên Chúa để sử dụng trong công việc tông đồ và sứ vụ của chúng ta. Tiếp cận thứ hai là tìm cách phát triển nền Thần học Truyền thông nhằm giới thiệu hay dạy thần học theo một cách giản dị và có tính cách truyền thông hơn, làm sao để người dân bình thường có thể hiểu được. Đó là nỗ lực tìm cách trả lời cho những khát vọng thâm sâu và những chờ đợi của con người hiện đại nơi công việc tông đồ và sứ vụ của Giáo Hội.
Tiếp cận thứ ba được chúng ta gọi là Thần học Truyền thông xem truyền thông như một khái niệm thần học. Tự nó là một thuật ngữ có tính thần học (Gisbert Greshake). Đây không phải là một nền thần học nhắm “rửa tội” cho truyền thông, mà là tìm hiểu toàn bộ nền thần học dưới nhãn giới của truyền thông. Nếu thần học là tìm hiểu về Thiên Chúa thì thần học truyền thông là tìm hiểu về Thiên Chúa vốn là một Thiên Chúa mạc khải, Đấng truyền đạt, thông truyền. Ngài truyền đạt chính mình Ngài cho thế giới và làm thế giới có khả năng truyền đạt chính mình đến mức công cuộc tạo dựng khi truyền đạt trở thành giống Ngài và đạt tới sự hiệp thông chặt chẽ nhất với Ngài. Trong nhãn giới này, mối quan tâm thiết yếu của Thần học là thực hiện sự truyền đạt, truyền thông phổ quát” (2002, 5-6).
II. Các yếu tố căn bản của Thần học Truyền thông
1. Mạc khải
Mạc khải là việc Thiên Chúa truyền đạt chính mình Ngài. Toàn bộ Cựu Ước có thể được nhìn như một tập hợp mạc khải chính mình của Thiên Chúa với Israel. Quả là tuyệt vời khi được thấy Thiên Chúa tự mạc khải qua nhiều cách thức, dấu chỉ và biểu tượng khác nhau. Ngài tự mạc khải trong đám mây, gió thổi, bụi gai bốc cháy, và Ngài đích thân gặp gỡ con người và phán bảo qua các ngôn sứ và các nhân vật được tuyển chọn khác. Thư gửi tín hữu Hipri tổng kết điều này bằng câu nói: “Đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri” (Hr 1,1).
Nói về Kinh Thánh như sưu tập mạc khải của Thiên Chúa, Franz-Josef Eilers viết: “Thiên Chúa thông đạt qua nhiều kiểu, qua lời nói hay không qua lời nói và cuối cùng sự thông đạt của Ngài được giới thiệu, được duy trì và đóng dấu trong một tập sách, một phương tiện truyền đạt vốn là chứng từ về hành động truyền đạt của Thiên Chúa” (2009, 28).
2. Nhập thể
Nhập thể là đỉnh điểm của việc Thiên Chúa thông truyền chính mình Ngài. Lời và người Con Một của Ngài đã thành xác phàm nơi con người Đức Giêsu Kitô. Như thư gửi tín hữu Hipri mô tả, “vào thời sau hết, tức là những ngày này, Ngài đã nói với ta nơi một Người Con mà Ngài đã đặt làm Đấng thừa tự tất cả mọi sự và cũng nhờ Người mà Ngài đã làm ra các thế giới. Người là phản ảnh của vinh quang, là ấn tượng của bản lĩnh Ngài…” (Hr 1,1-3).
Chúa Giêsu, với tư cách là Lời của Thiên Chúa, truyền đạt Thiên Chúa qua các hoàn cảnh của cuộc đời của Người, qua việc trở thành xác phàm, sinh ra trong máng cỏ, qua những năm tháng an bình trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, qua cuộc thống khổ và cái chết và sống lại của Người. Người đã mạc khải một cách sống động tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới. Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng về Nước Chúa một cách không mệt mỏi. Người giảng dạy ở nhiều nơi khác nhau, tại hội đường, nhà tư, nơi chợ búa, bên đường. Người sử dụng ngụ ngôn và truyện kể để nói với dân trong chính kinh nghiệm sống của họ và không hề ngừng hiệp thông với Cha Người trong cầu nguyện. Người không chỉ rao giảng Lời mà còn sống Lời qua sự phó thác sâu sắc và trọn vẹn cho Cha tới cái chết trên thập giá. Sau khi sống lại, Người trao cho các kẻ theo Người nhiệm vụ tiếp tục truyền giảng sự thông truyền đầy lòng yêu thương của Thiên Chúa cho toàn thể loài người, cho đến ngày cùng thế tận (Mt 28,19). Qua cuộc đời của Người, Chúa Giêsu đã định nghĩa ‘truyền thông’ như sự ‘tự hiến mình trong yêu thương’ (Communio et Progressio 12), và Người chính là “Đấng thông truyền Thiên Chúa một cách trọn hảo” (11).
3. Hội Thánh
Như đã đề cập đến trên đây, Hội Thánh được kêu gọi và được sai đi tiếp tục sự truyền đạt Ba Ngôi của Thiên Chúa trong Mạc khải và Nhập thể, ở đây và lúc này, của mọi thời và mọi nơi (Eilers, 2009, 31). Hội Thánh này đã ra đời trong hành động thông truyền của Thánh Thần Thiên Chúa trong ngày Hiện Xuống. Và cộng đồng Hội Thánh trở thành một nhóm những sứ giả về mạc khải của Thiên Chúa cho toàn thế giới. Qua Hội Thánh, mạc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô được mở ra dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần trong “koinonia” và “diakonia” của tín hữu như kinh nghiệm sống và chứng nhân về Lời hay sự thông truyền của Thiên Chúa hôm nay. Do đó, truyền thông là cốt yếu đối với Hội Thánh (xem Ad Gentes, số 2).
Có hai cách tiếp cận truyền thông của Giáo Hội, một là ad intra, đối nội, có nghĩa là truyền thông trong Hội Thánh, và chủ yếu quy về cái chúng ta gọi là Truyền thông có tính cách Mục vụ. Cách thứ hai là ad extra vốn quy về sự truyền thông của Hội Thánh đối với người không tin; đó là Truyền Thông Tin Mừng hóa. Bên cạnh việc rao giảng, phụng vụ, dạy giáo lý và diakonia, sứ vụ mục vụ Thánh Kinh là một trong những chiều kích quan trọng nhất đối với truyền thông mục vụ của Giáo Hội.
III. Truyền Thông và Thừa tác vụ Mục vụ Thánh Kinh
Mạc khải của Thiên Chúa được thông truyền cho chúng ta nhờ một phương tiện của truyền thông, một bộ sách, đó là Thánh Kinh. Mục vụ Thánh Kinh là sứ vụ của Hội Thánh tiếp tục loan báo và thông truyền Lời của Thiên Chúa trong thời đại và thế giới của chúng ta. Mọi truyền thông mục vụ hay thừa tác vụ của Hội Thánh đều phải bắt đầu từ Thánh Kinh.
Văn kiện của Ủy ban Thánh Kinh Tòa Thánh về “việc giải thích Thánh Kinh trong Hội Thánh” (tháng Tư, 1993) đưa ra một số ưu tiên cụ thể đối với truyền thông trong thừa tác vụ Thánh Kinh. Như đối với vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội trong truyền thông Thánh Kinh, văn kiện giới thiệu ba lĩnh vực căn bản (xem Eilers, 2009, 115).
1. Xuất bản
Xuất bản “đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đưa Lời Chúa đi xa hơn và rộng hơn”. Bên cạnh việc xuất bản các bản văn được in ấn, các phương tiện truyền thông khác mạnh hơn và nhanh hơn như truyền thanh, truyền hình và các phương tiện điện tử khác cũng được nói tới. Văn kiện khẳng định rằng “quả là rất có lợi khi biết cách sử dụng các phương tiện này” để loan báo Lời Chúa. Các phương tiện này giúp “làm cho tín thư Thánh Kinh trở thành hiện thực cho ngày hôm nay”.
2. Hiện tại hóa và Hội nhập văn hóa
Việc hiện tại hóa và hội nhập văn hóa tín thư của Thánh Kinh thực sự là một nhiệm vụ truyền thông. Đó là một nỗ lực “bao hàm một cố gắng chú giải, điều chính yếu của việc chú giải này là vượt khỏi các điều kiện lịch sử để định rõ những điểm thiết yếu của tín thư qua việc thực tâm tìm cách khám phá điều bản văn muốn nói vào lúc này”. Bản văn giới thiệu ba bước trong việc hiện tại hóa Lời Chúa: bước thứ nhất là lắng nghe Lời từ bên trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người; bước thứ hai là nhận ra các khía cạnh của tình hình hiện tại cần phải được bản văn Thánh Kinh soi sáng hay đặt vấn đề; bước thứ ba là rút ra từ ý nghĩa viên mãn chứa đựng trong bản văn Thánh Kinh, các yếu tố có thể đẩy tình hình hiện tại đi tới theo một cách thức đem lại nhiều kết quả và phù hợp với ý định cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Bản văn viết: “Bởi sức mạnh của việc hiện tại hóa, Thánh Kinh có thể soi sáng nhiều vấn đề đang diễn ra”.
Đối với việc đưa Thánh Kinh hội nhập vào văn hóa, phải áp dụng nguyên tắc của truyền thông liên văn hóa, và dẫn đến việc thiết lập các nền văn hóa Kitô giáo địa phương, mở rộng tới tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Đây không phải là một diễn tiến độc chiều, nhưng bao hàm tác động làm giàu lẫn nhau.
3. Tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ quan điểm của ngài về mối quan hệ giữa phương tiện truyền thông và truyền thông Thánh Kinh và nói: “Khi sự gặp gỡ giữa Mạc khải của Thiên Chúa và phương tiện hiện đại được thực hiện trong sự tôn trọng sự thật của thông điệp Thánh Kinh và việc sử dụng đúng đắn các phương tiện kỹ thuật, nó sẽ đem lại vô số kết quả tốt đẹp. Một mặt, nó nâng phương tiện truyền thông đại chúng lên thành một trong những nhiệm vụ cao cả nhất, có thể, một cách nào đó, giải thoát nó khỏi việc sử dụng không đúng, đôi khi, tầm thường hóa. Mặt khác, nó đem lại nhiều khả năng mới hữu hiệu và phi thường đối với việc đưa quần chúng đến với Lời Chúa được truyền đạt vì sự cứu rỗi loài người” (Diễn văn trước các học giả Thánh Kinh và chuyên gia truyền thông, 28/9/1998).
Các cách thức khác của Mục vụ Thánh Kinh
- Xuất bản và phổ biến Thánh Kinh.
- Hiện tại hóa và hội nhập văn hóa thông điệp của Thánh Kinh trong bối cảnh cuộc sống của người dân.
- Lectio Divina (đọc và chiêm niệm Lời Chúa).
- Các nhóm chia sẻ Thánh Kinh.
- Mạng chia sẻ và tìm hiểu Thánh Kinh bởi các mạng lưới xã hội.
- Các bản văn Thánh Kinh cho bản văn truyền thông.
- Chia sẻ Thánh Kinh và trao đổi trên mạng.
IV. Đạo đức truyền thông đối với các mục tử Thánh Kinh
Một người làm công tác truyền thông Thánh Kinh và một mục tử cần có một nền đạo đức khởi đầu với kinh nghiệm và lửa của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa và sự sẵn sàng chia sẻ sự viên mãn và niềm vui của Tin Mừng cho người khác. Đây là điều chúng ta có thể gọi là nền đạo đức truyền thông. Nó đòi hỏi mỗi người làm công việc truyền thông Thánh Kinh phải mở lòng mình trước Thiên Chúa, trước chính mình và trước người khác.
Việc mở lòng mình trước Thiên Chúa bắt đầu với kinh nghiệm bản thân về chính Ngài trong thinh lặng và cầu nguyện. Như Đức cố Hồng y Martini nói: “Sự Hiệp thông với Thiên Chúa bắt đầu từ sự thinh lặng”, và thinh lặng là một cách thức hiệp thông mạnh mẽ hơn là lời nói, bởi vì trong thinh lặng và suy gẫm về Lời Chúa, chúng ta mở lòng chúng ta ra trước Lời; và để Lời biến đổi cuộc đời chúng ta hướng tới sự thánh thiện bản thân. Khi chúng ta mở ra trước Thiên Chúa, chúng ta gắn chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu là Ngôi Lời và được tràn đầy Thánh Thần. Do đó, chúng ta trở thành những nhân chứng dũng cảm về Đức Kitô, như các Thánh Tông đồ thuở xưa trong ngày lễ Hiện Xuống.
Việc mở ra với chính mình đối với các mục tử Thánh Kinh và các nhà làm truyền thông Thánh Kinh có nghĩa là đối diện với thực tại của chính mình, và xây dựng một nhân cách cụ thể, quân bình, trưởng thành, đầy Thánh Thần và có trách nhiệm, khiến Lời đổ đầy và thấm nhập vào đời sống của mình. Mục tử có thể luôn xem mình như dụng cụ hay phương tiện trung gian của Lời Chúa, và trở thành nhân chứng sống động của Lời, do đó có thể mở ra cho kẻ khác, lắng nghe chuyện của họ và những kinh nghiệm, nhu cầu và khát vọng của họ, trong sự chia sẻ Lời và kinh nghiệm của lòng tin để tạo và nâng đỡ các cộng đoàn sinh động. Và cùng nhau, họ có thể trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng và bí tích cứu độ đối với thế giới.
Tác giả: Linh mục John Mishen - Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 69 (Tháng 3 & 4 năm 2012)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (22/01/2022)