Cách đặt đầu đề (tít) tác phẩm báo chí
Cách đặt đầu đề (tít) tác phẩm báo chí
Các loại tít thường gặp trên báo chí – Cách đặt đầu đề (tít) tác phẩm báo chí. Đầu đề hay tiêu đề (Tít – Title) là một loại tên gọi đặc biệt của tác phẩm báo chí. Nó là sự biểu đạt cô đọng nội dung, thể hiện bản chất, tư tưởng chính trị của tác phẩm, là yếu tố tiếp xúc đầu tiên giữa tác phẩm với công chúng.
– Khác với đầu đề của tác phẩm văn học, đầu đề tác phẩm báo chí có vai trò rất quan trọng. Việc đặt đầu đề có tính quyết định số phận của bài báo. Có khi chỉ cần đọc đầu đề, người ta cũng đã có thể nắm bắt được phần nội dung quan trọng nhất, chủ yếu nhất của tác phẩm báo chí. Bài báo dù rất hay, nhưng đầu đề dở thì có thể làm mất đi ít nhất một nửa độc giả vì đầu đề bài báo là một yếu tố phân biệt bài nào quan trọng hơn bài nào.
– Đầu đề không thể làm nên giá trị của toàn bộ tác phẩm nhưng nó là yếu tố đầu tiên thu hút sự quan tâm của người đọc để họ tự quyết định xem có cần phải đọc cả nội dung bài bào đó (ở trang trong) hay không?
– Đầu đề của tác phẩm báo chí có thể là một tập hợp của một nhóm đầu đề, được sắp xếp theo trình tự như sau: Đầu đề dẫn (Tít dẫn)- Đầu đề chính (Tít chính) -Đầu đề phụ (Tít phụ).
– Nhìn chung, có thể có ba cách đặt đầu đề cho tác phẩm báo chí như sau:
+ Một là rút ra chi tiết, số liệu quan trọng, hấp dẫn nhất: Theo cách này, có thể chọn lấy các chi tiết hoặc số liệu nào đó quan trọng nhất, hấp dẫn nhất, đáng chú ý nhất trong nội dung của tin, bài để đưa vào đầu đề. Ví dụ:
Bệnh viện Việt – Pháp (Hà Nội): U bên trái, cắt bên phải (Báo Lao Động, 16/2/2006).
Khai trừ đảng Viện phó Viện KSND tỉnh Bình Thuận (Báo Thanh Niên, 21/3/2006).
Gà sạch liệu có sạch? (Báo Hà Nội mới, 17/2/2006).
+ Hai là rút ra vấn đề, ý nghĩa quan trọng nhất, chủ yếu nhất: Một tác phẩm báo chí có thể chứa đựng nhiều chủ đề hoặc ý nghĩa khác nhau. Trên cơ sở nội dung của tác phẩm, tác giả rút ra vấn đề chủ yếu, quan trọng nhất mà tác phẩm đề cập tới để đặt đầu đề cho tác phẩm. Ví dụ:
Nỗi buồn quan họ (Báo Lao Động, 5/2/2006).
Thị trường vật liệu xây dựng: Xi măng “nóng” – Sắt thép “lạnh” (Báo Thanh Niên, 18/1/2006).
“Con thuyền” nhiếp ảnh Việt Nam sẽ đến bến bờ nào? (Báo Thanh Niên, 21/3/2006).
+ Ba là phối hợp cả hai cách nêu trên: Một đầu đề có thể vừa chứa đựng chi tiết chủ yếu, quan trọng, hấp dẫn nhất, đồng thời cũng thể hiện được ý nghĩa hoặc vấn đề quan trọng nhất. Ví dụ:
Cao su tăng giá: Kẻ cười – Người khóc (Báo Lao Động, 16/2/2006).
Sai phạm trong quản lý ngân sách nhà nước ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh: Xử lý kiểu “Đánh trống bỏ dùi” (Báo Bảo vệ Pháp luật từ 21 – 24/2/2006).
Sơn La: Thao thức lòng hồ (Báo Lao động – Xã hội, số Xuân Bính Tuất 2006).
Ngoài ba cách cơ bản nêu trên, trong thực tế còn có thể có rất nhiều cách đặt đầu đề khác được vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo. Chẳng hạn, người ta có thể vận dụng kết hợp toàn bộ hay một phần những câu thơ, lời hát, thành ngữ, tục ngữ, tên sách, tên phim, câu nói nổi tiếng… để đặt tên cho tác phẩm. Còn có thể đặt tít theo cách khác như: sử dụng những câu, chữ đối lập, tượng thanh, tượng hình; trích lời nhân vật; so sánh v.v… Nhưng dù được đặt ra theo cách nào đầu đề của tác phẩm báo chí cũng phải đáp ứng các tiêu chí đúng, hay, gây ấn tượng… Tít phải chuyển tải được thông điệp chính.
– Cần chú ý tránh cách đặt đầu đề chung chung, tránh đặt bằng những lời bình thô thiển, những lời lăng mạ hoặc lối đặt đầu đề bằng câu nghi vấn rất dễ tạo nên hiểu lầm. Ngoài ra, khi đặt đầu đề cho tác phẩm báo chí cần tránh một số lỗi thường gặp sau đây:
Không nên dùng những từ lặp lại nhiều lần .
Không bê nguyên xi một câu trong bài để làm đầu đề.
Tránh dùng câu mập mờ nhiều nghĩa.
Tránh những từ ngữ văn hoa sáo rỗng .
Không bông lơn, đùa cợt bằng đầu đề .
Theo một tài liệu có tiêu đề “Tin, Bài, Ảnh báo chí” do tác giả Vũ Bình biên soạn, tít báo phải chứa đựng 3 yếu tố chính là: Ai? Cái gì? Khi nào? Nếu bí quá, có thể sử dụng các yếu tố phụ là: Như thế nào? Tại sao? Ví dụ:
Mổ tim trong khi tim đang đập
Cảnh giác với “thần dược” trị bách bệnh
Tác giả cho rằng đôi khi có thể sử dụng các chi tiết độc đáo trong bài để rút tít, ví dụ:
Hôn nhau cũng có thai
Nước đục đến đâu trừ tiền đến đó
Diễn viên Hồng Ánh đi kiện
Cũng trong tài liệu này, tác giả cho rằng “có 8 cách đặt tít” cho tác phẩm báo chí như sau:
1. Tít phải vừa mang nội dung, vừa gây ấn tượng. Ví dụ:
Đem bia ôm, gái điếm đố vui tuổi học trò
Kem siêu…bẩn
Đề thi sai, phụ huynh lại lên ruột
Đừng tin con bổ củi
2. Tít phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu. Ví dụ:
Không dùng từ quá chuyên môn. Không viết tắt.
Mỗi tít tối đa 12 chữ. Tít càng ngắn càng hay (để khi trình bày vào trang báo, tít không được quá 2 hàng. Tít tin trong cột dọc không được quá 3 hàng).
3. Nên dùng câu khẳng định. Hạn chế dùng câu nghi vấn. Ví dụ:
Vietel, nạn nhân mới của “ông độc quyền” VNPT
(Không đặt: VNPT có chơi xấu Vietel).
4. Có thể là câu hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh. Ví dụ:
Câu hoàn chỉnh: Nguyễn Văn A sẽ đi chữa bệnh tại Pháp
Câu không hoàn chỉnh: Xa lộ xuyên Á: Nguy hiểm!
5. Đặt tít phải hướng về bạn đọc, thu hút bạn đọc. Ví dụ:
Điện thoại di động: chọn nhà cung cấp nào?
(Không đặt: Điện thoại di động: cuộc cạnh tranh khốc liệt).
6. Đặt tít hướng về tương lai. Ví dụ:
Hơn 1.000 công nhân công ty A sắp mất việc làm
(Không đặt: Công ty A năm qua làm ăn thua lỗ)
7. Tít phải phản ánh đúng nội dung bài báo
Không đặt tít quá “bốc” khi nội dung bài không phải như vậy khiến bạn đọc bực mình, thất vọng.
8. Nguyên tắc “từ khóa” khi đặt tít:
Đề cập đến điều gì thì đặt nó ở ngay đầu tít lớn (tít chính) để làm nổi bật (không đặt ở giữa tít lớn và không đặt ở tít dẫn). Ví dụ:
Gia cầm chết hàng loạt: Chính quyền vẫn chưa có quyết sách
(Không đặt: Chính quyền vẫn chưa có quyết sách về dịch cúm gia cầm)
Cũng theo tác giả của tài liệu này, tác phẩm báo chí có các loại sau đây: Tít trên (surtitre – xuyệc tít); Tít dưới, tít chính; Tít giữa, tít xen; Tít phê bình; Tít gợi ý v.v…
Lưu ý: Trên cơ sở của các vấn đề như đã nêu trên, có thể thấy hầu hết các đầu đề trên tạp chí Y tế và Trang thông tin ngành Y có xu hướng thiên về cách thứ nhất (lấy các chi tiết hoặc số liệu nào đó quan trọng nhất, hấp dẫn nhất, đáng chú ý nhất trong nội dung của tin, bài để đưa vào đầu đề). Thực trạng đó cộng với việc các tác giả không thực sự đầu tư tâm huyết cho đầu đề nên khiến cho các đầu đề không thực sự hấp dẫn. Vấn đề này sẽ dần dần được khắc phục nếu các tác giả có một quan niệm đầy đủ và đúng đắn về đầu đề (tít) của tác phẩm báo chí.
Có thể sử dụng tất cả những kỹ năng đặt đầu đề cho tác phẩm báo cho nói chung để đặt đầu đề chgo các tin, bài viết về lĩnh vực Y. Yêu cầu là mỗi tác giả phải thực sự đầu tư tâm huyết để có được những đầu đề đúng, hay, ấn tượng đối với người đọc.
(Lytuong.net – Sưu tầm)